04:15 20/09/2010

Xem xét quản lý chặt hơn việc chào bán chứng khoán riêng lẻ

Minh Đức

Hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ được xem xét quản lý chặt hơn nhằm bảo vệ lợi ích các cổ đông và tránh bị lạm dụng

Một trong những mục đích của yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ là bảo vệ lợi ích các cổ đông hiện hữu.
Một trong những mục đích của yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ là bảo vệ lợi ích các cổ đông hiện hữu.
Đây là một nội dung trọng tâm được đặt ra trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành chứng khoán riêng lẻ gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông và ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh tế, xã hội.

Tuần qua, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một điểm nổi bật trong dự thảo này là những sửa đổi, bổ sung những quy định về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp.

Cụ thể, Dự thảo đưa ra quy định: Chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm; các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng (khoản 6 và khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật).

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ hiện đã được đề cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Thực tiễn cho thấy hoạt động chào bán riêng lẻ và hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng có quan hệ mật thiết với nhau, nhiều đợt chào bán riêng lẻ có thể dẫn đến chào bán ra công chúng hoặc một đợt chào bán chứng khoán ra công chúng cũng có thể có chào bán chứng khoán riêng lẻ, khi mà các công ty đại chúng phát hành chứng khoán cho nhà đầu tư chiến lược hoặc một nhóm nhà đầu tư nhất định.

Do có tính chất đan xen giữa phát hành riêng lẻ và chào bán chứng khoán ra công chúng đòi hỏi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp cũng như các văn bản hướng dẫn hai luật này cần có quy định rõ để tránh những “khoảng trống” trong quá trình thực hiện.

“Trong thời gian qua, do Luật Chứng khoán chưa đề cập và văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp chưa quy định đầy đủ, rõ ràng nên trên thực tế nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành riêng lẻ để chào bán ra công chúng gây tác động không tốt đến kinh tế, xã hội”, báo cáo đánh giá.

Để khắc phục vấn đề trên, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ. Tuy nhiên, do tầm điều chỉnh của nội dung này, việc khắc phục mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán bằng Nghị định sẽ bị hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung vào Luật Chứng khoán.

Trên thực tế, do doanh nghiệp phát hành chứng khoán riêng lẻ bao gồm cả công ty đại chúng và công ty chưa phải là đại chúng, nên quy định pháp luật đối với hai nhóm này là khác nhau. Đối với công ty không phải là công ty đại chúng, việc phát hành chứng khoán riêng lẻ được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, đối với công ty đại chúng cần được quy định trong Luật Chứng khoán.

Hoạt động phát hành chứng khoán riêng lẻ được thực hiện chào bán cho số lượng nhà đầu tư hạn chế (dưới 100 nhà đầu tư), chủ yếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp; không tổ chức công bố thông tin công khai. Dự thảo Luật quy định hạn chế chuyển nhượng chứng khoán tối thiểu là một năm. Báo cáo thuyết minh giải thích rằng: “Việc đưa ra quy định này là cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành cổ phiếu cho số lượng hạn chế rồi chào bán tiếp ra công chúng”.

Mặc khác, Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng. Quy định này nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng chào bán riêng lẻ cho những đối tượng đặc thù dẫn đến pha loãng sở hữu của các cổ đông một cách quá mức; đồng thời, quy định này còn để đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả và nâng cao trách nhiệm hội động quản trị trong sử dụng vốn, tính toán xác định rõ thời gian, lượng vốn cần huy động và đối tượng huy động vốn. Đây cũng là kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể tiếp cận nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đối với hoạt động về phát hành chứng khoán.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình với quy định việc chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu một năm, các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng như đề cập ở trên.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với những quy định này nhằm tránh tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành chứng khoán riêng lẻ với điều kiện đơn giản để chào bán ra công chúng, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông hiện hữu và ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh tế, xã hội”, báo cáo thẩm tra cho biết.
 
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý ở một trường hợp xem xét loại trừ.

Cụ thể như đối với các công ty đại chúng là tổ chức tín dụng thì hoạt động phát hành trái phiếu là nghiệp vụ huy động vốn thông thường và thường xuyên của các tổ chức này, khác về bản chất so với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, quy định hạn chế chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ tối thiểu một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán không phù hợp đối với trường hợp chào bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng, vì như vậy sẽ làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu, đặc biệt các trái phiếu có kỳ hạn 1 năm do các tổ chức tín dụng phát hành.

Hơn nữa, quy định các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng cũng không phù hợp đối với phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng vì tổ chức tín dụng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, có thể phát hành nhiều đợt trong năm để huy động vốn.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa lại quy định trên theo hướng “trừ trường hợp phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng”.