Xu thế dòng tiền: Thông tư 36, tác động nào trong ngắn hạn?
Quan điểm mà các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn đưa ra là thị trường chứng khoán bị tác động trong ngắn hạn
Các quy định mới trong Thông tư 36 điều chỉnh dòng tín dụng cho vay cổ phiếu đang tạo nên những quan điểm trái chiều trên thị trường.
Tuy vậy, quan điểm thống nhất mà các chuyên gia được VnEconomy phỏng vấn đưa ra là thị trường chứng khoán bị tác động trong ngắn hạn. Các ngân hàng vừa và nhỏ cấp tín dụng vượt hạn mức sẽ phải điều chỉnh. Các ngân hàng có nợ xấu trên 3% sẽ phải điều chỉnh các khoản vay.
Đánh giá về con số giới hạn 5%, có ý kiến cho rằng như vậy các ngân hàng sẽ mất đi dư địa cho vay. Ví dụ với quy định cũ là 20%, nếu một ngân hàng không kinh doanh trái phiếu thì có thể sử dụng toàn bộ 20% vốn để cho vay cổ phiếu. Quy định mới sẽ buộc giảm xuống còn 5%.
Kết luận khá bất ngờ là đa số chuyên gia cho rằng việc Thông tư 36 xuất hiện và tác động lên thị trường thực ra chỉ mang tính đúng thời điểm. Thị trường đã có những dấu hiệu kém tích cực từ trước: Các cổ phiếu dẫn dắt trì trệ, cổ phiếu đầu cơ lên ngôi, dòng tiền chung vào thị trường không tăng…
Những thay đổi lớn trong tuần đã khiến các chuyên gia thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống. Mức vốn phân bổ cao nhất cho cổ phiếu được ghi nhận là 60%, và quan điểm thận trọng tiếp tục giữ 100% tiền mặt.
Đã có những ý kiến cho rằng Thông tư 36 đã được lấy ý kiến từ lâu và các quy định liên quan đến hạn mức tín dụng cấp cho chứng khoán không phải là mới. Tuy thế tuần trước hầu hết anh chị đều chưa nghe thấy điều này. Theo anh chị có thực thị trường đã biết trước những thông tin như vậy?
Thực ra cũng đã có những thông tin đồn thổi về Thông tư 36 trước đó nhưng đại đa số nhà đầu tư điều không biết rõ đến thông tư này và nội dung cụ thể của nó thế nào và nhất là hướng tới đối tượng nào.
Theo tôi, thị trường hoàn toàn bất ngờ về thông tin này nhưng đó không phải là câu chuyện quá quan trọng bởi cho dù mọi chính sách quyết định có liên quan đến thị trường chứng khoán như thế nào rồi cho vay đầu tư chứng khoán ra sao cũng chỉ nằm làm minh bạch hơn và tiến tới làm cho thị trường trở nên chuyên nghiệp hơn.
Tôi cho rằng một bộ phận nhà đầu tư đã nắm bắt được thông tin như vậy từ rất sớm, bằng chứng là một văn bản có nội dung rất giống với Thông tư 36 đã được đăng tải trên internet trước khi Thông tư này được ban hành. Hiện tượng này vẫn thường xảy ra và giới đầu tư coi đó là một vấn đề không tránh khỏi của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc sửa đổi thông tư 13 đã được bàn đến từ lâu, và thời gian gần đây liên tục trên các báo chính thống cũng như báo mạng đề cập đến tin đồn liên quan nên có thể xem là ít nhiều thị trường đã biết trước thông tin.
Thông tư 36 đã có bản dự thảo từ lâu và thực sự tinh thần của thông tư chỉ được tập trung vào nhiều nhất từ các phiên giao dịch trong tuần này.
Một số nhà đầu tư đã biết mức độ ảnh hưởng của thị trường khi dự thảo thông tư được đưa vào áp dụng chính thức và có hành động bán ra cổ phiếu để chủ động giảm bớt rủi ro giảm danh mục từ tác động tâm lý của thị trường khi thông tư được ban hành.
Mức 5% vốn tự cấp/vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay cổ phiếu phiếu (không phải là cho vay chứng khoán có ý nghĩa rộng hơn nhiều) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hỗ trợ tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ vốn đã sử dụng vượt hạn mức trên nhiều.
Liên quan đến câu chuyện đang gây tranh cãi lớn lúc này là “nới” hay “thắt”của Thông tư 36, theo anh chị các quy định mới sẽ tác động đến dòng vốn hỗ trợ vốn từ ngân hàng sang chứng khoán như thế nào? Đâu là những điểm sẽ gây tác động lớn nhất? Anh chị có thể hé lộ về tỷ lệ cung cấp đòn bẩy tài chính của công ty, tỷ lệ bao nhiêu là sử dụng vốn vay ngân hàng, bao nhiêu là từ vốn chủ sở hữu?
Tôi dùng từ "làm chặt", Thông tư 36 sẽ làm chặt dòng vốn hỗ trợ từ chứng khoán sang ngân hàng.
Thứ nhất, "dư nợ tín dụng...đối với đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ" của ngân hàng. Theo quy định cũ, mức giới hạn là 20% vốn điều lệ đối với kinh doanh chứng khoán: nghĩa là nếu ngân hàng nào không cho vay kinh doanh các chứng khoán khác (trái phiếu chẳng hạn) thì hoàn toàn có thể cho vay kinh doanh cổ phiếu trong mức 20% vốn điều lệ, điều này sẽ bị giới hạn ở 5% khi thông tư 36 được áp dụng.
Thứ hai, việc cấp tín dụng cho kinh doanh cổ phiếu sẽ có điều kiện đi kèm "ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%", cần lưu ý rằng nợ xấu đang có dấu hiệu tăng dần về cuối năm, số liệu quý 3 vừa qua cho thấy một số ngân hàng lớn đang có tỷ lệ nợ xấu tăng lên trên 3%.
Rõ ràng theo Thông tư 36 mà nội dung hướng tới việc phát triển bền vững của thị trường chứng khoán và nhìn xa hơn thì nó mang yếu tố tích cực khi các ngân hàng tự củng cố năng lực tài chính, giảm tỷ lệ sở hữu chéo…
Trong ngắn hạn, rõ rằng thông tin này tác động đến thị trường, dòng vốn từ ngân hàng sang chứng khoán và nhất là giai đoạn này tâm lý nhà đầu tư còn yếu thì dòng tiền chảy vào thị trường chắc chắn sẽ có giảm sút kèm theo động thái giải ngân dè dặt từ phía nhà đầu tư.
Theo tôi hoạt động hỗ trợ vốn từ ngân hàng cỡ vừa và nhỏ cho lĩnh vực chứng khoán (cổ phiếu) sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Thông thường hoạt động này tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ở thị trường niêm yết. Việc cắt giảm margin ở các cổ phiếu nóng như KLF, FLC, FIT sau một thời gian tăng giá nhanh chóng là hệ quả tất yếu của quá trình này. Hành động cắt giảm tỷ lệ cho vay từ các công ty chứng khoán như để giảm bớt hệ quả từ thông tư 36 khi được áp dụng chính thức.
Theo luật định, công ty chứng khoán khi cung cấp hoạt động tài trợ vốn thông qua nghiệp vụ ký quỹ chỉ được cung cấp tối đa 5% số lượng cổ phiếu niêm yết của tổ chức niêm yết và cung cấp tỷ lệ tối đa 3% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán để tài trợ vốn cho 1 nhà đầu tư. Tỷ lệ đòn bẩy được công bố theo luật định là 1:1 (tài trợ 50%). Tuy nhiên, khi có đối tác thứ ba (thường là ngân hàng thương mại), tỷ lệ tài trợ sẽ lớn hơn mức 1:1 khá nhiều, tỷ lệ 2:8 và 3:7 (tài trợ 70-80%) được áp dụng khá phổ biến trong thời gian vừa qua.
Tôi nghĩ rằng với Thông tư 36, các nhà quản lý muốn giới hạn ảnh hưởng của dòng vốn ngân hàng đối với thị trường chứng khoán.
Những nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng như Việt Nam rất kém ổn định. Chúng ta đã thấy các chủ doanh nghiệp có nhiều nợ khổ sở như thế nào trong giai đoạn 2010-2012 khi lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, những doanh nghiệp tự chủ được vốn lại sống khỏe.
Khi thị trường chứng khoán giảm phụ thuôc vào tín dụng ngân hàng, những cú sốc sẽ không mạnh như trước nữa. Chúng ta sẽ tránh được những cú sụp đổ từ 1,100 xuống 230 điểm như năm 2008 và 630 xuống 330 điểm như giai đoạn 2010-2012.
Tác động gần nhất là việc các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ không được cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để kinh doanh cổ phiếu. Trong khoảng từ giờ cho tới khi Thông tư 36 có hiệu lực (2/1/2015), các ngân hàng có nợ xấu cao hơn 3% tổng dư nợ sẽ phải điều chỉnh các khoản cho vay & điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Về tỷ lệ cung cấp đòn bẩy tài chính của công ty, tôi không tiếp cận được con số này.
Từ những gì mà thị trường thể hiện trong phiên cuối tuần, cảm nhận của anh chị về phản ứng với thông tin như thế nào? Liệu sự kiện mới này có làm thay đổi quan điểm của anh chị về xu hướng thị trường?
Thị trường đã bị ảnh thưởng bởi nhiều thông tin bất lợi trong giai đoạn hiện nay và sẽ cần thêm thời gian điều chỉnh tiếp.
Mặc dù quan điểm cá nhân cho rằng thị trường đang ở vùng đáy và những thông tin kể trên chỉ làm cho thị trường điều chỉnh đi ngang thêm 1 thời gian và đây vẫn là giai đoạn cho các nhà đầu tư giá trị mua gom những cổ phiếu cơ bản tốt.
Quan điểm thận trọng với thị trường của tôi là không đổi, các phản ứng của thị trường với thông tin là khá nhẹ nhàng khi mà trước đó dường như đã có những bước đi chống sốc với những bình luận, phân tích trước của những người có thẩm quyền.
Tuy nhiên, thực tế thì không cần quá để ý tới thông tin này, diễn biến nhóm cổ phiếu dẫn dắt đứng im và phần lớn tiền dồn vào các trạng thái cổ phiếu đầu cơ có tính biến động mạnh đã cảnh báo rằng thị trường đi vào giai đoạn rủi ro.
Nếu tìm cách khớp nối thông tin với diễn biến thị trường thì câu trả lời sẽ là nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với Thông tư 36. Phản ứng này ngược với phân tích của các chuyên gia về tác dụng lâu dài của Thông tư 36 đối với thị trường chứng khoán. Điều này chứng tỏ bản thân thị trường đang gặp phải vấn đề nào đó khiến nhà đầu tư không thể hành động theo lý trí.
Theo tôi nghĩ, vấn đề nằm ở chỗ dòng tiền vào thị trường không gia tăng (do khối ngoại bán ròng, margin của các công ty chứng khoán tiệm cận đỉnh vv..) nên giá cổ phiếu thiếu động lực lên tiếp. Điều này khơi dậy tâm lý nghi ngờ trong giới đầu tư và khi Thông tư 36 rò rỉ, phản ứng tự nhiên của họ là rút lui để chờ đánh giá của thị trường. Khi số người bán tăng lên và giá cổ phiếu giảm, mọi người càng tin rằng Thông tư 36 gây bất lợi cho thị trường và càng có nhiều người muốn bán.
Diễn biến này có làm thay đổi cảm nhận tích cực của tôi về thị trường trong ngắn hạn vì tôi thấy dòng tiền đang muốn rút lui. Tuy nhiên, tôi sẽ tìm cơ hội mua cổ phiếu vì tin tưởng vào bức tranh lớn hơn.
Theo tôi sự thận trọng là không thừa vào lúc này. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán thuộc ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu nhà nước chiếm đa số vẫn đang dồi dào về nguồn vốn và dường như không ảnh hưởng gì từ thông tư 36 vừa ban hành sẽ là điểm đến lý tưởng của các đợt cắt giảm margin của nhiều công ty chứng khoán/ngân hàng vừa và nhỏ.
Hệ quả là, việc phân bổ lại tỷ trọng cho việc tài trợ vốn cho lĩnh vực cho vay ký quỹ của nhiều cổ phiếu niêm yết có thể được diễn ra sau đây. Thị trường có thể có ảnh hưởng vài phiên từ việc dịch chuyển cổ phiếu từ tài khoản này sang tài khoản khác nhưng về tổng thể vẫn đang tích cực trong trung và dài hạn.
Sự kiện mới và những biến động mạnh của thị trường có làm anh chị cơ cấu lại danh mục? Mức phân bổ vốn hiện tại là bao nhiêu?
Tôi cũng đã thực hiện việc cơ cấu lại danh mục và thực hiện động thái bán ra cổ phiếu đôi chút trong tuần vừa qua. Tuần qua tôi ưu tiên giữ nhiều tiền mặt hơn do thực hiện phương pháp trading T+ là chủ yếu và ở những mã có giao dịch sôi động. Tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt hiện nay còn là 30%/70%.
Trong tuần vừa qua tôi có một lần nâng tỷ lệ cổ phiếu/ vốn đầu tư lên trên 110% nhưng sau đó lại đưa tỷ lệ về 60% do nhận thấy tín hiệu rút lui của dòng tiền. Tôi sẽ tìm cơ hội mua những cổ phiếu khỏe trong tuần tới để lướt sóng hạ thấp giá vốn. Tỷ lệ cổ phiếu/ vốn đầu tư ở cuối tuần dự định vẫn duy trì ở 60%.
Thị trường điều chỉnh khá trong ngắn hạn là cơ hội tốt để thu gom các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và lớn tại các đợt điều chỉnh mạnh trong phiên. Danh mục ngắn hạn lên tăng thành 50% cổ phiếu đặc biệt khi thị trường đang giao dịch dưới 590 điểm và danh mục dài và trung hạn có thể tăng lên 80% danh mục là cổ phiếu.
Chẳng có lý do gì khiến tôi mua vào tuần qua khi mà đã nghỉ cả tháng trước đó. Tôi vẫn giữ 100% tiền.