10:44 04/08/2024

Xu thế dòng tiền: Bắt đáy được chưa?

Nguyễn Hoàng

Hai phiên cuối tuần qua thị trường diễn biến khá sốc, khi xuất hiện một phiên giảm với biên độ lớn và một nhịp thủng đáy quanh 1220 điểm trước khi đảo ngược tăng. Các nhà đầu tư vẫn đang chú ý đến ngưỡng MA200 quanh mốc 1200 điểm và điểm rơi thấp nhất tuần qua đã tới 1210 điểm. Lực cầu bắt đáy sớm đã bộc lộ…

Chỉ số VN-Index và đường trung bình động 200 ngày (MA200)
Chỉ số VN-Index và đường trung bình động 200 ngày (MA200)

Hai phiên cuối tuần qua thị trường diễn biến khá sốc, khi xuất hiện một phiên giảm với biên độ lớn và một nhịp thủng đáy quanh 1220 điểm trước khi đảo ngược tăng. Các nhà đầu tư vẫn đang chú ý đến ngưỡng MA200 quanh mốc 1200 điểm và điểm rơi thấp nhất tuần qua đã tới 1210 điểm. Lực cầu bắt đáy sớm đã bộc lộ…

Nên bắt đáy hay nên canh để cắt lỗ trong những phiên đảo chiều của xu thế giảm vẫn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn cũng có quan điểm khác nhau. Một vài ý kiến lạc quan đánh giá dù thị trường có thể vẫn chưa xác định đáy, nhưng sẽ có nhiều cổ phiếu mạnh tạo đáy sớm hơn và đây là lúc có thể giải ngân thăm dò được. Ngược lại, một số ý kiến thận trọng không đánh giá cao cơ hội bắt đáy lúc này mà nên chờ đợi vì mốc 1200 điểm rất có thể sẽ bị vi phạm và khi đó VN-Index có khả năng quay lại đáy tháng 4/2024.

Nhìn chung các chuyên gia quan tâm đến động lực giao dịch trên thị trường hơn là tìm kiếm các lý do để củng cố cho xu hướng điều chỉnh hiện tại. Quan điểm khá thống nhất là áp lực cắt lỗ và thu hồi margin có thể tạo thêm sức ép thời điểm hiện tại, vì biên độ giảm ở cổ phiếu đã khá lớn. Do đó nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy thì nên cắt giảm, nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao với danh mục đầu cơ cũng nên hạ xuống. Chiến lược trading giảm giá vốn có thể tận dụng trong các phiên phục hồi.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường ngắt mạch phục hồi tuần qua bằng phiên giảm điểm mạnh hôm 1/8. Đủ thứ lý do giải thích cho biến động này, từ căng thẳng Trung Đông tới chốt lời ngắn hạn hay hết mạch kết quả kinh doanh quý 2, thậm chí là “tay to đánh xuống”. Anh chị có bất ngờ với diễn biến đảo chiều nhanh như vậy?

 
Xu thế dòng tiền: Bắt đáy được chưa? - Ảnh 1

Theo quan điểm của tôi phiên giao dịch ngày 1/8 giống như “một ngày mưa giữa chiều thu” hay đơn thuần chỉ là “Bước đi ngẫu nhiên” (“Randon Walk”) của thị trường.

Nguyễn Thị Thảo Như

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Diễn biến nhịp giảm phiên thứ 1/8 không khiến tôi bất ngờ. Tuần trước tôi đã nhận định nhịp hồi này chỉ là bull-trap cũng như mốc hỗ trợ 1220 không đủ cứng và tuần này đã có lúc đục thủng. Kèm theo đó nếu chúng ta phân tích kỹ có thể thấy nhịp hồi phục này của thị trường nảy hồi lên kênh kháng cự mạnh được nối bởi đáy tháng 11/2023 và tháng 4/2024; giai đoạn nảy hồi này khá yếu về cả điểm số và thanh khoản, VN-Index hồi 5 phiên không vượt được đỉnh cây nến giảm ngày 23/7.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Nhịp phục hồi đầu tuần đi kèm với thanh khoản thấp. Mặt khác, dòng tiền cũng không có sự lan tỏa mạnh mẽ mà chỉ tập trung ở một số cổ phiếu trụ để giữ chỉ số, cho thấy tâm lý bắt đáy thận trọng của các nhà đầu tư. Do đó, khi xuất hiện những thông tin bất lợi, đặc biệt là những thông tin còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả chỉ số chứng khoán toàn cầu thì việc thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán mạnh trở lại trong phiên ngày 1/8 cũng là điều dễ hiểu.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

VN-Index xuất hiện 2 phiên phân phối với khối lượng lớn chỉ trong vòng 1 tuần cho thấy tâm lý bi quan đang chi phối hầu hết trạng thái giao dịch và diễn biến đảo chiều chóng mặt như vậy có thể gây bất ngờ cho bất kỳ nhà đầu tư nào. Tuy nhiên, hệ quả của một loạt các tín hiệu xấu là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện tại của toàn thị trường. Nỗi lo sợ bắt đáy thất bại, giải ngân quá sớm khi đang trong xu hướng giảm có thể khiến cho nhà đầu tư hạn chế mở mới vị thế. Thiếu đi lực cầu nâng đỡ, đôi khi chỉ cần một vài yếu tố, thông tin tiêu cực có thể kích hoạt trạng thái bán tháo dữ dội của bên cầm cổ phiếu, khiến cho chỉ số điều chỉnh với biên độ rộng.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Thay vì điều chỉnh tích lũy trong biên độ thì diễn biến giảm điểm lại mạnh hơn về các vùng hỗ trợ phía dưới. Theo tôi VN-Index cần dao động cân bằng ở khu vực 1250 – 1260 điểm thì đã tìm đáy 2 tại mốc 1220 điểm ở tuần qua. Yếu tố chi phối thị trường mang đậm dấu ấn tâm lý mối lo ngại về sự kiện xung đột Trung Đông hay suy thoái kinh tế Mỹ cũng có thể những lý do được viện dẫn.

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Trong bối cảnh thị trường đang dần hồi phục với nhiều phiên tăng điểm, cũng như chưa có yếu tố tiêu cực nào trực tiếp tác động đến kinh tế nói chung, ngày 1/8 chúng ta chứng kiến một phiên giao dịch mà bên bán đã giành thế áp đảo, thanh khoản cũng bắt đầu tăng mạnh so với các ngày giao dịch trước đó, khiến chỉ số VN-Index giảm điểm đến 2%. Tất nhiên, đây là một phiên giao dịch tương đối bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư khi chưa có một lời giải thích nào đủ sức thuyết phục cho diễn biến ngày 1/8. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử giao dịch trong vài tháng qua, phiên giao dịch ngày 1/8 chỉ có giá trị giao dịch ở mức trung bình và biên độ giao dịch chỉ cao hơn mức bình quân một ít.

Nhìn trên khía cạnh kỹ thuật thì đây chưa phải là một phiên thể hiện xu hướng của thị trường. Nhìn trên khía cạnh tâm lý, chúng ta khó xác định được yếu tố nào thực sự đang tác động mạnh đến quyết định của nhà đầu tư và tất nhiên cũng chưa có sự thay đổi nào trên nền tảng kinh doanh của các doanh nghiệp để mọi người phải rời bỏ thị trường. Như vậy, theo quan điểm của tôi phiên giao dịch ngày 1/8 giống như “một ngày mưa giữa chiều thu” hay đơn thuần chỉ là “Bước đi ngẫu nhiên” (“Randon Walk”) của thị trường.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhịp phục hồi 6 phiên vừa qua có thanh khoản nhỏ như chúng ta đã bàn luận và 2 phiên cuối tuần giảm mạnh giao dịch lại tăng đáng kể. Dường như ngoài yếu tố chốt lời ngắn hạn, còn có nhu cầu cắt lỗ gia tăng? Anh chị đánh giá thế nào về sức ép margin lúc này?

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Diễn biến trong 7 phiên gần nhất có thể cho thấy tương đối rõ về tình trạng “call margin” quyết liệt khi các khung giờ được cho là các công ty chứng khoán thực hiện bán giải chấp đều xuất hiện khối lượng bán đột biến, khiến cho nhiều cổ phiếu chịu sức ép giảm sâu. Tôi đánh giá sức ép margin thời điểm này sẽ còn tương đối căng thẳng nếu chỉ số tiếp tục rơi vào xu hướng giảm điểm. VN-Index cũng đã điều chỉnh khoảng 7% so với mốc đỉnh tháng 6, trong đó nhiều cổ phiếu đã có mức giảm lên tới 20-30%.

 
Xu thế dòng tiền: Bắt đáy được chưa? - Ảnh 3

Tôi đánh giá tình hình margin của nhóm nhà đầu tư cá nhân không cao vì thị trường giai đoạn này khá khó nên phần lớn nhà đầu tư đều giao dịch ở ngưỡng cầm chừng.

Ông Nguyễn Việt Quang

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Theo báo cáo quý 2 của các công ty chứng khoán, mặc dù tổng dư nợ cho vay đang ở mức kỷ lục, ước đạt hơn 218 nghìn tỷ đồng nhưng tỷ lệ cho vay (margin) trên Vốn chủ sở hữu vẫn chủ yếu ở dưới mức 100%, thấp hơn mức lịch sử khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh 1500 điểm. Tỷ lệ dư nợ cho vay đang là một chỉ báo quan trọng và đáng tin cậy để giúp chúng ta dự báo về những gì sắp xảy ra. Nếu chúng ta xem xét chỉ báo này một cách cẩn thận hơn thì năng lực vốn của các công ty chứng khoán và tổng nguồn lực của các nhà đầu tư tham giao vào thị trường cũng có xu hướng tăng dần theo thời gian nên dư nợ cho vay bản chất cũng sẽ có sự tăng trưởng tự nhiên.

Ở thời điểm hiện tại, thật khó để tìm mức tham chiếu để đưa ra khẳng định về dấu hiệu “quá mua” – tức là dấu hiệu khi giá cổ phiếu tăng quá nhanh trong một khoảng thời gian phản ánh sự lạc quan quá mức hay là việc mua vào cổ phiếu quá “vội vã” thường dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng ngay sau đó. Vì vậy theo quan điểm của tôi, với bối cảnh thanh khoản giao dịch đang chỉ ở mức trung bình trong nhiều tuần, biên độ giao dịch thấp, thị trường tăng giảm luôn phiên thì chỉ báo “tỷ lệ dư nợ cho vay” chưa phải là chỉ báo cho xu hướng của thị trường ở thời điểm hiện tại.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, áp lực margin sẽ là yếu tố cần được quan tâm trong giai đoạn sắp tới. Theo thống kê đến hết quý 2, dư nợ cho vay margin tiếp tục đạt mức kỷ lục mới với gần 220 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán lại sụt giảm so với quý 1. Có thể thấy rằng, việc thị trường vẫn trụ vững vào giai đoạn nửa cuối quý 2 có đóng góp không nhỏ bởi việc sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư trong nước, để cân bằng sức ép bán ròng liên tục của khối ngoại. Do đó, nếu tình hình chung tiếp tục xấu đi trong thời gian tới, thị trường có thể đối mặt với khả năng “call margin” khá lớn.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Diễn biến thị trường trong ngắn hạn, đà giảm nhanh của mặt bằng cổ phiếu đã khiến các nhà đầu tư bất an – tâm lý sợ rủi ro vốn gắn liền với bản chất số đông nhà đầu tư. Việc sở hữu nhiều cổ phiếu giảm điểm có lẽ sẽ bị lo lắng hơn so với việc nắm giữ với tỷ trọng phù hợp các cổ phiếu và sức ép margin không phải là vấn đề lớn, chỉ là tâm lý thị trường chung đang chưa tốt.

 
Xu thế dòng tiền: Bắt đáy được chưa? - Ảnh 4

Tôi đánh giá sức ép margin thời điểm này sẽ còn tương đối căng thẳng nếu chỉ số tiếp tục rơi vào xu hướng giảm điểm. VN-Index cũng đã điều chỉnh khoảng 7% so với mốc đỉnh tháng 6, trong đó nhiều cổ phiếu đã có mức giảm lên tới 20-30%.

Ông Nghiêm Sỹ Tiến

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Giai đoạn này tôi đánh giá tình hình margin của nhóm nhà đầu tư cá nhân không cao vì thị trường giai đoạn này khá khó nên phần lớn nhà đầu tư đều giao dịch ở ngưỡng cầm chừng. Còn số liệu margin cao tôi thấy chủ yếu đến từ tổ chức và những nhà đầu tư lớn. Cũng chính vì lý do đó nên thị trường giảm giai đoạn này không quá thốc.

Nguyễn HoàngVnEconomy

VN-Index đang hướng tới vùng 1200 điểm, một trong những ngưỡng hỗ trợ đã được anh chị nhắc tới trong các lần bàn luận trước và phiên cuối tuần có phục hồi “rút chân” khá ấn tượng dù thanh khoản chưa nhiều. Anh chị có tham gia bắt đáy không, hay đợi thị trường xác nhận rõ ràng hơn?

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Thị trường hiện tại đang trong xu hướng giảm, tín hiệu vẫn đang cho thấy phe bán hoàn toàn kiểm soát thế trận, trong khi phe mua vẫn chưa có một dấu hiệu gì rõ nét về khả năng thắng thế trở lại. Do đó phiên hồi phục cuối tuần dù đóng nến khá tốt nhưng tôi cho rằng khả năng chỉ là hồi kỹ thuật trước khi tiếp tục xu hướng. Phong cách giao dịch của tôi không phải dạng bắt đáy nên sẽ đợi tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn mới tham gia trở lại.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Dưới góc nhìn của tôi VN-Index đang trong nhịp sóng điều chỉnh C trong sóng ABC và vùng giá mục tiêu của sóng C này tôi đang kỳ vọng là vùng fibo 1.618 tương đương mốc quanh 1191 điểm. Mốc này cũng là mốc giá nằm trên vùng đáy tháng 4/2024 (vùng hỗ trợ quan trọng bảo vệ xu hướng tăng). Đáy hôm thứ 6 cách vùng tôi kỳ vọng tạo đáy chỉ khoảng 20 điểm kèm theo đó thị trường sẽ có những cổ phiếu khỏe tạo đáy trước thị trường nên tôi có tham gia giải ngân mua “test” với tỷ trọng quanh 20% lượng cần mua và sẽ giải ngân dần trong tuần tới khi những cổ phiếu đó vẫn thể hiện được sức mạnh so với thị trường chung.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Theo quan điểm của tôi, để có thể “bắt đáy” chính xác cổ phiếu vào phiên đảo chiều sẽ tương đối khó. Thay vào đó, tôi thực hiện chiến lược giải ngân từng phần tại các ngưỡng hỗ trợ và liên tục trading T0 để hạ giá vốn. Điều này sẽ đảm bảo vị thế có sẵn khi thị trường có dấu hiệu tạo đáy.

 
Xu thế dòng tiền: Bắt đáy được chưa? - Ảnh 5

Phiên hồi phục cuối tuần dù đóng nến khá tốt nhưng tôi cho rằng khả năng chỉ là hồi kỹ thuật trước khi tiếp tục xu hướng.

Nguyễn Thị Mỹ Liên

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Theo tôi một số cổ phiếu hàng đầu chất lượng tốt đã có thể phát tín hiệu mua vào – giai đoạn này vẫn là giai đoạn chọn lọc cổ phiếu và kiểm soát số lượng cổ phiếu nắm giữ chặt chẽ - mua gom tích lũy sẽ phù hợp hơn so với việc giao dịch ngắn hạn.

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Tôi đánh giá VN-Index 1200 điểm không chỉ là một ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường mà còn là ngưỡng tâm lý của đại đa số nhà đầu tư khi con số này được nhắc đến rất nhiều lần trong năm nay. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu mức hỗ trợ này bị phá vỡ? Đây mới thật sự là điều mà tôi cần cân nhắc ở thời điểm hiện nay hơn là việc có quyết định giải ngân khi thị trường chạm ngưỡng hỗ trợ 1200 hay không.

Trên khía cạnh trading, không quá khó để chúng ta bắt đầu mua vào khi thị trường chạm mức hỗ trợ nào đó và đây là một chiến lược hợp lý thường mang lại hiệu quả đầu tư khá cao. Nếu nhìn trên nền tảng của doanh nghiệp, tôi tự hỏi rằng phần lớn các doanh nghiệp (ngoại trừ bất động sản) có thật sự tốt hơn chính doanh nghiệp đó hơn 4 năm về trước (trước khi xảy ra Covid) khi mà VN-Index chỉ ở quanh mức 1000 điểm. Chúng ta đang trải qua giai đoạn với điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn, thu nhập người dân cũng đang giảm sút trong khi điều kiện vĩ mô chưa có nhiều điểm sáng. Như vậy, khi mà niềm tin cho sự tăng giá và giảm giá chưa thật sự mãnh mẽ, tôi sẽ tiếp tục giữ quan điểm thận trọng khi chưa vội vàng xem mức 1200 là đáy của thị trường để giải ngân toàn bộ vốn của mình.

Chiến lược của tôi sẽ giải ngân một phần khi thị trường tiến đến mốc 1200 điểm để tận dụng trading và dành một phần lớn hơn trong trường hợp thị trường không bật trở lại như kỳ vọng của chúng ta để tận dụng được mức giá rẻ hơn.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tốc độ giảm đang khá nhanh khiến cổ phiếu có thể đang lãi thành lỗ, thậm chí là vượt ngưỡng cắt lỗ dự kiến. Anh chị có lời khuyên gì trong tình huống này? Nếu VN-Index sắp tới vùng hỗ trợ mạnh quanh 1200 điểm thì nhà đầu tư có nên cắt lỗ nữa không?

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Trong bối cảnh các yếu tố cơ bản chung vẫn đang được đảm bảo và xu hướng tăng trung và dài hạn đang được duy trì, tuy nhiên các tín hiệu ngắn hạn lại đang cho thấy áp lực bán dồn dập, điều này có thể dẫn đến việc nhiều cổ phiếu cơ bản tốt bị chịu ảnh hưởng tiêu cực chung từ thị trường. Do vậy, quan điểm của tôi vẫn tiếp tục nắm giữ các vị thế đối với các nhóm cổ phiếu trên, tập trung trading T0 để hạ giá vốn và chỉ bán hạ tỷ trọng hoặc cắt lỗ khi chỉ số đánh mất xu hướng tăng trung, dài hạn.

Đối các nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ nhiều hơn, nên hạn chế mở mua mới trong giai đoạn thị trường điều chỉnh và ưu tiên bán ngay khi mức giá vi phạm ngưỡng chịu lỗ, bởi khi rơi vào xu hướng giảm nhóm cổ phiếu midcap và penny thường sẽ giảm rất sâu.

 
Xu thế dòng tiền: Bắt đáy được chưa? - Ảnh 6

Việc sở hữu nhiều cổ phiếu giảm điểm có lẽ sẽ bị lo lắng hơn so với việc nắm giữ với tỷ trọng phù hợp các cổ phiếu và sức ép margin không phải là vấn đề lớn, chỉ là tâm lý thị trường chung đang chưa tốt.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thị trường chia làm 3 loại cổ phiếu: Loại 1 - cổ phiếu khỏe dừng giảm và tạo đáy trước thị trường; Loại 2 - cổ phiếu tạo đáy cùng thị trường; và Loại 3 - cổ phiếu tạo đáy sau thị trường.

Nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu loại 1 thì có thể yên tâm nắm giữ và có thể cân nhắc mua thêm khi có giá tốt. Nếu nắm giữ cổ phiếu loại 3 thì nhà đầu tư có thể cân nhắc đảo hàng sang cổ phiếu khỏe để có kết quả giao dịch tốt hơn. Với cổ phiếu loại 2 chúng ta có thể tiếp tục nắm giữ và mua thêm khi thị trường tạo đáy nếu sức mua còn nhiều.

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Chiến lược đầu tư sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình danh mục hiện tại của nhà đầu tư. Như đã phân tích ở trên, chúng ta đang ở gần với ranh giới gữa một xu hướng giá xuống và sự hồi phục của một xu hướng giá tăng. Đứng trên nhiều khía cạnh để nhìn nhận, chưa có bên nào thật sự chiếm ưu thế để chúng ta tự tin đưa ra một quyết định. Trong trường hợp như vậy, nếu nhà đầu tư đang có tỷ lệ dư nợ ở mức cao, sẽ an toàn hơn nếu bán ra một phần danh mục để giảm tỷ lệ này xuống, những cổ phiếu có ít kỳ vọng hơn nên nhường lại “room” để chúng ta có thêm nguồn lực cho một đợt giải ngân mới khi thị trường thật sự phá vỡ mức hỗ trợ 1200 điểm.

Đừng quá lo ngại nếu thị trường bật tăng trở lại sau khi bạn bán ra cổ phiếu vì phần lớn danh mục của bạn cũng đang tăng trưởng. Hy sinh một phần lợi nhuận trong trường hợp này là để bạn có thể “ngủ ngon giấc mỗi đêm” mà không phải lo nghĩ khi thị trường trở nên xấu đi và để đảm bảo cho bạn “vẫn còn củi để đốt khi mùa đông sắp đến.”

Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều tiền mặt, tôi không có thêm lời khuyên nào vì các nhà đầu tư này đang giữ sự thận trọng cao cho chính danh mục của mình và họ đang chủ động tìm kiếm một cơ hội lớn từ sự đổ vỡ của thị trường.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo góc nhìn của tôi, xu hướng giảm hiện tại có khả năng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, do đó nhà đầu tư vẫn còn đang giữ các vị thế lỗ nên giữ kỷ luật, tận dụng các phiên hồi phục với thanh khoản thấp như cuối tuần để cắt lỗ và đứng ngoài chờ tín hiệu.

Tôi đánh giá ngưỡng tâm lý 1200 điểm khả năng sẽ bị vi phạm trong nhịp giảm này và chú ý hơn tới vùng đáy cũ 1165-1175, nếu chỉ số giảm nhanh về đây với tỷ lệ cổ phiếu quá bán tăng cao cùng tâm lý thị trường đến cực hạn thì có thể sẽ có nhịp hồi trở lại.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Nhiều nhà đầu tư bị bất ngờ với diễn biến thị trường chung và việc cần làm đó là kiểm soát tỷ trọng cổ phiếu. Thị trường ngoài những giai đoạn tăng điểm mạnh hoặc trong xu thế uptrend rõ cơ hội sinh lời sẽ tốt và ở nhiều cổ phiếu khác nhau – nhưng nếu diễn biến khó đoán, hoặc điều chỉnh bất thường thì nếu nhanh được hãy điều chỉnh co gọn danh mục – bởi sau giai đoạn điều chỉnh “đau khổ” khả năng phục hồi giai đoạn tiếp theo sẽ lại diễn ra. “Nếu không nhanh được thì hãy kiên trì hơn so với số đông”.