12:59 30/07/2023

Xu thế dòng tiền: Thanh khoản tăng vọt, đòn bẩy chưa “căng”?

Nguyễn Hoàng

VN-Index cuối cùng đã vượt qua đỉnh tâm lý 1.200 điểm tuần qua với ngưỡng thanh khoản trung bình cao nhất 12 tháng. Các chuyên gia xác nhận mức sử dụng margin cao, nhưng chưa đến mức quá căng. Khi thị trường tăng cả thị trường mong muốn tối đa hóa lợi nhuận nên việc gia tăng đòn bẩy là bình thường, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa đến mức “say máu”...

Chỉ số VN-Index đang hướng đến đỉnh 1.300 điểm.
Chỉ số VN-Index đang hướng đến đỉnh 1.300 điểm.

VN-Index cuối cùng đã vượt qua đỉnh tâm lý 1.200 điểm tuần qua với ngưỡng thanh khoản trung bình cao nhất 12 tháng. Các chuyên gia xác nhận mức sử dụng margin cao, nhưng chưa đến mức quá căng. Khi thị trường tăng cả thị trường mong muốn tối đa hóa lợi nhuận nên việc gia tăng đòn bẩy là bình thường, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa đến mức “say máu”.

Đánh giá cơ hội ngắn hạn, các chuyên gia đều thống nhất khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi lên, trên cơ sở dòng tiền mạnh và các yếu tố hỗ trợ vẫn đang tạo kỳ vọng tích cực. Thị trường vẫn có khả năng rung lắc nhưng VN-Index có cơ hội lớn tiến lên ngưỡng 1.280-1.300 điểm.

Do đó các chuyên gia vẫn đang duy trì tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn ở mức cao. Tuy nhiên khuyến nghị được đưa ra là tùy từng trường hợp cụ thể mà nhà đầu tư nên có sự co giãn vị thế phù hợp, cơ cấu danh mục. Hiện dòng tiền mới đang xuất hiện và bối cảnh lãi suất thấp sẽ tiếp tục khuyến khích dòng vốn tìm đến kênh chứng khoán – kênh đầu tư đang có hiệu suất tốt nhất.

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản tăng vọt, đòn bẩy chưa “căng”? - Ảnh 1

Thị trường cho tín hiệu vượt qua ngưỡng tâm lý thành công, có thể sẽ thúc đẩy một vòng quay magin mở rộng hơn, vì lúc này các nhà đầu tư chốt lời và cầm tiền trước ngưỡng 1.200 điểm có thể quay lại mua cao hơn, thường có xu hướng phớt lờ rủi ro và có quyết định “dễ dãi” hơn với việc dùng đòn bẩy. Tuy nhiên, khi áp dụng các quan sát ở phía trên vào bối cảnh hiện tại, tôi thấy mức độ mở rộng margin chưa tới đỉnh. Do đó, việc nhà đầu tư tuy đang trở nên “dễ dãi” hơn với margin nhưng cũng chưa tới mức “say máu”.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Nguyễn HoàngVnEconomy

Sau nhiều lần rung lắc mạnh quanh ngưỡng 1.200 điểm, cuối cùng VN-Index cũng chính thức bứt phá thành công. Thanh khoản ghi nhận tăng cao khi VN-Index tiệm cận ngưỡng này cùng với lực cầu hỗ trợ từ khối ngoại, thể hiện khả năng hấp thụ chốt lời rất tốt. Nhiều quan điểm phân tích bắt đầu đồng thuận đích đến tiếp theo của thị trường quanh ngưỡng 1.300 điểm. Anh chị thì sao, có thay đổi quan điểm tuần trước?

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Thị trường đóng cửa tuần giao dịch cuối tháng 7 với một phiên bứt phá thành công ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm sau nhiều lần kiểm định. Biên độ tăng mở rộng cùng thanh khoản cải thiện tích cực cho thấy cơ hội mở rộng đà tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.220 của VN-Index vẫn đang có phần chiếm ưu thế. Mặc dù vậy, việc xuất hiện các nhịp điều chỉnh cũng như rủi ro đảo chiều sẽ ngày một gia tăng khi chỉ số tiếp cận vùng cản đã đề cập.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Dù tuần trước quan điểm của tôi vẫn cho rằng mốc 1.200 điểm là vùng kháng cự mạnh mà VN-Index tăng vượt qua và “test” lại mốc kháng cự sau đó là vùng hỗ trợ, nhưng tôi nhất trí quan điểm hướng đi tiếp theo của thị trường trong quý 3 này có thể là khu vực 1.280 – 1.300 điểm.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường xác suất cao tạo đỉnh ngắn hạn quanh vùng 1.200, có thể biên độ lệnh 20 điểm. Những lý do tôi vẫn duy trì quan điểm: i) Theo thống kê thường thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh vào cuối tháng hoặc đầu tháng sau đó của tháng ra kết quả kinh doanh; ii) Kết quả kinh doanh quý 2 nhìn chung không khả quan lắm; iii) VN-Index vẫn đang nằm trong vùng kháng cự mạnh kèm theo trước đó là một nhịp tăng khá dốc và trong nhịp tăng chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể hay tích lũy dài.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dưới góc nhìn từ dòng tiền chung, tôi thấy thị trường đang có cơ hội duy trì xu hướng đi lên hiện tại. Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ môi trường “tiền nhiều hơn” bởi chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng với sự dịch chuyển của dòng tiền thông minh trong môi trường lãi suất thấp từ kênh tiền gửi sang kênh cổ phiếu, đang là động lực chính thúc đẩy VN-Index đi lên.

Cũng chính nhờ dòng tiền từ bên ngoài gia nhập mạnh mẽ mà thị trường đã xuất hiện các phiên giao dịch với giá trị hơn 20 nghìn tỷ, cùng với thanh khoản ở mức cao hơn cả bình quân của giai đoạn thị trường bùng nổ 2020 – 2021. Dòng tiền mạnh không những hấp thụ hết áp lực chốt lời từ nhà đầu tư lướt sóng mà còn xoa dịu đi nỗi lo của nhà đầu tư thận trọng trước ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm.

Do vậy, tôi cho rằng nếu tiếp tục duy trì sức mạnh như hiện nay thì thị trường sẽ có cơ hội hướng lên chinh phục ngưỡng mục tiêu 1.300 điểm.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Chốt phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại 1207.67 điểm, với giá trị giao dịch khớp lệnh hơn 20.500 tỷ đồng. Thanh khoản những phiên giao dịch gần đây khá tốt, và đã bắt đầu quay trở lại ngưỡng quanh 20.000 tỷ đồng. Ngưỡng tâm lý 1.200 điểm có vẻ đang được thị trường bước qua dễ dàng đi kèm thanh khoản cao. Theo tôi ngưỡng cản sắp tới sẽ quanh 1.275 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường tiếp tục xu hướng đi lên, nhưng diễn biến có thể sẽ gặp lực cung lớn tại vùng cản.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Mức giao dịch khớp lệnh của HoSE và HNX tuần này trung bình vượt 20 ngàn tỷ đồng mỗi ngày, là mức cao kỷ lục kể từ tháng 4/2022. Các số liệu từ báo cáo tài chính của công ty chứng khoán cho thấy nhu cầu sử dụng margin đã tăng vọt. Tuần trước anh chị cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên giảm đòn bẩy và chốt lời các cổ phiếu tăng nóng. Tiếp xúc với nhà đầu tư, anh chị đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng thông qua việc sử dụng margin như thế nào thời điểm này, liệu có đang “say máu”?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Khách hàng tôi tiếp xúc được chia làm 2 nhóm: Khách hàng quản trị rủi ro chặt và khách hàng khẩu vị rủi ro cao. Hiện nhóm khách hàng quản trị rủi ro chặt họ đang giao dịch với tỷ trọng tiền mặt đang là 20-30% còn lại là cổ phiếu. Tuần vừa rồi nhóm khách hàng này thực hiện chốt lời khá nhiều. Với nhóm khách hàng ưa khẩu vị rủi ro vẫn đang dùng margin với tỷ trọng cao.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi quan sát, mức giao dịch trên thị trường đạt trung bình trên 20 nghìn tỷ trong tuần qua không chỉ đến từ sức mua của dòng tiền margin mà còn tới từ dòng tiền mới gia nhập thị trường. Bằng chứng là lượng mở tài khoản chứng khoán mới tăng mạnh kể từ tháng 4 tới nay.

Thêm một quan sát nữa, khi thị trường vào sóng tăng mạnh nhu cầu dùng magin của nhà đầu tư tăng lên là một lẽ đương nhiên. Điều này không chỉ tới từ việc nhà đầu tư cũ tận dụng cơ hội nhằm gia tăng tỷ suất lợi nhuận mà còn tới từ việc dòng tiền mới tham gia sẽ góp phần tăng thêm sức mua đối ứng, từ đó giúp cho tổng sức mua khả dụng của thị trường có sự cộng hưởng.

Trong một con sóng thì vòng quay margin sẽ liên tục lặp đi lặp lại, với độ mở rộng tăng lên theo chiều tăng của thị trường, cho tới khi sức mua margin đạt đỉnh và nhà đầu tư trở nên “say máu” nhất thì con sóng sẽ kết thúc.

Hiện thị trường cho tín hiệu vượt qua ngưỡng tâm lý thành công, có thể sẽ thúc đẩy một vòng quay magin mở rộng hơn, vì lúc này các nhà đầu tư chốt lời và cầm tiền trước ngưỡng 1.200 điểm có thể quay lại mua cao hơn, thường có xu hướng phớt lờ rủi ro và có quyết định “dễ dãi” hơn với việc dùng đòn bẩy. Tuy nhiên, khi áp dụng các quan sát ở phía trên vào bối cảnh hiện tại, tôi thấy mức độ mở rộng margin chưa tới đỉnh. Do đó, việc nhà đầu tư tuy đang trở nên “dễ dãi” hơn với margin nhưng cũng chưa tới mức “say máu”.

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản tăng vọt, đòn bẩy chưa “căng”? - Ảnh 3

Hiện P/E đang ở ngưỡng quanh trung bình 10 năm trong khí đó kết quả kinh doanh quý 2 nhìn chung không khả quan lắm và thị trường đã tăng được một nhịp khá dài nên khả năng cao thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh sau khi ra hết kết quả kinh doanh

Ông Nguyễn Việt Quang

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Lúc này các nhà đầu tư mới bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào thị trường đang theo chiều hướng khá tích cực. Nhóm nhà đầu tư hiện tại, với lợi thế về giá vốn thấp do đã mua từ trước đây vài tháng, thì cũng đang trong trạng thái nắm giữ và thỉnh thoảng có đảo hàng trong phiên khi thị trường có biến động nhẹ lên xuống, nhu cầu xài margin tương đối, nhưng vẫn để dành lại một lượng sức mua nhất định để đảm bảo an toàn cho tài khoản và có thể mua thêm ở những phiên điều chỉnh.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Khi thị trường tăng điểm liên tiếp đặc biệt với nhiều cổ phiếu bất động sản, chứng khoán… nhất là khi VN-Index chạm hoặc có chớm vượt qua mốc cản mạnh này thì việc cơ cấu danh mục, có thể giảm tỷ lệ cổ phiếu là điều cần thiết. Tất nhiên với lý do co gọn danh mục, chốt lãi những cổ phiếu đạt mục tiêu hoặc giảm dần cổ phiếu đang tăng nhanh hoặc giảm cổ phiếu yếu hoặc mua sai – đây vẫn là chiến lược hợp lý mà nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn nên làm.

Theo tôi nhà đầu tư vẫn có thể sử dụng margin vì diễn biến thị trường vẫn đang khá tốt. Cho dù có thể e ngại điều chỉnh nhưng cũng không phải cổ phiếu nào cũng điều chỉnh theo thị trường chung. Câu chuyện quản lý danh mục thế nào và cổ phiếu gì đang nắm giữ mới quan trọng.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Với kỳ vọng các doanh nghiệp đang đi qua giai đoạn kinh doanh khó khăn nhất và diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm, các nhà đầu tư cũng phần nào có tâm lý thoải mái hơn trong việc chấp nhận rủi ro nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi đang trong xu hướng giảm. Bên cạnh đó, việc các công ty chứng khoán liên tục hạ lãi suất cho vay margin cũng đang phần nào kích thích việc gia tăng sử dụng đòn bẩy của các nhà đầu tư.

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản tăng vọt, đòn bẩy chưa “căng”? - Ảnh 4

Với tín hiệu về thanh khoản những phiên giao dịch gần đây, đi kèm với tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ cải thiện trong nửa cuối năm, tôi kỳ vọng xu hướng chính của thị trường từ đây cho tới cuối năm sẽ là uptrend, đi kèm thanh khoản cải thiện.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên

Nguyễn HoàngVnEconomy

Kết quả kinh doanh quý 2/2023 bắt đầu phản ánh vào định giá thị trường với mức P/E hiện khoảng 14,4 lần. Từ góc độ cơ bản, anh chị đánh giá thị trường như thế nào, nhất là khi thị trường đang kỳ vọng rất cao vào xu hướng tăng được kéo dài thêm?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi ở thời điểm hiện tại, nếu chúng ta nhìn dưới góc độ định giá thì thị trường đã không còn rẻ nữa. Vì khi chúng ta so sánh con số P/E hiện khoảng 14,4 lần với mức khoảng 10x của cuối năm ngoái, chúng ta sẽ thấy thị trường đang kém hấp dẫn đi nhiều. Đó là chưa kể việc mức P/E hiện chưa được cập nhật đầy đủ số liệu từ báo cáo quý 2/2023 vốn có kết quả kinh doanh sụt giảm vào, và nếu sau khi cập nhập đầy đủ thì mức P/E khi đó có thể còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đang có xu hướng tích cực mặc cho mức P/E hiện đã đắt hơn trước. Tôi thấy thị trường đang vận động dựa trên một góc nhìn khác, góc nhìn từ sự kỳ vọng. Thị trường đang kỳ vọng rằng tương lai sẽ trở nên khả quan hơn nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ mang lại hơn là những số liệu cơ bản vốn phản ánh giai đoạn khó khăn nhất ở quá khứ. Do đó, có thể nói, tâm lý kỳ vọng và xu hướng của dòng tiền đang lấn lướt các yếu tố cơ bản.

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Hiện nay lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 6.8% và có xu hướng tiếp tục giảm, tương đương với mức P/E là 14.7 lần. Vì vậy với mức P/E của thị trường hiện tại là 14.4 lần thì thị trường chứng khoán vẫn đang khá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như tiền gửi,...

Nếu như không tính tới các rủi ro ngoại biên như suy thoái tại Mỹ và Châu Âu cũng như tăng trưởng chậm lại tại các nước đang phát triển, các chính sách điều hành của chính phủ cũng như điều kiện vĩ mô hiện nay đang có phần thuận lợi hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023. Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực khi tác động của chính sách dần thẩm thấu vào trong nền kinh tế, đồng thời, làm giảm mặt bằng định giá chung của thị trường và gia tăng cơ hội kéo dài xu hướng tăng điểm.

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản tăng vọt, đòn bẩy chưa “căng”? - Ảnh 5

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực khi tác động của chính sách dần thẩm thấu vào trong nền kinh tế, đồng thời, làm giảm mặt bằng định giá chung của thị trường và gia tăng cơ hội kéo dài xu hướng tăng điểm.

Ông Thái Hữu Công

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Kỳ hạn cuối cho việc công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 đang đến gần, đi kèm lãi suất thấp sẽ trợ lực cho thị trường. Các khoản tiền gửi tiết kiệm tại thời điểm đỉnh lãi suất hồi cuối năm 2022, ở các kỳ hạn 6 tháng, 1 năm cũng đang tới lúc đáo hạn, sẽ là một điểm tích cực cho thị trường. Xu hướng thị trường khả năng đã tạo đáy từ quý 4/2022, và bắt đầu tăng trở lại từ quý 2/2023. Lợi nhuận của thị trường sẽ được dẫn dắt bởi các ngành Ngân hàng, Tài chính, chứng khoán, dược phẩm. Trong khi các ngành nguyên vật liệu, tiêu dùng, thủy sản, ô tô, tiện ích, công nghệ,… sẽ tiếp tục ghi nhận mức giảm.

Với tín hiệu về thanh khoản những phiên giao dịch gần đây, đi kèm với tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ cải thiện trong nửa cuối năm, tôi kỳ vọng xu hướng chính của thị trường từ đây cho tới cuối năm sẽ là uptrend, đi kèm thanh khoản cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng tăng sẽ còn gập ghềnh có điều chỉnh.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Hiện P/E đang ở ngưỡng quanh trung bình 10 năm trong khí đó kết quả kinh doanh quý 2 nhìn chung không khả quan lắm và thị trường đã tăng được một nhịp khá dài nên khả năng cao thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh sau khi ra hết kết quả kinh doanh, trước khi tiếp diễn xu hướng tăng trở lại để phản ánh triển vọng kinh doanh tốt hơn trong 2 quý còn lại của năm.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Trước mắc ngoài khu vực 1.200 – 1.210 điểm thì VN-Index vẫn sẽ có thể hướng lên khu vực 1.250 – 1.280 điểm trong tháng 8 hoặc thậm chí diễn biến tốt hơn. Triển vọng vĩ mô khởi sắc hơn, dòng tiền chuyển dịch sang thị trường chứng khoán khá mạnh và thanh khoản duy trì ở mức cao. Chắc chắn ngưỡng 1.200 điểm này với VN-Index không phải là mốc mà nhà đầu tư phải lo lắng bán tháo cổ phiếu.

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản tăng vọt, đòn bẩy chưa “căng”? - Ảnh 6

Theo tôi nhà đầu tư vẫn có thể sử dụng margin vì diễn biến thị trường vẫn đang khá tốt. Cho dù có thể e ngại điều chỉnh nhưng cũng không phải cổ phiếu nào cũng điều chỉnh theo thị trường chung. Câu chuyện quản lý danh mục thế nào và cổ phiếu gì đang nắm giữ mới quan trọng.

Ông Lê Đức Khánh

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị khuyến cáo nhà đầu tư nên tái cơ cấu danh mục nhưng vẫn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Hầu hết cổ phiếu đã tăng cao hơn trong tuần này và chiến lược đó đem lại lợi nhuận tốt. Hiện tỷ trọng danh mục ngắn hạn của anh chị còn bao nhiêu?

Ông Thái Hữu Công - Chuyên viên phân tích cao cấp, Chứng khoán KBSV

Tôi cho rằng việc giữ nguyên tỷ trọng và tiếp tục quan sát thị trường là sẽ là chiến lược đầu tư hợp lý ở thời điểm hiện tại do thị trường vẫn đang có nhiều dư địa tăng trưởng. Các nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc thực hiện chốt lời trong trường hợp thị trường tiếp cận vùng cản đáng lưu ý quanh 1.220 nhằm bảo vệ lợi nhuận đã đạt được và ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu có tính cơ bản cao để hạn chế rủi ro.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Tỷ trọng danh mục ngắn hạn có cơ cấu chốt lời đôi chút nhưng vẫn giữ tỷ trọng cao bên cạnh các cổ phiếu nắm giữ dài. Việc cơ cấu danh mục giao dịch ngắn có thể thực hiện hàng tuần hoặc 2 tuần một lần. Các nhà đầu tư cũng nên thỉnh thoảng co gọn danh mục nhưng vẫn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể linh hoạt giữ những cổ phiếu theo các nhóm ngành nghề triển vọng và nhiều tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dựa trên sự kỳ vọng vào dòng tiền hoạt động vẫn mạnh mẽ và thị trường có thể tiếp diễn xu hướng đi lên, tôi vẫn giữ quan điểm như tuần trước, nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì  tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao hơn 70% nhằm tận dụng xu hướng tích cực của thị trường chung.

Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Chiến lược xây dựng danh mục lúc này cho nhà đầu tư mới sẽ có đôi chút khó khăn. Về bản thân, thì tôi vẫn giữ danh mục “full” cổ phiếu mua từ trước, thì sẽ có đôi chút lợi thế về giá vốn so với việc mua mới tại thời điểm này. Để hạn chế tối đa rủi ro có thể, nhà đầu tư có thể xây dựng danh mục dựa trên yếu tố cơ bản về ngành.

Ngành ngân hàng, trụ cột chính của thị trường, với kết quả kinh doanh cải thiện lên mức 10% so với -3% yoy quý 1. Hoặc ngành chứng khoán nhờ diễn biến thuận lợi của thị trường. Ngành dầu khí sẽ tích cực trở lại trong quý này. Các ngành: nguyên vật liệu (thép, hóa chất, phân bón, cao su,…), hàng tiêu dùng (dệt, thủy sản, ô tô,..), sẽ còn nhiều khó khăn trong quý này.

Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu và nhóm ngành, bởi xu hướng tích cực sắp tới là có, nhưng sẽ vẫn còn có sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu và các nhóm ngành.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nhận định thị trường lên tới vùng này xác suất có điều chỉnh là khá cao nên tuần rồi tôi có thực hiện giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu. Hiện tại tỷ trọng cổ phiếu của tôi đang nắm giữ 80% cổ phiếu và 20% tiền mặt. Nếu thị trường xuất hiện thêm các yếu tố bất lợi tôi có thể bán thêm và chờ đợi mua lại ở vùng giá tốt sau.