18:57 16/03/2024

Xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa

Nhĩ Anh

Ô nhiễm do rác thải nhựa (“ô nhiễm trắng”) đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ rất nghiêm trọng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều ngày 15/3/2024, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam ký hợp tác về việc triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững; giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng.

Thỏa thuận hợp tác là cam kết lâu dài giữa 2 đơn vị trong xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng rừng, tái thiết cuộc sống xanh; các chương trình giáo dục (giáo dục ngoại khóa, đào tạo, tập huấn...); chương trình trải nghiệm; các hoạt động truyền thông, hỗ trợ các dự án, hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đặc biệt, chương trình hợp tác tập trung trọng điểm vào việc xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục về trải nghiệm tái chế rác nhựa tại các trường học và cộng đồng giai đoạn 2024- 2030 nhằm khơi dậy tiềm năng, đam mê, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa.

Hợp tác triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững; giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng.
Hợp tác triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững; giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng.

Chương trình giáo dục trải nghiệm máy tái chế nhựa trong trường học và cộng đồng được thiết kế với các hoạt động: nâng cao nhận thức về rác thải nhựa thông qua các tiết học xanh; Học sinh được hướng dẫn và thực hành phân loại rác tại trường; Trải nghiệm trực tiếp quy trình tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm…

Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nilon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần…

Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8- 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11- 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.

Ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, cho biết nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam- một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, phấn đầu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Tại kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tháng 6/2018, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”. Tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế khác, Việt Nam đã tích cực tham gia và đề xuất nhiều sáng kiến có liên quan. Đặc biệt, ngày 09/6/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì lễ phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Trên phạm vi toàn quốc, những hành động thiết thực của cộng đồng đã diễn ra góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa tại hội nghị, hội thảo. Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với nhiều chương trình, mô hình mới, sáng tạo, nhằm lan truyền mạnh mẽ những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường.

"Các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh bằng những việc làm cụ thể, như: không dùng giấy nilon bọc sách, vở; vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện...", ông Lý cho hay.

Lagom Green Recycle Machine là chương trình giáo dục trải nghiệm tái chế đặc biệt, với mục đích nâng cao nhận thức của người dân, trong đó tập trung vào học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, khu chung cư và các khu công nghiệp trên cả nước. Trong 5 năm qua, Lagom đã thu gom tại 2000 trường học, nhận được sự ủng hộ của các học sinh và giáo viên nhà trường.

Lagom Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình và dự án liên quan đến nâng cao nhận thức, thu hồi và tái chế rác thải nhựa như: Chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại hơn 2000 trường học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Nghệ An; dự án CantoCan- tái chế vô hạn lon nhôm thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh;  dự án CSR Recycle to Give Back… Hiện nay, Lagom đang thực hiện tái chế trên 2 loại vật liệu là vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng và các loại nhựa có thể tái chế.