16:00 26/12/2022

Xây dựng, phát triển môi trường học tiếng Anh ở trường phổ thông

Đỗ Như

Trong các ngoại ngữ, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc học ngoại ngữ, trước hết là Tiếng Anh trở thành yêu cầu thiết thực cần được đáp ứng...

Bộ Giáo dục Đào tạo phát động phong trào học tiếng Anh trong các trường phổ thông. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục Đào tạo phát động phong trào học tiếng Anh trong các trường phổ thông. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 23, 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được ngành Giáo dục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ từ việc học sinh được tiếp cận học tiếng Anh đến nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Môn Ngoại ngữ giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ, ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho học tập và giao tiếp. Trong các ngoại ngữ, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc học ngoại ngữ, trước hết là Tiếng Anh trở thành yêu cầu thiết thực cần được đáp ứng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ngành Giáo dục các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động phong trào học và sử dụng tiếng Anh trong các trường phổ thông tại địa phương, nhân rộng các mô hình tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ, coi đây là một hoạt động mang tính thực tiễn và sáng tạo, khơi dậy niềm hứng thú và thái độ học tập nghiêm túc đối với cán bộ giáo viên, học sinh trong các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của địa phương.

Đối với các cơ sở giáo dục, bên cạnh việc dạy và học ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần tổ chức triển khai nhiều hoạt động giáo dục hỗ trợ việc dạy học ngoại ngữ như: thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh, ngày hội nói tiếng Anh, trại hè ngoại ngữ…

Tạo môi trường thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển việc học, sử dụng tiếng Anh cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Nêu cao tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ và khả năng sử dụng tiếng Anh của thầy và trò trong nhà trường.

Đối với các cán bộ, giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các thầy cô đổi mới tư duy, vượt qua những rào cản, trở ngại về tâm lý, gương mẫu tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin, công việc, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh để truyền cảm hứng cho học trò; nghiên cứu, tham khảo và sử dụng hiệu quả Bộ sổ tay hướng dẫn xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ.

Đối với học sinh, các em hãy xác định "mình là công dân toàn cầu" vì vậy ngoài ngôn ngữ dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt cần học tập tốt, sử dụng thành thạo tiếng Anh. Trước hết hãy chú trọng và học thật tốt môn ngoại ngữ theo chương trình chính khóa và tăng cường việc giao tiếp bằng tiếng Anh.

Phó trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Trần Trọng Hưng đã lưu ý đối với nhà trường các vấn đề như rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học, sử dụng ngoại ngữ ở đơn vị mình một cách cụ thể, rõ mục tiêu và lộ trình thực hiện;

Sử dụng các nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư, bổ sung thiết bị hiện đại phục vụ dạy học tiếng Anh; giáo viên tiếp tục nghiên cứu Bộ sổ tay hướng dẫn, lồng ghép, tích hợp nội dung học tập trong quá trình triển khai… để phong trào tiếp tục được thực hiện và có hiệu quả tốt hơn nữa theo hướng đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc phát động phong trào được xem là một hoạt động mang tính thực tiễn, sáng tạo, khơi dậy niềm hứng thú, thái độ học tập nghiêm túc đối với cán bộ giáo viên, học sinh trong các đơn vị trường học.