Xem xét xử lý hình sự các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng trên các lưu vực sông
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, tạo hiệu ứng răn đe trong doanh nghiệp; xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng...

Ngày 11/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã ký Quyết định số 746/QĐ-BNNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cụ thể hóa các nội dung yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cấp bách kiểm soát, xử lý ô nhiễm lưu vực sông, đặc biệt là tại lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Kế hoạch gồm 11 nhóm nội dung hành động cụ thể, từ rà soát, công bố danh mục nguồn thải vào các lưu vực sông theo quy định đến tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định,
Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung rà soát, hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc trên các lưu vực sông để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước, xác định các khu vực ô nhiễm và đề xuất các biện pháp, giải pháp xử lý;

Đánh giá hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường nước; điều tiết, bổ cập nước cho các dòng chảy trên lưu vực sông; tổ chức đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả trạm bơm Xuân Quan; xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các lưu vực sông và tổ chức thực hiện;...
Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng dự thảo Đề án thành lập tổ chức lưu vực sông thực hiện nhiệm vụ điều phối, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nước theo quy định pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ trong theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước, xác định các khu vực ô nhiễm và đề xuất các biện pháp, giải pháp xử lý.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng dự thảo Đề án thành lập tổ chức lưu vực sông thực hiện nhiệm vụ điều phối, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nước theo quy định pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Cũng theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng (chủ trì), Bộ Tài chính và các địa phương trên các lưu vực sông rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên; đề xuất phương án, giải pháp thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, rà soát đơn giá, định mức, đề xuất cơ chế tài chính đối với dịch vụ thu gom, xử lý nước thải nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện rà soát tình trạng, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn lưu vực sông, trong đó, tập trung công tác đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung;
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp; xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp kiểm soát các nguồn thải lớn gây ô nhiễm các lưu vực sông; thông báo kịp thời cho cơ quan, đơn vị liên quan để điều tiết hoạt động bổ cập nước, tạo nguồn nhằm tăng khả năng tự làm sạch của sông trong trường hợp mực nước thấp, dòng chảy lưu thông kém.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả thực hiện từ các bộ, ngành, địa phương, dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện Chỉ thị gửi Thủ tướng Chính phủ để kịp thời có hướng xử lý hiệu quả.