15:48 03/10/2022

Xuất hiện tình trạng sạt trượt taluy tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Song Hoàng

Theo cơ quan chức năng, thời điểm cuối tháng 8/2022, khi bão số 3 vào Quảng Ninh gây mưa nhiều, kéo dài đã khiến nước mưa tràn vào khe nứt, phá vỡ kết cấu, gây sạt trượt và hẫng chân tatuy.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã xuất hiện điểm sạt trượt taluy do mưa lớn
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã xuất hiện điểm sạt trượt taluy do mưa lớn

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tại vị trí từ Km108+150 đến Km108+350 (khoảng 200m) đã xuất hiện khối sạt trượt lớn, tách hẳn ra khỏi mái dốc tự nhiên, bề rộng cung trượt (độ dịch chuyển khối sạt trượt so với vị trí ban đầu) chỗ lớn nhất khoảng 15m, vách trượt sâu khoảng 5m, bên dưới là khối đá liền khối có góc nghiêng về phía mặt đường.

 Khối sạt trượt sau khi chuyển vị đã hình thành nhiều vết nứt tách khác nhau với độ rộng từ 3-5m, nguy cơ có thể rơi xuống lòng đường, lấp rãnh dọc và tràn mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện di chuyển trên cao tốc hướng Móng Cái - Vân Đồn. Hiện trên tuyến cao tốc trung bình mỗi ngày có trên 5.000 lượt phương tiện qua lại.

 Nguyên nhân là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thi công hoàn toàn mới, qua nhiều đồi núi. Trên tuyến có nhiều vị trí phải hạ đồi, mở tuyến, tạo ra những vách taluy cao, lại có những vị trí phải đắp nền rất cao, qua vực sâu…, trong khi địa chất khu vực phức tạp, biến đổi, xen kẹp đất đá phong hóa mạnh, nứt nẻ, cường độ kháng nền không đều… Thời điểm cuối tháng 8/2022, khi bão số 3 vào Quảng Ninh gây mưa nhiều, kéo dài đã khiến nước mưa tràn vào khe nứt, phá vỡ kết cấu, gây sạt trượt và hẫng chân tatuy.

 Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh cho hay, tình huống này ngay trong quá trình thiết kế, thi công dự án, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan liên quan đều đã nhận định ra nguy cơ để xử lý, phải thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng và hạ đồi.

Tuy nhiên, với quan điểm không làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực tuyến cao tốc đi qua, vì thế biện pháp thi công đã được áp dụng bằng việc gia cố mái taluy. Song do địa chất khu vực phức tạp, việc gia cố bằng phương pháp cắt tầng, sẻ mái taluy theo tiêu chuẩn và thiết kế đã không đảm bảo được sự ổn định, dẫn đến việc xuất hiện thêm vết nứt, nguy cơ sạt trượt cao.

 Đây là yếu tố khách quan, không phải do yếu tố kỹ thuật trong thi công, các giải pháp kỹ thuật trong thi công đường cao tốc đã được nhà thầu thực hiện khá chuẩn, theo đúng quy trình, đào hạ nền xong mới đến hạng mục xử lý mái taluy. 

Ngay khi có sự cố, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu thi công huy động máy móc, thiết bị nhanh chóng xử lý hót khối sạt trượt đã chuyển vị và thanh thải khối lượng đất đá tràn xuống nền đường; đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát địa hình, địa chất và đưa ra giải pháp thiết kế để xử lý kiên cố hóa, đảm bảo ổn định công trình.

 Đến thời điểm này, đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn thành thiết kế xử lý tại vị trí sạt trượt, đang xin ý kiến Hội đồng nghiệm thu nhà nước, UBND tỉnh để tiến hành xử lý, khắc phục trong thời gian sớm nhất có thể.

 Để đảm bảo giao thông thông suốt trong quá trình xử lý sự cố, chủ đầu tư tạm dừng khai thác 200m làn đường trái tuyến hướng Móng Cái - Vân Đồn (đoạn bị sạt lở taluy) và phân luồng giao thông cho dòng xe hướng Móng Cái - Vân Đồn đi sang bên phải tuyến (tổ chức giao thông 2 chiều) thông qua 2 điểm mở dải phân cách giữa.
 
Việc cảnh báo, tổ chức giao thông tạm thời tại vị trí thi công được triển khai gồm: Biển báo, sơn kẻ đường, đèn tín hiệu giao thông di động. Hệ thống rào chắn được dán phản quang, đèn chớp báo hiệu vào ban đêm, đảm bảo cảnh báo cho các phương tiện lưu thông khi đi qua vị trí đang thi công và bố trí nhân viên tuần đường, nhân viên đảm bảo giao thông thường trực để báo hiệu cho phương tiện giảm tốc độ khi lưu thông qua…