10:29 09/07/2014

Xăng dầu “đánh úp” vận tải

Đinh Tịnh

Khi vấn đề cân xe còn chưa hết “nóng” thì việc liên tiếp tăng giá xăng dầu càng đẩy khó khăn cho doanh nghiệp vận tải

Năm 2013, xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh giá, trong đó 6 lần 
tăng. Từ đầu năm 2014 đến ngày 7/7, xăng dầu đã 5 lần điều chỉnh tăng 
giá.
Năm 2013, xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh giá, trong đó 6 lần tăng. Từ đầu năm 2014 đến ngày 7/7, xăng dầu đã 5 lần điều chỉnh tăng giá.
Ngày 23/6, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã  điều chỉnh giá xăng dầu  tăng 330 đồng/lít.  Chỉ 2 tuần sau (ngày 7/7), Liên Bộ tiếp tục tăng giá 410 đồng/lít. Việc liên tiếp tăng giá xăng dầu khiến nhiều  doanh nghiệp  vận tải “thiệt đơn, thiệt kép”, một số đơn hàng đã ký có nguy cơ “vỡ trận”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết, riêng năm 2013, xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh giá, trong đó 6 lần tăng. Từ đầu năm 2014 đến ngày 7/7, xăng dầu đã 5 lần điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, mức tăng giá lần nào cũng “nhỏ giọt” nên các doanh nghiệp vận tải rất khó khăn trong điều chỉnh giá cước.

Từ 2 tháng nay, Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Công an và các địa phương ráo riết vào cuộc, siết lại trọng tải xe đã khiến các doanh nghiệp vận tải kêu trời vì giá cước tăng. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, giá cước vận tải đã tăng từ 2-2,5 lần so với trước.

Khi vấn đề cân xe  còn chưa hết “nóng” thì việc  liên tiếp tăng giá xăng dầu càng đẩy khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Nam Định, cho rằng, doanh nghiệp vận tải đang gặp vô vàn khó khăn. Từ rào cản về tải trọng xe, trạm thu phí BOT dày đặc, nay là tăng giá xăng dầu. Tăng lần 1, rồi sau đó là  lần 2, khiến doanh nghiệp vận tải như bị “đánh úp”.

Một số doanh nghiệp vừa xin áp mức giá cước mới thì xăng lại tăng giá khiến các đơn hàng có nguy cơ sạt nghiệp. Nếu doanh nghiệp chạy theo giá cũ thì lỗ, còn không chạy, xe để đó nhưng vẫn trả lãi ngân hàng thì doanh nghiệp cũng chết.

Ông Lương Văn Thụy, Giám đốc Công ty vận tải Thụy Phương, Hà Nội bức xúc: Từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng liên tiếp  tăng, trong khi  giá xăng thế giới ở mức bình thường. Vậy căn cứ vào đâu mà tăng giá xăng dầu ở mức đỉnh điểm cao nhất từ trước đến nay?

Ông Thụy cho biết thêm, riêng với doanh nghiệp có khoảng 15 xe container chuyên chạy các tuyến đường dài, chỉ cần xăng dầu tăng giá vài trăm đồng  sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đơn hàng. Nhất là 2 lần tăng cuối tháng 6 và đầu tháng 7, thực sự không hợp lý.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng nhận định: tổng 2 lần giá xăng dầu tăng liên tiếp vào khoảng 600 - 700 đồng/lít. Điều này chắc chắn có tác động lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải chuyên chở container và hàng rời.

Ông Tiến cho biết thêm, nếu đặt trong bối cảnh khác,  thì doanh nghiệp vận tải sẽ vui vẻ chấp nhận. Song  trong bối cảnh căng thẳng về tải trọng, nhiều loại phí cộng với xăng dầu  tăng giá, doanh nghiệp vận tải chẳng còn tinh thần để làm ăn.

Trao đổi về việc liệu doanh nghiệp vận tải có đồng loạt tăng giá, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chắc chắn sẽ có sự thay đổi về giá cước bởi tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí đầu vào. Trong ngành vận tải, chi phí vật liệu chiếm tới 40-50% giá thành vận tải.
Ông Thanh cho biết thêm, trước đây, hiệp hội  nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nên có kế hoạch điều chỉnh tăng giá xăng theo lộ trình 1 năm, 6 tháng hoặc 3 tháng.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng điều chỉnh tăng “nhỏ giọt”, vô hình chung, doanh nghiệp muốn xin tăng giá cũng khó. Mỗi lần doanh nghiệp vận tải tăng giá một ít thì không được, thủ tục rất nhiêu khê, rườm rà.

Vì thế, doanh nghiệp vận tải mong muốn có sự minh bạch trong kiểm soát giá xăng dầu. Theo các doanh nghiệp vận tải taxi, việc liêp tiếp tăng giá lần này khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng.

Bởi lẽ, muốn điều chỉnh giá cước doanh nghiệp cần phải đề đơn xin tăng giá (khoảng 10 ngày); tiếp đó, doanh nghiệp phải xin Cục Tiêu chuẩn đo lường của Sở Khoa học công nghệ đến dán tem và dừng toàn bộ xe để điều chỉnh cước đồng hồ. Khoảng thời gian này, doanh nghiệp vẫn phải hoạt động với giá cước cũ nên xe chạy thì sẽ có lỗ.

Trao đổi với phóng viên , ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà nói, ngay trong ngày 8/7, Công ty làm việc với các chủ hàng, dự kiến, đơn giá sẽ tăng nhẹ mức 4-5%.  

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, trước sức ép tăng giá xăng dầu lần này, dự đoán sẽ xuất hiện tình trạng “tăng vé mồm”, chủ yếu đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách. Việc tăng giá lần này cũng gần và khá lớn, vì thế, trong giai đoạn chờ xin thủ tục, các doanh nghiệp vận tải khách sẽ tự động tăng giá.

Ông Thanh cũng cảnh báo về các nhóm đối tượng  như xe 3 bánh (xe thương binh), xe ôm... chở hành khách nhân dịp này sẽ tăng giá mạnh mà không ai kiểm soát.