Xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe xanh, bền vững và chống chịu biến đổi khí hậu
Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước và yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế, để xây dựng các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực y tế...
Ngày 30/10, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đã đồng tổ chức Hội nghị Khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu, sức khỏe và hệ thống y tế xanh Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6, với chủ đề “Chuyển đổi Hệ thống y tế Châu Á hướng đến hệ thống y tế công bằng, phát thải carbon thấp, và thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu”.
Hội nghị tập trung nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của ngành Y tế trong việc hướng tới công bằng và công lý về sức khỏe, thông qua việc thúc đẩy các tiêu chuẩn và chính sách môi trường mạnh mẽ hơn, tái thiết hậu đại dịch và thiên tai; huy động các cơ sở và chuyên gia y tế đứng đầu trong các cuộc thảo luận về khí hậu.
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh biến đổi khí hậu được coi là một thách thức toàn cầu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Điều này cũng đặt ra những thách thức đối với việc thực hiện và đạt được Chương trình nghị sự đến 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các mục tiêu về sức khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 3,6 tỷ người hiện đang sống ở những khu vực rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy, đặc biệt ảnh hưởng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người già và các cộng đồng bị thiệt thòi. Chi phí trực tiếp liên quan đến y tế dự kiến vào khoảng 2 - 4 tỷ USD mỗi năm.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Do vị trí địa lý, Việt Nam có nguy cơ cao phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập nước biển, mực nước biển dâng, lũ lụt và bão.
Trung bình cả nước hứng chịu 6 - 7 cơn bão hằng năm, trong đó bão Yagi và bão Trami là những cơn bão gần đây nhất. Ước tính, tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra đối với các cơ sở y tế vượt quá 300 tỷ đồng, tương đương 12 triệu USD, ảnh hưởng nặng nề đến gần 1.700 cơ sở y tế trên 13 tỉnh thành. Hơn 33.000 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam chìm trong nước do bão Trami gây ra.
Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bao gồm Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Y tế (2019-2030, tầm nhìn 2050), tiến hành đánh giá tính dễ bị tổn thương và thích ứng, xây dựng năng lực cho nhân viên y tế.
“Chúng tôi cũng đang tập trung vào chuyển đổi số và công nghệ thông tin, thí điểm mô hình bệnh viện xanh – sạch – đẹp; giảm thiểu rác thải nhựa cùng với mô hình tập hợp các hoạt động thực hành dựa trên bằng chứng để cung cấp nước sạch, vệ sinh sạch sẽ, và thực hành vệ sinh tốt một cách bền vững trong nhiều bối cảnh khác nhau. Những mô hình này thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, bão và lũ lụt...”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.
XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE XANH
Năm 2023, Việt Nam đã gia nhập Liên minh Hành động thay đổi về khí hậu và sức khỏe (ATACH), với cam kết phát triển hệ thống y tế có khả năng chống chịu khí hậu và phát thải carbon thấp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để đạt được cam kết này, Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước và yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế, để xây dựng các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực y tế.
Qua đó, nhằm thực hiện các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, và tăng trưởng xanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến năm 2030, và tầm nhìn đến năm 2050.
“Tôi hy vọng rằng với nỗ lực của mình, chúng ta có thể tạo ra các hệ thống chăm sóc sức khỏe không chỉ chống chịu được biến đổi khí hậu, mà còn duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công bằng, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Tại hội nghị, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng, cho biết Hải Phòng đặc biệt coi trọng sự phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa trong đời sống, cũng như lĩnh vực y dược học.
Thành phố coi việc tổ chức hội nghị là một sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi hệ thống y tế Châu Á, tầm nhìn về chăm sóc sức khỏe công bằng, phát thải carbon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Ban tổ chức, trong năm 2024, hội nghị đặt ra các mục tiêu lớn, bao gồm: Kết nối các bệnh viện, hệ thống y tế và các bên liên quan, nhằm xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe xanh, bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Qua đó, xây dựng một nền lãnh đạo mạnh mẽ hơn và một phong trào rộng lớn hơn về hành động khí hậu trong lĩnh vực y tế trên khắp Châu Á, hướng tới một khu vực bền vững, giảm thiểu carbon và chống chịu phục hồi khí hậu tốt hơn.
Hội nghị Khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu, sức khỏe và hệ thống y tế xanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội để các nhà lãnh đạo, nhà hoạt động và chuyên gia y tế gặp gỡ, chia sẻ và cùng hướng đến mục tiêu chung vì một nền y tế xanh, bền vững, và thân thiện với môi trường.
Các đại biểu tham gia kỳ vọng rằng sự hợp tác này sẽ là nền tảng thúc đẩy các giải pháp hiệu quả, bền vững, và công bằng cho tương lai y tế Châu Á và toàn cầu.