Xu thế dòng tiền: Xuống tiền ở mức độ nào?
Diễn biến VN-Index tăng vượt 600 điểm trong phiên cuối tuần có thể là một dấu hiệu tích cực cho khả năng hình thành sóng tăng mới
Với nhiều người diễn biến VN-Index tăng vượt 600 điểm trong phiên cuối tuần có thể là một dấu hiệu tích cực cho khả năng hình thành sóng tăng mới mạnh hơn.
Tuy vậy tính thuyết phục của các biến động đó một lần nữa khắc họa rõ nét hơn sự khác biệt trong đánh giá của các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn. Bản thân những ý kiến trung tính cũng có điểm chưa tương thích với chiến lược giao dịch.
Từ đánh giá và phân tích đến việc đặt cược tiền vào thị trường vẫn đang có khoảng cách khá xa.
Quan điểm tích cực nhất cho rằng thị trường đã tạo đáy thành công từ tuần trước và đang đứng trước đợt tăng giá rất mạnh có thể kéo dài vài tháng từ tháng 11 cho đến tận đầu quý 2/2015. Phù hợp với nhận định này, quy mô giải ngân đã tăng lên rất manh và bắt đầu sử dụng đòn bẩy.
Ở thái cực ngược lại, quan điểm thận trọng tiếp tục nhìn nhận dòng tiền vẫn chưa quay lại thị trường đủ mạnh, đa số các cổ phiếu chỉ bùng lên 1 phiên rồi lại nhanh chóng điều chỉnh. Điều tốt có thể nhìn thấy mới là một sự cân bằng hơn thời điểm tháng 10. Trạng thái tiền mặt 100% vẫn đang được duy trì do chấp nhận bỏ qua những biến động nhỏ.
Các quan điểm đánh giá trung dung về thị trường cơ bản vẫn nghiêng về trạng thái tích cực nhiều hơn. Tuy nhiên bộc lộ ở chiến thuật giao dịch vẫn là nét thận trọng nhất định. Các giao dịch mua thêm trong tuần này đều hướng đến khả năng quay vòng nhanh trong tuần tới nhằm tận dụng các biến động ngắn hạn.
Thị trường quả thực đã điều chỉnh trong tuần này như dự kiến của anh chị, nhưng mức điều chỉnh khá nhẹ và chỉ diễn ra trong 2 phiên. Chốt tuần VNIndex vẫn tăng 0,3%. Dường như nhà đầu tư đã tin tưởng hơn vào khả năng phục hồi của thị trường? Anh chị đánh giá thế nào về diễn biến điều chỉnh đó?
Với tôi điểm đáng chú ý của nhịp điều chỉnh trong tuần qua là sự phân hóa và luân phiên giữa các dòng cổ phiếu. Diễn biến này khiến các chỉ số không mất điểm quá mạnh khi ngay cả trong những phiên điều chỉnh vẫn luôn có một nhóm các mã hồi phục và đóng vai trò giữ nhịp.
Tâm lý nhà đầu tư đang dần được củng cố, đặc biệt là sau phiên tăng điểm cuối tuần. Thêm vào đó, hoạt động mua ròng tuần thứ 2 liên tiếp của khối ngoại cũng phần nào giúp nhà đầu tư loại bỏ tâm lý lo ngại về việc khối này bán ròng sau thông tin FED công bố chấm dứt hoàn toàn gói QE3.
Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng, thị trường đã có diễn biến điều chỉnh tích lũy tương đối thành công trong tuần qua và đã đủ tín hiệu xác nhận cho khả năng tiếp tục mở rộng đà hồi phục trong tuần tới.
Biến động giá hẹp, thanh khoản duy trì ở mức trung bình thấp là diễn biến cho thấy sự cân bằng.
Ít nhất trạng thái này đã tốt hơn so với giai đoạn sụt giảm trong tháng 10 trước đó, đồng nghĩa với việc có thể hiểu rằng nhà đầu tư đã tin tưởng hơn vào khả năng hồi phục của thị trường.
Nhưng ngược lại, những pha điều chỉnh – không chỉ trên bình diện thị trường chung, mà ở từng trường hợp cổ phiếu cho thấy dòng tiền vẫn chưa quay lại thị trường đủ mạnh, đa số các cổ phiếu chỉ bùng lên 1 phiên rồi lại nhanh chóng điều chỉnh sau đó.
Theo tôi thị trường vẫn đang có biến động đi ngang quanh khu vực MA20 (600 điểm) để tích lũy trở lại sau sự kiện OGC. Các thông tin hỗ trợ cũng kịp thời được đưa ra như lãi suất hạ, phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu lãi suất 4,8%/1 năm, giá xăng giảm khá mạnh tạo hiệu ứng tâm lý khá tốt cho phiên cuối tuần.
Tuy nhiên, thị trường dường như vẫn đang chờ đợi một số tin tức chưa thuận lợi để đo lường khả năng có điều chỉnh về giá trước khi có những cú bứt phá về điểm số mạnh hơn mong đợi. Nhịp tăng giảm chậm trong khu vực 600 điểm vì thế vẫn đang được diễn ra.
Tôi vẫn tự tin cho rằng thị trường đang ở chân sóng lớn và đã tạo đáy thành công từ tuần trước nữa.
Diễn biến giao dịch tuần vừa qua cũng càng khẳng định rõ ràng hơn cho quan điểm này khi biến động của VN-Index điều chỉnh đi ngang ở quanh mốc 600 điểm, cao hơn vùng tạo đáy ở ngưỡng 575 - 580 điểm.
Cùng với các phiên điều chỉnh rung lắc quanh mốc 600 điểm với tín hiệu tạo nền tăng giá mạnh ở nhiều cổ phiếu - đầu cơ dẫn dắt (SSI, KBC), cổ phiếu cơ bản (BVH, TCM, DRC…) và cùng nhiều cổ phiếu khác thì thị trường đang đứng trước đợt tăng giá rất mạnh có thể kéo dài vài tháng từ tháng 11 cho đến tận đầu quý II/2015.
Hai phiên điều chỉnh không mạnh nếu nhìn số điểm đánh mất nhưng lại khá mạnh nếu nhìn vào lượng tiền rút ra. Điểm số giảm ít do vốn hóa lớn nhìn chung vẫn đứng giá, hệ quả của lực cầu khá ổn định của nhà đầu tư nước ngoài.
Lượng tiền rút ra mạnh nếu nhìn vào những cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản như SSI, KBC. Tôi nhận thấy các lệnh bán ở 2 mã này rất chủ động & lượng tiền rút ra có lẽ chưa quay lại nếu giá vẫn đứng ở mức hiện tại.
Tuần này xuất hiện những biến động rất mạnh như phiên ngày 5/11 và xuất hiện lực cầu tương đối mạnh. Đa số nhà đầu tư đánh giá sức cầu sẵn có trong thị trường là lớn. Quan điểm của anh chị về sức mạnh nội tại của dòng tiền sẵn sàng mua như thế nào?
Với 2 phiên điều chỉnh giữa tuần cụ thể là phiên 2 giảm điểm mạnh của ngày 5/11 thì khi chỉ số VN-Index giảm về 592 – 593 điểm là dường như có lực cầu mạnh đẩy vào đồng loạt ở nhiều mã cổ phiếu và kéo chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ vào cuối phiên này hôm đó.
Như vậy cho dù tin đồn hay áp lực điều chỉnh mạnh thế nào thì tín hiệu đến từ thị trường cho thấy nhà đầu tư đã sẵn sàng cho con sóng lớn và họ mua gom cổ phiếu ngay mỗi khi chỉ số VN-Index điều chỉnh sâu.
Từ góc độ phân tích kỹ thuật thì khi thị trường tạo đáy thành công ở ngưỡng 575 - 580 điểm sẽ điều chỉnh kỹ thuật (rung lắc ở ngưỡng 595 – 600 điểm) với thanh khoản khá. Khối lượng giao dịch đến từ khối nội sẽ lớn mạnh dần ở các phiên tuần tới khi dòng tiền đồng thuận mua cổ phiếu xuất hiện.
Chúng ta sẽ thấy có những phiên 2000 tỷ - 3000 tỷ VND/phiên/ 2 sàn từ những phiên giao dịch đầu tuần.
Tôi thấy rằng có rất ít mã cổ phiếu có tính thị trường cao (mức khớp lệnh trung bình trên 1 triệu đơn vị/phiên) có được 2 phiên tăng giá liên tiếp trong thời gian gần đây. Chỉ điều đó thôi đã cho thấy dòng tiền chưa đủ mạnh.
Theo tôi hiệu ứng tiền rẻ do lãi suất hạ vẫn tiếp tục được duy trì nhưng dư địa tăng mạnh của nhiều cổ phiếu trụ cột đã có mức P/E không còn hấp dẫn sẽ không mạnh mẽ như trước nữa.
Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa vào các cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ có kết quả kinh doanh dự kiến có sự đột biến vào cuối năm. Trong bối cảnh chung, nếu hiệu ứng vốn rẻ vẫn còn thì sức mạnh của lực cầu đỡ ở các mức giá thấp trong phiên là khá lớn.
Dòng tiền tiềm năng còn rất lớn. Thứ nhất là lượng tiền “rẻ” do lãi suất thấp sẽ di chuyển sang chứng khoán & bất động sản. Thứ hai, tôi thấy tỷ lệ vay của các nhà đầu tư vẫn kém xa so với các đỉnh tháng 9 và tháng 10. Tâm lý chung vẫn là thận trọng nên cầu tiềm năng vẫn rất dồi dào.
Trong bối cảnh xu hướng tăng trung hạn vẫn đang được xác nhận cùng với những tín hiệu hồi phục ngày một rõ ràng và bền vững hơn của nền kinh tế, từ góc độ các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô xuống đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thì việc luôn có những dòng tiền chờ đợi cơ hội gia nhập phần nào mang tính quy luật và có thể dự đoán trước.
Tôi cho rằng hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” mô tả rõ nhất tính quy luật này. Tất nhiên có những thời điểm mọi người lo ngại về các con số thống kê tổng lượng cho vay margin, chạm mức kỷ lục trong quá khứ, nhưng sau đó các kỷ lục này lại được thay thế bằng những kỷ lục mới.
Theo dự báo về chu kỳ hồi phục của thị trường, vẫn còn quá sớm để đặt ra các mốc giới hạn cho dòng tiên cũng như có thể định lượng được mức độ khuếch đại của nó.
Dòng thông tin về kết quả kinh doanh đến nay đã coi như hoàn thành và phản ứng của thị trường khá bình lặng. Có quan điểm cho rằng thị trường cần nhưng thông tin hỗ trợ tốt hơn mới có thể khởi động một xu thế tăng và quá trình tích lũy có thể kéo dài. Anh chị kỳ vọng gì vào thị trường lúc này?
Thị trường sẽ vận động theo ý nó, và tôi không kỳ vọng điều gì cụ thể mà thay vào đó là sự chờ đợi.
Để bắt đầu một chu kỳ mới, nhóm cổ phiếu dẫn dắt sẽ lên tiếng sau một thời gian tích lũy, và đó là cách mà tôi đã chờ đợi và tìm thấy cơ hội ở nhóm dầu khí (với PXS) ở chu kỳ trước.
Hiện tại chưa có một nhóm cổ phiếu lớn nào trên thị trường cho thấy được sự đồng pha và thể hiện được vai trò dẫn sóng, chỉ là lác đác xuất hiện những bứt phá cục bộ rồi thường nhanh chóng khựng lại chỉ sau 1-2 phiên giao dịch.
Tôi kỳ vọng vào 3 điểm:
Thứ nhất, vẫn là những chuyển biến về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong các quý tiếp theo. Tuy nhiên trong thời gian tới, tôi lưu ý nhiều hơn đến các doanh nghiệp hồi phục chậm hơn số đông, chưa được thị trường nhận diện và phản ánh đầy đủ. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ những định hướng tăng trưởng của nền kinh tế, biến động của giá hàng hóa nguyên vật liệu đầu ra đầu vào.
Thứ hai là những thông tin về kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIII đang diễn ra. Cụ thể hơn là khả năng cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây là cú huých cho thị trường bất động sảng cũng như các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba là một câu chuyện cũ nhưng đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, đó là khả năng chính thức mở room ngoại cho các công ty chứng khoán.
Tôi cho rằng sự ổn định các chỉ báo vĩ mô như lãi suất, lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng GDP quan trọng hơn kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vì đó là yếu tố đầu vào quyết định sự lên xuống của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.
Hiện tại, các yếu tố vĩ mô đang có xu hướng ủng hộ thị trường đi lên trong phạm vi 3-6 tháng và có thể duy trì ở mức điểm cao trong đơn vị tính bằng năm. Vì vậy, xu hướng chung của thị trường vẫn là di chuyển zích zắc đi lên với thanh khoản tăng dần.
Như tôi đã nói, tâm lý của nhà đầu tư đang thận trọng vì họ cảm nhận thấy chưa có một tín hiệu mua rõ ràng. Nhà đầu tư luôn muốn nghe những thông tin tốt để tự tin gọi điện cho môi giới và mua cổ phiếu. Nhưng thị trường thì luôn tăng trong nghi ngờ và lên đỉnh khi hầu hết người mua tự tin.
Thị trường luôn có lối đi riêng, không phụ thuộc vào ý muốn của nhà đầu tư. Cá nhân tôi kỳ vọng thanh khoản ổn định, vì tôi hiểu như vậy nghĩa là cơ hội mua đang hấp dẫn.
Tôi cho rằng thị trường vẫn đang có nhiều tin tức hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại của nhiều danh nghiệp tốt đang niêm yết. Thị trường lúc này sớm muộn gì cũng sẽ bật mạnh tăng điểm và lực cầu vào nhiều mã cổ phiếu tuần tới sẽ rất lớn. VN-Index sẽ quay lại với đích hướng tới là cứ điểm 640 điểm từ giờ đến cuối năm.
Những biến động giá khá mạnh trong tuần được đánh giá là đã tạo cơ hội mua tốt. Anh chị có thực hiện tăng tỷ trọng cổ phiếu? Mức phân bổ vốn hiện tại như thế nào?
Giống như quãng thời gian 1 tháng sau “đáy biển Đông”, tôi thấy rằng rủi ro thị trường hiện tại đã giảm bớt, nhưng điều đó là chưa đủ để tôi quay lại với thị trường.
Trên quan điểm không nhất thiết phải bám theo mọi biến động dù là nhỏ nhất trên thị trường, tôi vẫn tự cho phép dòng tiền của mình được nghỉ ngơi, duy trì tỷ trọng tiền trong tài khoản ở mức 100%.
Tỷ trọng cổ phiếu của nhà đầu tư trung và dài hạn nên ở mức 50% danh mục và không sử dụng đòn bẩy. Việc lướt sóng ngắn hạn vẫn nên duy trì ở mức độ thấp phân bổ danh mục là 20% cổ phiếu.
Tôi mua thêm ở vùng 595-597 điểm với mục tiêu lướt sóng. Cảm nhận của tôi là không nên mua ở vùng 600-605 vì tuần tới sẽ có giá hấp dẫn hơn.
Tổng giá trị cổ phiếu hiện tại khoảng 120% vốn đầu tư và dự định sẽ giảm xuống 60% trong phiên giao dịch tới. Tôi đang rất quan tâm đến bất động sản nên tâp trung toàn bộ vốn vào nhóm này.
Như chiến lược đã đề ra ở tuần trước đó, tôi đã thực hiện giải ngân thêm với tỷ trọng 25% cho phần danh mục ngắn hạn trong các nhịp chùng xuống của VN-Index, qua đó đưa tỷ trọng tổng danh mục lên mức 75% (bao gồm cả phần danh mục trung hạn nắm giữ 50%).
Phần danh mục ngắn hạn vừa tăng thêm sẽ vẫn được tôi thực hiện quay vòng linh hoạt cho đến khi thị trường cho tín hiệu xác nhận vượt các vùng đỉnh ngắn hạn theo hệ thống riêng của mình.
Tuần qua tôi lại tiếp tục giải ngân tiếp với chiến lược MUA MẠNH và đã sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh ở một số cổ phiếu chiến lược. Danh mục cổ phiếu/tiền mặt hiện nay của tôi đang là 150%/0%.