10:22 29/01/2008

Xu hướng chi tiêu trong dịp Tết?

Minh Tú

Ngân hàng HSBC vừa thực hiện một khảo sát về xu hướng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán

84% người được khảo sát đồng ý rằng Tết là dịp đặc biệt nhưng tốn kém, đòi hỏi họ phải có kế hoạch tài chính và chi tiêu - Ảnh: Việt Tuấn.
84% người được khảo sát đồng ý rằng Tết là dịp đặc biệt nhưng tốn kém, đòi hỏi họ phải có kế hoạch tài chính và chi tiêu - Ảnh: Việt Tuấn.
Phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến các bữa ăn ngày Tết, quần áo và trang hoàng Tết trong khi nam giới thì chú ý đến việc chuẩn bị tiền lì xì và đi du lịch, giới trẻ (từ 22-30 tuổi) có quan điểm thoáng hơn đối với việc vay tiền...

Đó là một phần kết quả khảo sát về xu hướng tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên Đán, do Ngân hàng HSBC thực hiện trên 545 đối tượng nam và nữ, thuộc nhiều tầng lớp xã hội, ở nhóm tuổi từ 22 - 50 sống tại Hà Nội và Tp.HCM.

Một điều thú vị là một số kết quả khảo sát cho thấy thói quen tiêu dùng thực tế khá giống với những gì ta vẫn nghĩ về tập quán tiêu dùng Tết, nhưng một số kết quả khác lại chứng minh điều khác biệt.

Cụ thể, 84% người được khảo sát đồng ý rằng Tết là dịp đặc biệt nhưng tốn kém, đòi hỏi họ phải có kế hoạch tài chính và chi tiêu. Nam giới tỏ ra cởi mở hơn với việc vay tiền tiêu cho dịp Tết; trong khi phụ nữ thì lại có tâm lý e ngại hơn trong việc vay tiền cho chi tiêu cho ngày Tết.

Người Việt Nam có xu hướng cởi mở đối với việc vay tiền từ các tổ chức tài chính như ngân hàng hơn là từ bạn bè và gia đình để phục vụ cho nhu cầu tài chính của mình vào dịp Tết, nhất là người dân ở Tp.HCM. Trong những ngày Tết, cả người dân ở miền Bắc và miền Nam đều chú trọng đến các buổi tiệc Tết (62%), quần áo (47%) và quà tặng (26%).

Tuy nhiên, so với người Hà Nội thì người dân ở Tp.HCM cảm thấy đặc biệt cần phải chi tiêu nhiều hơn cho quần áo (51% so với 34%), tiền lì xì (24% so với 16%) và đi du lịch (18% so với 10%).

Những người ở độ tuổi từ 22-30 xem trọng việc mặc đẹp trong ngày Tết hơn (54% so với 43%) trong khi những người ở độ tuổi từ 31-50 thì chú trọng việc đón tiếp khách một cách đầy đủ và nồng hậu nhất (74% so với 49%).