Xu thế dòng tiền: Cơn sốc có qua nhanh?
Các chuyên gia đều nhìn nhận phiên "rơi tự do" ngày 19/1 vừa qua là diễn biến hiếm thấy trên thị trường, nhưng lại không thống nhất liệu nhịp điều chỉnh đã thực sự kết thúc hay chưa
Các chuyên gia đều nhìn nhận phiên "rơi tự do" ngày 19/1 vừa qua là diễn biến hiếm thấy trên thị trường, nhưng lại không thống nhất liệu nhịp điều chỉnh đã thực sự kết thúc hay chưa.
Hầu hết các chuyên gia được hỏi ý kiến đều cho rằng mức giảm lớn tuần qua có hạ nhiệt thị trường, nhưng còn sớm để khẳng định nhịp điều chỉnh đã xong. Duy nhất một ý kiến nhận định biên độ rơi trong 1,5 phiên tuần qua là đủ lớn để kéo giá cổ phiếu về mức hấp dẫn. Các ý kiến còn lại cho rằng thị trường cần điều chỉnh thêm, nhất là về mặt thời gian.
Tuần qua thị trường cũng bắt đầu đón nhận kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2020. Các chuyên gia cho rằng hiện tượng giá cổ phiếu không diễn biến tốt cùng với kết quả lợi nhuận có thể là tín hiệu rằng giá cổ phiếu tăng nhanh vừa qua đã phản ánh trước kết quả kinh doanh. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn dư địa gây bất ngờ cho một số nhóm cổ phiếu khác.
Các chiến lược đầu tư khác nhau bắt đầu tạo khoảng cách khá xa trong phản ứng với thị trường. Với các giao dịch ngắn hạn, một số chuyên gia khuyến cao nhanh chóng giảm margin, duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp. Ngược lại, các khuyến cáo dài hạn nên mua vào hoặc chấp nhận nắm giữ.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường đã điều chỉnh tuần qua nhưng theo cách bất ngờ nhất với mức giảm trên 5% phiên ngày 19/1 dù không hề có thông tin gây sốc nào. Đó là hệ quả bình thường của một đợt tăng quá nóng, hay còn nguyên nhân gì khác? Anh chị có bất ngờ với biên độ đó hay không?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Mặc dù có sự chuẩn bị cho nhịp điều chỉnh của thị trường nhưng mức giảm ở phiên ngày 19/1 vừa qua theo cách bất ngờ, mức giảm ở 1,5 phiên tương đương 100 điểm. Tôi nghĩ đó là hệ quả bình thường trong một xu hướng tăng kéo dài 6 tháng liền cũng như 11 tuần tăng liên tiếp. Thanh khoản bình quân toàn thị trường kể từ đầu năm cho tới nay đang ở mức kỷ lục 20.600 tỷ đồng và nhịp điều chỉnh là cần thiết để thị trường rũ bớt lượng hàng lỏng lẻo, qua đó giúp thị trường tăng bền vững hơn.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Như lần trước tôi đã phân tích khi thị trường gặp ngưỡng 1.200 điểm giảm là rất cao. Đó là kịch bản tôi đã dự đoán trước và có các hành động xử lý trước khi phiên rơi mạnh xảy ra. Đây là điều rất bình thường khi mà giá đã tăng quá nhiều cũng như phản ánh kết quả kinh doanh rồi.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi không quá bất ngờ khi mức điều chỉnh đó xảy ra sau khi chỉ số VN-Index cố gắng vượt qua vùng đỉnh 1.200 điểm một vài lần nhưng đều thất bại, trong bối cảnh một phần nhà đầu tư sẽ mang tâm lý muốn chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Tết nhằm bảo toàn thành quả.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Phiên điều chỉnh sâu ngày 19/1, trong bối cảnh không có thông tin tiêu cực đáng chú ý, đã gây bất ngờ cho thị trường chung. Về mặt cơ bản, tôi cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến thị trường xuất hiện phiên điều chỉnh mạnh:
i) Diễn biến tăng mạnh của thị trường trong giai đoạn trước trong khi chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào khiến áp lực chốt lời bị dồn nén, trong bối cảnh dư nợ margin tại các công ty chứng khoán cũng đang ở mức cao kỷ lục;
ii) Định giá thị trường không còn thực sự hấp dẫn với mức P/E chỉ số VN-Index vùng điểm 1.200 đã quanh 20 lần (lần gần nhất chỉ số này ở mức P/E cao như vậy là thời điểm cuối 2017, đầu 2018) và được dẫn dắt bởi dòng tiền nóng của các nhà đầu tư mới;
iii) Tâm lý thận trọng có phần gia tăng vào thời điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Thị trường trong 2 tuần trước đó đã tăng điểm liên tục nhiều phiên và cũng cần phải điều chỉnh cho dù xu hướng tăng điểm trung hạn vẫn hiện hữu. Dòng tiền mua lên quá hưng phấn cũng với dòng tiền mới liên tục đẩy VN-Index vào khu vực quá bán. Mốc 1,200 điểm vẫn được coi là mốc kháng cự tâm lý quan trọng trong vòng 20 năm của thị trường Việt Nam cũng được giới đầu tư chuyên nghiệp coi là mốc điểm cần chú ý để giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Hệ quả 1 phiên điều chỉnh gây chấn động khi hàng loạt các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu khiến chỉ số giảm điểm kỷ lục trong 1 phiên. Tôi không bất ngờ về việc điều chỉnh của thị trường nhưng ngạc nhiên về cách thị trường giảm điểm với biên độ lớn. Đây là 1 trong số ít các phiên giảm điểm mạnh lịch sử của thị trường Việt Nam.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Mức giảm sâu trong 1,5 phiên khiến nhiều cổ phiếu được bắt đáy mạnh trở lại. Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng thị trường đã kết thúc điều chỉnh. Quan điểm của anh chị thế nào?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Cá nhân tôi cho rằng còn quá sớm để khẳng định nhịp điều chỉnh hiện tại đã kết thúc và thị trường có thể nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng giá.
Dù không có nhiều cơ sở để dự báo biến động thị trường trong ngắn hạn, tôi thiên về kịch bản chỉ số VN-Index sẽ diễn biến tiêu cực trong tuần tới trước khi xác lập xu hướng mới phụ thuộc kết quả kinh doanh quý 4 các doanh nghiệp đầu ngành tới đây được công bố.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi thị trường chưa kết thúc nhịp điều chỉnh, nhịp hồi kỹ thuật xảy ra hết sức bình thường phù hợp khi kỳ vọng của nhà đầu tư F0 vào thị trường vẫn còn lớn, cũng như nhà đầu tư F0 chưa trải qua những pha xuống của thị trường nên tham gia bắt đáy mạnh là điều hết sức bình thường.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Một khi thị trường vào pha điều chỉnh đặc biệt với dấu ấn của 1,5 phiên giảm điểm mạnh với giá trị giao dịch lớn đánh dấu việc bước vào giai đoạn điều chỉnh thông thường kéo dài 1, 2 tuần trở lên. Giai đoạn điều chỉnh này là bình thường.
Quan trọng nhất đó là thị trường còn xu hướng tăng hay không, dòng tiền lớn vẫn còn duy trì trên thị trường, chứ diễn biến điều chỉnh vẫn sẽ liên tục diễn ra một khi mặt bằng giá cổ phiếu liên tục được đẩy lên một mốc mới.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Với mức giảm 102,8 điểm kể từ đỉnh (-8,6%) hoặc hơn 100 điểm trong 1,5 phiên được xem đủ hấp dẫn trên nền thanh khoản kỷ lục và dòng tiền bên ngoài vẫn chầu chực tìm cơ hội để vào thị trường. Trong 1,5 phiên giảm sâu vừa qua, tương đương với việc nhiều cổ phiếu giảm 2 lần giá sàn (giảm khoảng 20% hoặc nhiều hơn tùy vào việc sử dụng margin), do vậy có thể xem nhịp điều chỉnh ngắn của thị trường đã kết thúc và thị trường đang trong nhịp phục hồi.
Theo thống kê, quý 1 hàng năm là quãng thời gian mà thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất. Trên bình diện quốc tế, các thị lớn ở khu vực Châu Á như Hàn Quốc và Nhật bản cũng vừa trải qua nhịp điều chỉnh và đang hướng về mức đỉnh lịch sử.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Dựa trên phân tích kỹ thuật thuần túy thì tôi cho rằng mức điều chỉnh trên là khá hợp lý, phần nào giúp giải tỏa bớt áp lực tăng quá nóng của chỉ số VN-Index đồng thời cũng tạo cơ hội cho dòng tiền mới tham gia vào thị trường một cách hợp lý hơn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Kết quả kinh doanh quý 4/2020 xuất hiện khá nhiều, tuy nhiên cổ phiếu dường như không phản ứng tích cực, chẳng hạn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng. Điều này có nghĩa là giá đã phản ánh trước kỳ vọng?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Chính xác báo cáo kết quả kinh doanh đã phản ánh hết vào giá khi mà dòng ngân hàng và chứng khoán đã có nhịp tăng rất mạnh trước khi ra báo cáo.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi nghĩ cũng có thể là một lý do bên cạnh lý do nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết đều đã tăng quá nóng trong nhịp tăng điểm vừa qua trong bối cảnh cũng đã có nhiều cảnh báo về chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng đặc biệt là trong khoảng thời gian xảy ra dịch bệnh như vừa qua.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng dòng tiền ở thời điểm hiện tại vẫn duy trì trạng thái tích cực, nhưng sẽ có xu hướng tập trung hơn trong thời gian tới ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay các mã có câu chuyện riêng, thay vì lan tỏa đồng đều trên diện rộng như ở nhịp tăng trước.
Về thị trường chung, kỳ vọng lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, cùng với nhu cầu cao tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường chứng khoán khi mặt bằng lãi suất huy động thấp kỳ lục sẽ là lực đỡ tốt giúp thị trường vẫn giữ vững được vùng giá hiện tại trong ngắn hạn.
Giá cổ phiếu về cơ bản thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp, do đó, việc giá không ít cổ phiếu vượt đỉnh cũ thường rơi vào nhóm doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng tốt ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như ngân hàng, chứng khoán, thép... Tuy nhiên, có nhiều cổ phiếu tăng nóng, không đi kèm với tiềm năng doanh nghiệp, thường là các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Đây chính là nhóm tiềm ẩn rủi ro khó lường, nhà đầu tư nên thận trọng trong giao dịch.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Có lẽ diễn biến giá cổ phiếu nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng đã tăng nhiều và phản ánh trước kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản khu công nghiệp, hóa chất, dệt may…lại tăng điểm xen kẽ cũng như là tâm điểm của thị trường trong hiện tại. Tất nhiên nhóm chứng khoán, ngân hàng cũng cần thời gian để điều chỉnh sau giai đoạn tăng nhiều. Cơ hội tăng điểm của nhóm này sau giai đoạn điều chỉnh này vẫn còn.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Các doanh nghiệp đầu ngành nhóm chứng khoán và ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4 đã được thị trường dự báo từ trước. Trên thực tế nhiều ngân hàng đã công bố con số ước tính từ cách đây vài tuần và khá sát với con số công bố chính thức. Vì vậy những con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh ở các doanh nghiệp thuộc 2 ngành này có tác động không đáng kể đến biến động giá giá cổ phiếu.
Dù vậy, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thuộc các ngành khác như bất động sản, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu… vẫn còn là ẩn số và còn nhiều dư địa tác động đến thị trường.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường dường như đang gặp khó tại ngưỡng 1.200 điểm. Theo anh chị nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Chúng tôi đánh giá ngưỡng 1.200 điểm hiện nay vẫn chưa phải là ngưỡng điểm đỉnh mà chỉ số VN-Index có thể đạt được trong 3 – 6 tháng tới. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn nên luôn tỉnh táo và duy trì phương pháp quản trị rủi ro một cách hợp lý.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Mua cổ phiếu và không làm gì cả cũng là phương án tốt. Ngoại trừ việc điều chỉnh tỷ trọng, cổ phiếu có trong danh mục cho hợp lý để có hiệu quả tối ưu chứ tôi không nghĩ rằng giao dịch mua bán liên tục lại là chiến lược tốt.
Thị trường điều chỉnh và sẽ lại quay lại xu hướng đi lên. Nhóm cổ phiếu đã tăng sẽ vào nhịp điều chỉnh để dành chỗ tăng điểm cho các nhóm cổ phiếu có câu chuyện khác tăng luôn phiên. Miễn là dòng tiền lớn đang chảy vào các cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu cơ bản cho dù mang tính chu kỳ hay tăng trưởng cũng là tín hiệu cho thấy chúng ta cần phải có niềm tin vào xu hướng khởi sắc của giai đoạn sắp tới. Hãy kiên nhẫn đợi chờ cơ hội hoặc nắm giữ vị thế những cổ phiếu mạnh. Cơ hội sinh lời lớn đến với những người có khả năng nắm giữ lâu các cổ phiếu "ăn khách".
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi với những nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường lên và vẫn đang dùng margin cần giảm margin và tăng lượng tiền mặt vì giai đoạn này rủi ro rất cao, cần giảm bớt áp lực nắm cổ phiếu để có những quyết định minh mẫn.
Với những nhà đầu tư đang đứng ngoài cần theo dõi sát, ngắm trước các dòng cũng như cổ phiếu tốt đợi cổ phiếu chỉnh về nền hỗ trợ mạnh khi thị trường cũng như cổ phiếu có dấu hiệu tạo đáy có thể tham gia giải ngân dần.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Trong bối cảnh thị trường đang trải qua nhịp biến động mạnh và xu hướng mới chưa được xác lập, nhà đầu tư nên đề cao việc quản trị rủi ro cho danh mục, hạn chế tối đa sử dụng margin hay đầu cơ vào những cổ phiếu mang tính thị trường. Cá nhân tôi duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức trung bình thấp.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Chỉ số VN-Index hiện đã hồi lại gần 70% số điểm đã mất kể từ đỉnh, đó là tín hiệu cho thấy thị trường khỏe. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đang hướng tới các đỉnh cao mới, thị trường trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng này, thị trường đang có nhiều có hội để vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh mới bắt đầu, thanh khoản vẫn được giữ ở mức cao kỷ lục và các quỹ ETF vẫn tích cực giải ngân mạnh.
Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu có điểm rơi lợi nhuận trong quý 4 hoặc hoặc có triển vọng trong năm 2021 như nhóm cổ phiếu chứng khoán (thanh khoản đang ở mức cao kỷ lục), ngân hàng, bất động sản, dệt may,….