15:14 19/08/2009

Xây dựng ký túc xá sinh viên: Cơ chế thoáng, tốc độ chậm

Lý Hà

Hiện chỉ có khoảng 20% sinh viên được ở trong ký túc xá, mặc dù cơ chế, chính sách tạo quỹ nhà ở cho sinh viên đã thông thoáng

Ký túc xá tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu của sinh viên.
Ký túc xá tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu của sinh viên.
Thời điểm này, sau niềm vui trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, các tân sinh viên mà đa phần từ các tỉnh về Hà Nội, Tp.HCM học tập, đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở.

Dù các cơ sở đào tạo đã có nhiều cố gắng xây ký túc xá nhưng hiện chỉ có khoảng 20% sinh viên được ở trong ký túc xá.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có gần ba triệu học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp dạy nghề. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 4,5 triệu người vào năm 2020 và các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nội trú của sinh viên. Phần lớn học sinh, sinh viên vẫn phải thuê phòng trọ trong điều kiện phân tán, nhếch nhác, không thuận lợi cho các nhu cầu sinh hoạt tập thể và là môi trường thuận lợi cho các tệ nạn xã hội phát triển.

Hiện trên địa bàn Tp.HCM có 70 trường đại học và cao đẳng với 328.475 sinh viên, trong đó có 70% (khoảng 230.000 sinh viên) từ các tỉnh, thành phố đến Tp.HCM học tập có nhu cầu nhà ở. Nhưng thành phố chỉ có 64 khu ký túc xá, với khoảng 5.230 phòng, mới đáp ứng cho khoảng hơn 39.000 sinh viên, chiếm 17% tổng số sinh viên từ các tỉnh, thành phố đến Tp.HCM học tập.

Tại Hà Nội, năm 2009 thành phố có 126 cơ sở đào tạo (59 đại học, học viện, 28 trường cao đẳng, 39 trường trung cấp chuyên nghiệp). Tổng quy mô học sinh, sinh viên chính quy là 384.351, chiếm 25% tổng số sinh viên toàn quốc. Hệ thống ký túc xá ở Hà Nội hiện nay phần lớn được xây dựng từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp và tình trạng thiếuký túc xá sinh viên đang trở thành sức ép lớn của Hà Nội. Hiện nay toàn bộ hệ thống ký túc xá tại Hà Nội chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu của sinh viên.

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách tạo quỹ nhà ở cho sinh viên thuê, trong đó, bố trí 8 nghìn tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ để đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên trong hai năm 2009, 2010.

Chính phủ cũng giao chính quyền các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở sinh viên. Xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở sinh viên là một trong những chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các chỉ tiêu này phải được xây dựng hằng năm, từng thời kỳ, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm của từng địa phương và phải được tổ chức thực hiện trên cơ sở quy định chế độ trách nhiệm một cách cụ thể. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ cao của toàn xã hội. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 3/267 dự án đăng ký xây dựng nhà ở sinh viên được khởi công.

Theo lý giải của Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), lý do dẫn đến sự chậm trễ đó là, chưa thể giải ngân nguồn trái phiếu chính phủ do cần điều chỉnh, và phải thông qua Quốc hội. Một số tỉnh, thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM còn gặp khó khăn trong việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở sinh viên theo cụm trường. Bên cạnh đó, chưa thống nhất ý kiến về quan điểm xây dựng nhà ở sinh viên (khu ký túc xá tập trung hay tại từng điểm trường).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, Bộ đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt danh mục dự án nhà ở sinh viên được đầu tư xây dựng bằng nguồn trái phiếu chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vốn và danh mục dự án sẽ giao kế hoạch vốn cho các địa phương đã có đủ điều kiện về thủ tục đầu tư để triển khai ngay vào cuối năm 2009.

Tại buổi làm việc mới đây với các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và Tp. Hà Nội để thống nhất triển khai xây dựng các cụm ký túc xá tập trung quy mô lớn cho sinh viên ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu từ nay đến tháng 3/2010 là hạn chậm nhất để khởi công các cụm ký túc xá sinh viên đầu tiên ở Hà Nội.

 “Nguồn vốn đã sẵn sàng, cơ chế thông thoáng, đất “sạch” đã được giao, tuyệt đối không để bất cứ dự án ký túc xá nào chậm triển khai. Nếu dự án nào chậm khởi công sẽ bị chuyển sang kế hoạch năm sau”, Phó Thủ tướng nói.