Xử phạt VPS và tước quyền hành nghề của giám đốc tư vấn 9 tháng vì xung đột lợi ích với khách
Ông Đỗ Anh Việt bị phạt tiền 87,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 09 tháng theo quy định. Ông Đỗ Anh Việt phải dừng ngay toàn bộ hoạt động nghiệp vụ được ghi trong chứng chỉ hành nghề chứng khoán...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1169/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Đỗ Anh Việt. Ông Đỗ Anh Việt từng giữ chức vụ Giám đốc tư vấn đầu tư tại Chứng khoán VPS.
Theo đó, ông Việt bị phạt tiền 87,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 09 tháng theo quy định. Ông Đỗ Anh Việt phải dừng ngay toàn bộ hoạt động nghiệp vụ được ghi trong chứng chỉ hành nghề chứng khoán, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và phải tuân thủ các quy định cấm hoặc hạn chế thực hiện trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, theo quy định tại Điều 50a Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 41 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP.
Lý do ông Đỗ Anh Việt đã có hành vi vi phạm hành chính: Đầu tư thay cho khách hàng. Ông Đỗ Anh Việt là người hành nghề chứng khoán, trong thời gian làm việc tại Công ty cổ phần chứng khoán VPS, ngày 12/11/2021, ông Đỗ Anh Việt đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với ông Nguyễn Đức Cây, theo đó, ông Đỗ Anh Việt đã thực hiện đầu tư thay cho khách hàng (ông Nguyễn Đức Cây), không thuộc trường hợp ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 4 và Điều 19 Thông tư 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán).
Trong cùng ngày 11/12/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 382/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Chứng khoán VPS.
Chứng khoán VPS bị phạt 85 triệu đồng do không giám sát, ngăn ngừa được xung đột lợi ích trong nội bộ công ty, giữa người hành nghề chứng khoán và khách hàng.
Trước đó, như báo chí đưa tin, theo nội dung Đơn kiến nghị xử lý “Các sai phạm nghiêm trọng của Công ty cổ phần chứng khoán VPS (VPS)”, ngày 6/1/2023, gửi UBCKNN, ông K cho rằng: VPS đã tự ý mở khống tài khoản ký quỹ của khách hàng; VPS để các nhân viên thực hiện đầu tư chứng khoán cho khách hàng trái phép và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ông gần 80 tỷ đồng; VPS tự ý ký hợp đồng mua bán chứng khoán giả tạo và vi phạm qui định cấm về cho vay tại khoản 1, Điều 27, Thông tư 121/2020/TT-BTC.
Theo Đơn kêu cứu gửi tới báo chí của ông K, VPS đã thiếu trách nhiệm, quay lưng với quyền lợi của khách hàng khi giải quyết nội dung Đơn do UBCKNN chuyển. Đáng chú ý là nội dung, ông phát hiện và đề nghị làm rõ căn cứ thu nợ theo văn bản đòi nợ của VPS là một Hợp đồng mua bán chứng khoán giữa ông và VPS hoàn toàn không có thật. Ông đề nghị làm rõ hợp đồng giả mạo này mới tiến hành biện pháp thu nợ.
Nhưng VPS đã không tiến hành làm rõ mà vẫn ngang nhiên bán cưỡng bức cổ phiếu trong tài khoản của ông (mở tại VPS). Việc làm này đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản của ông. Sau đó, VPS dọa dùng biện pháp bán cưỡng bức cổ phiếu của ông để thu nợ nếu ông không “cam kết không khiếu nại VPS”. Lo sợ thất thoát tài sản quá lớn trước khi sự việc được cơ quan chức năng giải quyết, ông đành phải viết và ký vào cam kết “không khiếu nại VPS” theo đúng nội dung VPS soạn thảo.
Trước diễn biến bất lợi kể trên, ông K đã buộc phải tiếp tục làm đơn khiếu nại, đơn tố cáo tới Thanh tra UBCKNN, Thanh tra Bộ Tài chính, Ban Dân nguyện Ủy Ban thường vụ Quốc hội và nhiều cơ quan báo chí để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.