07:18 06/07/2023

Xe đạp 3D SuperStrata, quà tặng hay trái đắng?

Hồng Vinh

“Làm sản phẩm rất khó, xác xuất thất bại khá cao, nhất là với những sản phẩm công nghệ cao và phải chuẩn bị tinh thần mất hết toàn bộ số tiền đầu tư…”

Một góc xưởng lắp ráp xe đạp Superstrata.
Một góc xưởng lắp ráp xe đạp Superstrata.

Bởi vậy, chia sẻ xoay quanh câu chuyện đang được dự luận quan tâm dự án xe đạp 3D SuperStrata của Công ty Arevo Việt Nam, chuyên gia công nghệ Hoàng Sơn đánh giá cao nỗ lực của Arevo, khi vẫn giao sản phẩm xe đạp Superstrata đến tay khách hàng, dù chậm trễ, chưa đủ chất lượng như giới thiệu,...

CHƯA CÓ PHÁP LÝ CHO GỌI VỐN CỘNG ĐỒNG

Đầu tiên cần có một ý tưởng và một số vốn nhất định để biến ý tưởng đó thành sản phẩm thực tế thương mại. Do đó, trang gây quỹ cộng đồng như Indiegogo hay Kickstarter nhằm huy động tiền cho phần đóng góp để nghiên cứu, phát triển sản phẩm cùng các điều khoản hoàn vốn, trả một phần tiền còn lại, tiền lời, hay cho tặng thành phẩm…

Theo đại diện Arevo, công ty đã kêu gọi cộng đồng “tài trợ” cho dự án một khoản tiền, để có thể có nguồn lực phát triển sản phẩm đó. Khi sản phẩm ra mắt, công ty sẽ “tặng quà” lại sản phẩm cho nhà tài trợ. Nhà đầu tư không phải khách hàng, phải chấp nhận rủi ro khi góp tiền. Đây là hình thức "donation-tài trợ”, chứ không phải "shopping-mua sắm”. Tính đến nay Arevo đã nhận được 3.301 khoản đóng góp đến từ 54 quốc gia, trong đó có 135 khoản đóng góp từ người dùng tại Việt Nam.

Trường hợp không thành công, người chủ dự án cũng sẽ công bố rõ ràng nguyên nhân thất bại như không đủ tiền, ý tưởng không thực tế, thiếu nguồn nguyên liệu... Thực tế, chủ dự án kêu gọi có thể hoàn trả phần còn lại sau khi đã trừ hết chi phí hay thậm chí “biệt tăm”.

Hiện nay, dự án mẫu xe đạp Superstrata trên trang Indiegogo ghi nhận thu được hơn 7 triệu USD từ cộng đồng người dùng đóng góp và dự án này đang trong tình trạng "đóng cửa".

Thực tế, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực gọi vốn này đều cho rằng, hình thức góp vốn tại dự án Superstrata là gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng, quà tặng (reward-based crowdfunding). Chủ dự án sẽ dành cho người góp vốn những lợi ích, quà tặng phù hợp với số tiền mà họ đóng góp và không phụ thuộc vào lợi nhuận dự án thu được.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý riêng biệt cho hoạt động góp vốn cộng đồng. Do đó, nhà đầu tư tham gia góp vốn trên các nền tảng đa quốc gia tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không có cơ sở pháp lý cũng các ràng buộc về quyền và nghĩa vụ các bên.

TRUYỀN THÔNG, TƯƠNG TÁC THƯỜNG XUYÊN VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

Trái với "cáo buộc lừa đảo" từ một số người đã tham gia quá trình gọi vốn nhưng không nhận được xe hoặc nhận sản phẩm không đạt chất lượng, đại diện Arevo khẳng định, sản phẩm đến nay vẫn trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, chưa đến được giai đoạn thương mại hóa. Hiện nay, trang Indiegogo đã đóng nhận tài trợ và trang Superstrata cũng khóa mục đặt mua xe đạp.

Theo anh Hoàng Sơn, thực tế, có không ít nhà sản xuất chậm trễ trong việc tạo ra sản phẩm. Họ phải có trách nhiệm chia sẻ và cập nhật liên tục đến những người ủng hộ. “Tiếc là điều đó không đúng với xe đạp Superstrata lẫn xe Scooter của anh Sonny Vũ. Họ im lặng và để Indiegogo khóa tài khoản vì không cập nhật thông tin cho người dùng”, anh Sơn chia sẻ.

Anh Hoàng Sơn chia sẻ: “Đây đúng hơn là thất bại về một ý tưởng khởi nghiệp. Mà rõ ràng Superstrata đã thất bại hoàn toàn trong việc này. “Block” khách hàng, im lặng không trả lời và truyền thông chưa rõ ràng về hình thức gây quỹ cộng đồng…”. Đồng thời, anh Sơn cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ các sản phẩm mới trên Kickstarter hay Indiegogo nhưng chắc chắn sẽ kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.

Còn anh Cris Duy Trần, nhà cố vấn của U2U Foundation chia sẻ: “Tuy gây bức xúc khá lớn trong cộng đồng nhưng cá nhân tôi cho rằng đây không phải là một dự án “lừa đảo” như nhiều người bình luận. Vì nếu “lùa gà” thì họ đã không đưa hình ảnh cá nhân, “profile- hồ sơ” của mình lên cộng đồng Indiegogo, nhất là những người có uy tín trong nghề như chị Trang, anh Sonny Vũ".

Anh Cris Duy Trần nhấn mạnh, trong những dự án khởi nghiệp có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh dẫn đến thành công hay thất bại của dự án. Đặc biệt, đối với những dự án có yếu tố gọi vốn cộng đồng, “public-đám đông” thì dự án nên tương tác, phản hồi nhanh cũng như cung cấp thông tin thường xuyên về tiến độ, khó khăn, thành quả của dự án để nhà đầu tư có thể hiểu được khó khăn, chia sẻ và tiếp tục đồng hành.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài không có thông tin gì về dự án thì nhà đầu tư có quyền bán tín, bán nghi và cảm thấy bức xúc, hụt hẫng trước những thông tin bất lợi xuất hiện một cách đường đột.

 

Trên facebook cá nhân của mình, bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) chia sẻ: "Arevo có kênh hỗ trợ tại địa chỉ heidi@superstrata.bike. 100% người tài trợ tại Việt Nam đã nhận được sản phẩm, hoặc đang chờ xuất khẩu tại chỗ. Nếu các bạn thật sự là nhà tài trợ cho dự án này, các bạn nên liên hệ công ty theo kênh hỗ trợ để được giải quyết...".