Xuất khẩu gạo: Câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia
Câu chuyện về gạo lúc này lớn hơn một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần. Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế…
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết tính đến cuối tuần vừa qua, các loại gạo xuất khẩu phổ biến của Việt Nam đang có mức giá cao nhất trên thị trường quốc tế. Nhu cầu nhập khẩu gạo hiện vẫn đang ở mức rất cao mặc dù giá gạo hiện ở mức cao kỷ lục kể từ đợt sốt giá gạo lịch sử hồi năm 2008.
Trong tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 660.738 tấn gạo, kim ngạch 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
KHÔNG CHỈ LÀ KINH DOANH GẠO
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định gạo là mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống cơ bản của người dân, gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế.
Trên thế giới, số lượng quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình và còn xuất khẩu được như Việt Nam là không nhiều. Những quốc gia này, không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực của đời sống người dân nước mình, mà còn giữ vai trò, trọng trách lớn hơn, ý nghĩa hơn đối với thị trường gạo toàn cầu.
Chính vì vậy, đầu những năm 2000, khối ASEAN+3 từng nhất trí lập ra một cơ chế dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3 (APTERR) để cứu trợ lương thực một cách nhanh chóng cho các nước thành viên bị thiên tai tàn phá nặng nề.
Mới đây nhất, tại Hội nghị ASEAN hồi tháng 7, Indonesia tiếp tục đề xuất cho rằng cần đưa ra những cam kết mới nhằm tăng cường cơ chế này. Song, cơ chế này dường như chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa thể hiện được vai trò rõ ràng.
Do đó, theo ông Thành, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung như hiện tại, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta cần nhìn nhận đây không còn chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, vấn đề kinh doanh có lãi của thương lái hay điều hành đảm bảo an ninh lương thực của cơ quan quản lý nhà nước. Mà câu chuyện về gạo lúc này lớn hơn một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, thậm chí còn lớn hơn việc đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia.
Chính vì vậy theo ông Thành, Bộ Công Thương đang nỗ lực hài hòa lợi ích các bên, một mặt đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu gạo Việt là hướng đi đúng, hợp lý.
XUẤT KHẨU CẦN TÍNH ĐẾN ĐƯỜNG DÀI
Trước việc giá gạo đang tăng mạnh, ông Thành cho rằng tình hình những ngày tới rất khó dự báo. Tuy nhiên, đối với cung ứng nội địa, việc đảm bảo an ninh lương thực cần hiểu đúng theo hai nghĩa: Đảm bảo có đủ và đảm bảo tiếp cận được.
Đảm bảo có đủ, tức phải đảm bảo nguồn cung cho người dân, dự trữ ổn định. Việc đảm bảo nguồn cung cần tính toán kĩ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường, xét đến bối cảnh khó đoán định thời gian tới.
Đảm bảo tiếp cận được, tức người dân phải mua được với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc Bộ Công Thương có công văn khẩn đến các đơn vị, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước mới đây được cho là một phản ứng chính sách nhanh nhạy trong điều hành.
Việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, các kho để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lúc này là hết sức cần thiết.
Đối với doanh nghiệp, vấn đề của thị trường gạo hiện nay là vấn đề thời điểm. Thời điểm đàm phán, thời điểm ký kết hợp đồng, thời điểm thu mua từ người nông dân…
Để giải quyết bài toán đảm bảo hợp đồng mà các doanh nghiệp đang đối diện, theo ông Thành, cần tăng cường tính linh hoạt trong kí kết các hợp đồng, tránh để xảy ra tranh chấp, đánh mất uy tín trên thị trường.
“Người nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu cần tính đến đường dài, đảm bảo thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường trong tương lai thông qua nắm chắc mối liên kết dài hạn với các đối tác”, ông Thành lưu ý.
Trước những biến động khó đoán định cả thị trường ngoài và trong nước, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh phải bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Để làm được điều này cần sự hợp tác giữa các bộ, ngành; giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội; giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành.
Đồng thời, khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.