"Xin chữ" đầu Xuân: 52 ông đồ tham gia biểu diễn thư pháp
Với chủ đề "Thành Đức", Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 sẽ diễn ra từ ngày 18/01 - 05/02 (tức 24 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng Âm lịch).

Hội chữ Xuân là hoạt động thường niên tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Qua nhiều năm, Hội chữ Xuân đã trở thành sự kiện văn hóa không thể thiếu trong dịp đầu xuân mới tại Thủ đô Hà Nội, góp phần khơi dậy, lan tỏa nét đẹp văn hóa, nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ, người xin chữ và công chúng Thủ đô.Hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu nghĩa, hiếu học, trọng thầy, trọng chữ của tầng lớp thanh thiếu niên học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô; động viên, khích lệ tinh thần "ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn"; đáp ứng nhu cầu "xin chữ" đầu Xuân – một nét văn hóa truyền thống lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.


Công tác khảo tuyển người viết chữ tại Hội chữ Xuân Canh Tý được chuẩn bị từ tháng 11/2019. Qua kết quả xét tuyển và khảo tuyển thực tế, Ban tổ chức và Ban Khảo tuyển đã tuyển chọn được 31 người viết chữ tại Hội chữ Xuân Canh Tý. Trong đó, có 13 ông đồ được chọn là trường hợp có tác phẩm tham gia triển lãm thư pháp "Thành Đức" hoặc có quá trình tham gia Hội chữ Xuân từ 3 - 5 năm liên tiếp (2015 - 2019). 18 ông đồ khác được chọn là qua thi tuyển. Năm nay không chỉ có các ông đồ đến từ Hà Nội mà có nhiều ông đồ đến từ Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị, TP. HCM…Được biết, Ban tổ chức quy định giá giấy cho mỗi bức thư pháp sẽ là 200 nghìn đồng/tờ. Các gian lều cho chữ cũng được thiết kế bằng chất liệu bạt, màu đỏ thẫm thay vì gỗ, tre, nứa như các năm trước. Sự thay đổi này để đảm bảo công tác an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh hoạt động cho chữ ngày Xuân, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 còn có hoạt động trưng bày các tác phẩm thư pháp đạt giải tại khu vực hồ Văn; tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống (không gian sĩ tử đi thi, trình diễn nghệ thuật làm giấy dó, Làng sĩ tử…); các không gian tôn vinh, giới thiệu một số làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội, không gian diễn xướng nghệ thuật dân gian quan họ, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, hát Xoan, ví Giặm…; thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm trò chơi truyền thống bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đập niêu đất, nhảy sạp, kéo co…
