21:19 10/11/2019

Xu thế dòng tiền: Chuẩn bị cho nhịp điều chỉnh

Nguyễn Hoàng

Diễn biến tăng tuần qua tiếp tục chịu sự chi phối mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn và các chuyên gia đều cho rằng thị trường có khả năng lùi lại để tích lũy trước khi bứt phá tiếp

Diễn biến tăng tuần qua tiếp tục chịu sự chi phối mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn và các chuyên gia đều cho rằng thị trường có khả năng lùi lại để tích lũy trước khi bứt phá tiếp.

Ngưỡng kháng cự 1025-1030 điểm được đưa ra tuần trước đã có hiệu lực khi ngày cuối tuần VN-Index giảm nhẹ. Mặc dù mức giảm chỉ 0,2% và cả tuần chỉ số vẫn tăng 0,7%, nhưng các chuyên gia đánh giá động lực tăng giá xuất phát chủ yếu từ các cổ phiếu lớn và các cổ phiếu này trải qua mức tăng khá tốt, cần điều chỉnh.

Ngưỡng điều chỉnh được dự báo không quá sâu, các chuyên gia khá đồng thuận ở mốc 1015 hoặc 1.000 điểm. Đây chỉ được xem là nhịp điều chỉnh tích lũy kiểm định lại các ngưỡng kháng cự cũ đã được chinh phục. Các chuyên gia cũng đánh giá tâm lý thị trường tích cực hơn, dòng tiền chủ yếu là "tiền thịt" mà ít sử dụng margin.

Nhịp điều chỉnh này cũng được xem là cơ hội để tái cơ cấu danh mục hoặc trading với danh mục cổ phiếu tốt có sẵn.

Xu thế dòng tiền: Chuẩn bị cho nhịp điều chỉnh - Ảnh 1Sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và diễn biến chi phối của các cổ phiếu vốn hóa lớn đối với VN-Index đã khiến cho khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong tuần qua trở nên khá khó khăn đối với các nhà đầu tư.
ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Sau phiên bùng nổ vượt 1.000 điểm cuối tuần trước, tuần này VN-Index tăng hầu như không đáng kể và lại chủ yếu nhờ số rất ít cổ phiếu vốn hóa lớn tăng vượt bậc. Thanh khoản khá lớn mà thị trường không tăng mạnh được, tạo tâm lý lo ngại về hoạt động xả hàng mạnh đang diễn ra. Anh chị đánh giá thế nào?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng thị trường đang vào một xu hướng tăng khá tốt. Nhịp điều chỉnh này khá bình thường khi nhiều cổ phiếu largecap đã có nhịp tăng khá tốt giai đoạn vừa rồi.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Sau khi liên tiếp bứt phá qua các vùng cản mạnh, đà tăng của thị trường đang có dấu hiệu chững lại và có thể sẽ bước vào nhịp điều chỉnh ngắn để kiểm định lại các vùng điểm đã bị chinh phục trước đó.

Nếu điều này xảy ra, tôi cho rằng đó là nhịp điều chỉnh cần thiết giúp thị trường tích lũy tạo nền giá mới trước khi tiếp tục xu hướng tăng điểm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

VN-Index đang hoạt động tích tích cực với khối lượng giao dịch đạt 3.261,78 tỷ (chưa bao gồm giao dịch thỏa thuận). Chỉ số đã có phiên bứt phá mạnh ngày 1/11 giờ cần tích lũy một thời gian ngắn để tiếp tục củng cố xu hướng tăng ngắn hạn.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp sau khi chính thức vượt mốc 1.000 điểm cuối tuần trước, mặc dù chủ yếu vẫn nhờ động lực từ đà tăng của một nhóm nhỏ các cổ phiếu "trụ" vốn hóa lớn như VHM, VCB, VIC,…  Thanh khoản không biến động quá nhiều so với tuần giao dịch trước đó với khoảng 908 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh. Đóng cửa tuần, VN-Index dừng tại mức 1,022.49 điểm (+0.69%) trong khi HNX-Index dừng tại mức 107.27 điểm (+1.52%).

Như tôi đã nhận định tuần trước sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự 1000 điểm, VN-Index chính thức bước vào xu hướng tăng trung hạn. Tuy nhiên ngưỡng cản ngay tại 1025 dẫn đến trong tuần nhiều lần chỉ số chưa thể bứt phá tăng qua ngưỡng này. Dự báo trong các phiên giao dịch tới, thị trường sẽ tiếp tục sự giằng co để kiểm định hỗ trợ ngắn hạn của đường MA10 tại vùng 1015 điểm.

Tôi kỳ vọng đây sẽ là ngưỡng hỗ trợ tốt giúp chỉ số VN Index bật tăng trở lại với nỗ lực vượt qua kháng cự 1025 điểm một lần nữa. Nếu vượt qua kháng cự 1025, kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ là vùng 1040-1050 điểm. Ngược lại, nếu phá vỡ hỗ trợ 1015 điểm, hỗ trợ tiếp theo sẽ là vùng 1000 điểm.

Xu thế dòng tiền: Chuẩn bị cho nhịp điều chỉnh - Ảnh 2Phiên cuối tuần qua chỉ số đã điều chỉnh, VN-Index đóng cửa 1.022,49 điểm. Về kỹ thuật nếu chỉ số điều chỉnh để kiểm định lại mốc tâm lý trong ngắn hạn có thể là quanh mức 1.008 điểm.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Suốt cả tuần sự lan tỏa tăng giá rất ít, thanh khoản cũng chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ cổ phiếu. Dường như diễn biến tăng vượt 1.000 điểm vẫn chưa tạo được niềm tin thật sự. Tiếp xúc với nhà đầu tư, cảm nhận của anh chị thế nào? Nhu cầu sử dụng margin tuần qua có gia tăng hay không?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng sự điều chỉnh nhẹ ở những cổ phiếu vốn hóa lớn là cần thiết để nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục mình đang nắm giữ trong thời gian tới. Nhà đầu tư đang cân nhắc việc sử dụng margin khi VN-Index đi theo xu hướng tăng ngắn hạn từ 1023 – 1080 điểm.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chỉ số tuần qua có lúc gần chạm 1029 điểm với thanh khoản rơi vào khoảng 3600 tỷ đồng/ phiên. Điểm số tăng tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu Vingroup cũng như ngân hàng và chưa tạo sự lan tỏa rộng sang các ngành khác.

Nhà đầu tư thực sự chưa an tâm tham gia vào thị trường khi mà cổ phiếu Vingroup tăng khá nhanh trong khi các cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản, dầu khí, dệt may… gần như dậm chân tại chỗ.

Theo tôi dòng tiền vào thị trường chưa mạnh do nhà đầu tư đa phần đều sử dụng tiền thật trong tài khoản và chưa tăng tỷ lệ vay margin khi mà các ngưỡng kháng cự của thị trường dự báo là khá sát nhau, dư địa tăng do đó không nhiều.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tiếp xúc với nhà đầu tư tôi nhận thấy tâm lý tích cực hơn khi thị trường đã chính thức vượt mốc 1000 điểm với thanh khoản thị trường tăng. Nhà đầu tư hiện tại vẫn chưa sử dụng quá nhiều margin vào lúc này.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và diễn biến chi phối của các cổ phiếu vốn hóa lớn đối với Vn-Index đã khiến cho khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong tuần qua trở nên khá khó khăn đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, về tổng thể, nhiều nhà đầu tư vẫn đang khá lạc quan về xu hướng của thị trường trong giai đoạn cuối năm sau khi chỉ số thoát khỏi xu thế đi ngang. Dòng tiền đứng ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để tham gia vào thị trường.

Xu thế dòng tiền: Chuẩn bị cho nhịp điều chỉnh - Ảnh 3Tiếp xúc với nhà đầu tư tôi nhận thấy tâm lý tích cực hơn khi thị trường đã chính thức vượt mốc 1000 điểm với thanh khoản thị trường tăng. Nhà đầu tư hiện tại vẫn chưa sử dụng quá nhiều margin vào lúc này.
ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

VN-Index lên cao nhất tuần này khoảng 1.029 điểm, cũng tương đương với kỳ vọng đích ngắn hạn mà anh chị đưa ra tuần trước. Phiên cuối tuần chỉ số đã giảm trở lại. Đó có phải là tín hiệu về nhịp điều chỉnh kiểm định lại mốc tâm lý mà anh chị dự kiến? Điểm hỗ trợ của nhịp điều chỉnh nếu có sẽ là bao nhiêu?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Phiên cuối tuần điều chỉnh giảm theo tôi chỉ là điều chỉnh tâm lý và điểm hỗ trợ của nhịp điều chỉnh nếu có sẽ là 1015 điểm.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường có thể giằng co để kiểm định hỗ trợ ngắn hạn của đường MA10 tại vùng 1015 điểm. Nếu không giữ được mốc này, ngưỡng tiếp theo sẽ là 1000 điểm. Tôi cho rằng xu hướng của chỉ số trong tuần sau sẽ là kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.000 điểm và chờ đợi sự lan tỏa rộng hơn của sắc xanh ra các cổ phiếu khác trên thị trường trước khi có thể chinh phục các mốc kháng cự mới.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng vùng 1030-1040 điểm có khả năng sẽ là vùng khiến Vn-Index chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Nếu kịch bản này xảy ra, chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1004-1010 điểm.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Phiên cuối tuần qua chỉ số đã điều chỉnh, VN-Index đóng cửa 1.022,49 điểm. Về kỹ thuật nếu chỉ số điều chỉnh để kiểm định lại mốc tâm lý trong ngắn hạn có thể là quanh mức 1.008 điểm. Tuy nhiên nếu VN-Index tiếp tục tăng nhẹ với thanh khoản vừa phải, thị trường sẽ chuyển biển tích cực hơn trong thời gian tới.

Xu thế dòng tiền: Chuẩn bị cho nhịp điều chỉnh - Ảnh 4Nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn vẫn được khuyến nghị tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể trước khi ra quyết định đầu tư để tránh rủi ro trong trường hợp áp lực điều chỉnh giảm ngắn hạn tiếp tục diễn ra trong những phiên tới.
ÔNG TRẦN HỮU PHÚC

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nhà đầu tư đang khá đau đầu vì trừ các mã đẩy chỉ số, các cổ phiếu khác tuần qua tăng không nhiều, thậm chí chọn sai cổ phiếu có thể thua lỗ. Diễn biến danh mục của anh chị ra sao? Anh chị có thực hiện giao dịch ngắn hạn nào không?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi có thực hiện một số hoạt động trading trong tuần qua. Tỷ trọng danh mục của tôi hiện đang ở mức 50% cổ phiếu.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Có thể thấy, VN-Index đã chính thức bước vào xu hướng tăng ngắn hạn, tuy nhiên chủ yếu là nhờ lực kéo của một nhóm nhỏ các cổ phiếu vốn hóa lớn và đà tăng chưa có sự lan tỏa rộng trên thị trường chung.

Nhà đầu tư theo trường phái "lướt sóng" ngắn hạn vẫn được khuyến nghị tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể trước khi ra quyết định đầu tư để tránh rủi ro trong trường hợp áp lực điều chỉnh giảm ngắn hạn tiếp tục diễn ra trong những phiên tới.

Ngược lại, nhà đầu tư dài hạn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu vốn hóa trung bình đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2020 để tích lũy dần vào danh mục trong quý cuối cùng của năm 2019 này.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thị trường tăng nhưng cơ hội không dành cho tất cả nhà đầu tư. Giai đoạn này tôi vẫn chỉ đầu tư vào các cổ phiếu có báo cáo tài chính tốt như MBB, PNJ, REE, PHR … Hoạt động trading trên các mã có sẵn có thể được thực hiện nếu các cổ phiếu tốt tôi chọn điều chỉnh giảm thì là cơ hội tốt để mua vào.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi thời điểm VN-Index điều chỉnh là thời điểm nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, chọn cho riêng mình những cổ phiếu có cơ bản tốt trong dài hạn và hoạt động kinh doanh tích cực trong năm vừa qua. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng danh mục cổ phiếu dần những mã cổ phiếu mình đang nắm giữ có yếu tố cơ bản tốt trong dài hạn. Nhà đầu tư cũng lên cân đối bán ra những cổ phiếu kém tiềm năng ở những đợt giá hồi để giảm thiểu rủi ro trong dài hạn.