06:00 09/06/2021

Xe công nghệ chạy đua giao hàng

Nhĩ Anh

Trong bối cảnh tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở ăn uống không bán hàng tại chỗ và chỉ mang về khiến cho nhu cầu bán và đặt đồ ăn online tăng vọt. Các hãng xe công nghệ vì thế cũng tung ra nhiều chính sách hỗ trợ đối tác mảng giao đồ ăn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gần hai tuần nay, anh Nguyễn Tuấn Hùng, tài xế của một hãng xe công nghệ ở Hà Đông (Hà Nội), gần như không nghỉ trưa vì chạy đua với các đơn hàng giao đồ ăn cho khách. Anh cho biết: từ khi dịch bùng phát trở lại, đặc biệt khi có lệnh tạm dừng hoạt động các hàng quán ăn uống và chỉ bán mang về, số cuốc xe và thu nhập từ chở khách giảm nhưng số đơn hàng giao đồ ăn lại tăng.

Giữa cái nắng gay gắt đầu hè, tranh thủ buổi trưa, lực lượng shipper như anh phải chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cũng để kiếm thêm nguồn thu nhập.

SỐ LƯỢNG ĐẶT ĐỒ ĂN TRỰC TUYẾN TĂNG MẠNH

Không đón khách ăn tại quán, nhưng nhiều cửa hàng ăn uống hiện nay lại xuất hiện màu áo của shipper các hãng Grab, Gojek, Now, Baemin... đến nhận đơn đồ ăn.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, đại diện một hãng xe công nghệ thừa nhận, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu đi lại của người dân có giảm nhưng số đơn hàng giao đồ ăn lại tăng. Tính trung bình, các đơn giao hàng ăn tăng khoảng hai con số, thậm chí có nhiều ngày, nhất là thời điểm đầu mùa dịch căng thẳng hoặc những ngày nắng nóng, tỷ lệ này tăng đến ba con số.

Trước thực tế nhu cầu của người dùng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh, những ngày đầu tháng 6/2021, các hãng đều tung ra những sáng kiến, chương trình hỗ trợ thiết thực tới các đối tác trong hệ sinh thái, người dùng, các doanh nghiệp, cửa hàng, đối tác tài xế, đặc biệt ở mảng giao đồ ăn.

 
Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam
Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam
Các đối tác tài xế và nhà hàng là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Chúng tôi mong muốn có thể san sẻ với họ phần nào khó khăn đó. Với chương trình hỗ trợ thu nhập, bù đắp thu nhập cho tài xế chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19 và hỗ trợ phí giao hàng cho các nhà hàng, người dùng, chúng tôi hy vọng có thể đồng hành, tiếp sức cho các đối tác vượt qua thử thách để duy trì hoạt động; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng đặt món ăn.

Cụ thể với Gojek, trong chương trình dành công bố ngày 2/6 dành cho đối tác tài xế, các đối tác “siêu chiến binh” (đối tác tài xế có hiệu suất trung bình 95%, số sao đánh giá trung bình đạt 4,96 trên 5) sẽ nhận được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày trong tối đa 21 ngày, nếu nhận kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, hoặc nhận được yêu cầu cách ly tập trung của cơ quan nhà nước. Các đối tác tài xế còn lại nhận được mức hỗ trợ 100.000 đồng/ngày nếu gặp tình huống tương tự.

Ngoài ra, tất cả các đối tác khi thực hiện các đơn hàng giao đồ ăn trực tuyến GoFood trong thời gian căng thẳng của dịch bệnh, nếu đạt hiệu suất trung bình 7 ngày từ 85% trở lên sẽ được hỗ trợ thêm mỗi ngày 100.000 đồng tại Hà Nội và 150.000 đồng tại Tp.HCM.

Theo đại diện Gojek, các chính sách này nhằm tạo điều kiện cho các đối tác tài xế yên tâm hơn khi duy trì hoạt động để cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng, đồng thời đảm bảo một lượng cung tài xế hợp lý nhằm đáp ứng các nhu cầu giao hàng và đặt đồ ăn trực tuyến ngày càng tăng.

Thống kê, Gojek hiện đang kết nối hơn 200 nghìn đối tác tài xế xe mô tô hai bánh và hàng chục nghìn nhà hàng với hàng triệu khách hàng. Trong những tháng đầu năm 2021, hàng nghìn nhà hàng đã gia nhập mới nền tảng GoFood.

Trong bối cảnh các nhà hàng, quán ăn chuyển dịch lên bán hàng online nhiều hơn, ứng dụng này đã triển khai chiến dịch “Vùng Freeship: quán còn mở, mình còn freeship”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dùng khi sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến.

CÁC HÃNG HỖ TRỢ MẢNG GIAO ĐỒ ĂN

Giai đoạn đầu, ngoài phiếu giảm giá, Gojek sẽ miễn phí giao hàng (tối đa 15.000 đồng), cho tất cả đơn hàng có giá trị tối thiểu 40.000 đồng tại các quán ăn, nhà hàng đang là đối tác của GoFood ở quận Bình Thạnh, Tân Bình, 1, 3, 10 tại Tp.HCM, và các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng tại Hà Nội.

Đại diện ứng dụng Gojek hy vọng, chiến dịch này sẽ giảm bớt sự ngần ngại cho khách hàng khi có nhu cầu đặt hàng nhiều lần và phải trả tiền phí giao hàng cho nhiều đơn hàng, từ đó kích cầu, mang tới cho các nhà hàng nhiều người dùng và cơ hội doanh thu.

 
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là trụ cột của nền kinh tế nhưng cũng là đối tượng dễ bị tác động do dịch Covid-19. Thông qua việc mở rộng dịch vụ GrabExpress siêu tốc (đồ ăn), chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ các nhà hàng, quán ăn, đối tác nhanh chóng thích ứng với quy định giãn cách, tiếp tục mang đến những bữa ăn ngon và chất lượng đến tận nhà người dùng. Việc áp dụng giải pháp kỹ thuật số giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt kịp nhu cầu của người dùng trong tương lai.

Ngay sau khi Gojek tung ra chương trình hỗ trợ, Grab Việt Nam cũng công bố mở rộng dịch vụ GrabExpress siêu tốc (giao đồ ăn) nhằm giúp người dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực F&B thích nghi với quy định giãn cách tại một số địa phương. Dịch vụ này mang đến cho các chủ doanh nghiệp nhỏ cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh với dịch vụ giao hàng tiện lợi và tiết kiệm đến 27% chi phí.

Chương trình không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh cho các đối tác nhà hàng, mà còn giúp người dùng nhiều lựa chọn hơn khi ăn uống tại nhà một cách an toàn, nhanh chóng với chi phí tiết kiệm. Ngoài ra, dịch vụ còn giúp cho các đối tác tài xế tăng thêm cơ hội thu nhập bằng cách thực hiện nhiều chuyến giao hàng hơn.

Đại diện Grab Việt Nam thông tin, từ nay đến cuối tháng 6/2021, tất cả người dùng (kể cả các doanh nghiệp F&B) đều có thể sử dụng dịch vụ. Dịch vụ này cũng được mở ra cho các nhà hàng, quán ăn chưa trở thành đối tác chính thức của GrabFood. Thông qua việc mở rộng dịch vụ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực F&B chưa có giải pháp giao hàng có thể tiếp cận người dùng tại nhà dễ dàng hơn.

Hỗ trợ đối tác, doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn của dịch bệnh cũng là cách để các ứng dụng gắn kết, chiếm lĩnh thị phần mảng giao đồ ăn ở Việt Nam đầy tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng rất khốc liệt.

MẢNG THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG

Theo một nghiên cứu vừa được Reputa công bố, thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam đang được đánh giá là tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng có nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào với các tên tuổi nổi bật hiện nay như Grabfood, Now, Baemin, Gofood, Loship.

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh về giao hàng thực phẩm trực tuyến do Covid-19 với hơn 1,14 triệu lượt thảo luận. Theo khảo sát, GrabFood là thương hiệu dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 33,38% thị phần thảo luận. Theo sau là Now với 23,16% và đứng ở vị trí thứ 3 là “tân binh” Baemin với 21,95%. Loship và Gofood lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và 5 về thị phần.

 

Các chuyên gia nhận định xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng suốt năm 2021, được dự báo sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD, đồng thời duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Chia sẻ điều này, một chuyên gia thương mại điện tử cũng cho rằng trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, các mặt hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm, đồ ăn sẽ tăng trưởng nhanh thay vì chỉ tập trung vào mặt hàng gia dụng như hiện nay.

So với khu vực, quy mô thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam hiện rất nhỏ. Do đó, việc mở rộng thị trường giao thức ăn nhanh tại Việt Nam không chỉ đem lại thuận lợi cho thương hiệu mà còn tạo cơ hội cho nhiều nhà hàng, quán ăn nhỏ, tạo nên thị trường thức ăn phong phú, hấp dẫn thực khách.