10:08 22/09/2009

Xuất khẩu gạo khó ổn định, vì sao?

Nguyễn Huyền

Người nông dân luôn cảm thấy bất an vì sự bất ổn của giá lúa trên thị trường, nguyên nhân nằm ở đâu?

"Giá lúa gạo có sự biến động vì nó phản ảnh thực chất của thị trường như bao mặt hàng khác.
"Giá lúa gạo có sự biến động vì nó phản ảnh thực chất của thị trường như bao mặt hàng khác.
Từ khi Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo, giá lúa trong nước đã cải thiện rất nhiều, từ đó kích thích nông dân mở rộng diện tích sản xuất, gia tăng năng suất lúa qua từng năm, giúp cho hàng triệu hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo.

Tuy nhiên người nông dân vẫn luôn cảm thấy bất an vì sự bất ổn của giá lúa trên thị trường.

Cho rằng sẽ rất khó có sự ổn định trong xuất khẩu gạo,  ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc  Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ đã lý giải nguyên nhân của sự bất ổn này.

Thưa ông, vì sao đã nhiều năm tham gia thị trường gạo thế giới, đến nay xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn bấp bênh và nông dân vẫn là người chịu thiệt trước những biến động của thị trường?

Sẽ rất khó có sự ổn định trong xuất khẩu gạo vì trong nền kinh tế có tính chu kỳ, gọi là chu kỳ kinh doanh và những biến động thất thường, không có ngành xuất khẩu nào gọi là ổn định. Sở dĩ chúng ta quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp, vì sự lên xuống của thị trường này tác động rất lớn đến thu nhập của nông dân, mà hầu hết nông dân thì không có “lực”, thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa, khi giá lúa biến động theo chiều bất lợi thì đời sống của họ bị ảnh hưởng nặng. Dù có một số nông dân đã thoát ra khỏi ngưỡng nghèo nhưng khi xuất khẩu gạo không được, giá lúa xuống thấp hoặc mất mùa họ dễ dàng tái nghèo.

Tham gia thị trường xuất khẩu, chúng ta phải chấp nhận “cuộc chơi” theo qui luật. Nếu nói xuất khẩu gạo bấp bênh rồi tìm kiếm sự ổn định thì không đúng, nên quan niệm xuất khẩu gạo ổn định là làm sao giá cả thị trường trong nước ít bị biến động.

Hiện có một số ý kiến cho rằng Chính phủ cần trợ giá lúa cho nông dân. Nếu làm như vậy rất là nguy, nông dân mình nổi tiếng là có sức cạnh tranh, nhờ đó họ mới theo được thời cuộc thị trường thế giới. Chính phủ muốn giảm bớt khó khăn cho nông dân thì nên làm đường, xây cầu... phát triển thương mại, dịch vụ ở nông thôn, giúp nông dân mua hàng hóa với giá thấp, khi bán sản phẩm lại được giá cao.

Trợ giá, giúp giá lúa tăng và khiến cho hàng loạt mặt hàng khác tăng theo, nông dân cũng không hưởng lợi. Giá lúa gạo có sự biến động vì nó phản ảnh thực chất của thị trường như bao nhiêu mặt hàng khác. Một khi người nông dân đã quen việc giá cả lên xuống thì họ  sẽ có tư duy phản ứng để điều chỉnh hành vi.

Chúng ta phải có cái nhìn đầy đủ và xuất phát điểm phải từ sự phát triển của nền kinh tế, chứ không phải từ sự bảo hộ nông dân. Nếu bảo hộ nông nghiệp, nông dân trong ngắn hạn thì đúng, nhưng trong dài hạn vô hình trung ràng buộc nông dân, từ thế hệ này sang thế hệ khác ở mãi trong nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho áp dụng giá sàn 3.800 đồng/kg thóc khi mua của nông dân, theo ông điều này có tác dụng như thế nào?

Chúng ta đã thu lợi từ nông nghiệp rất nhiều nhưng đầu tư vào thì ít. Năm 2000 tỷ lệ đầu tư trong nông nghiệp khoảng 11%-12% trong tổng đầu tư, đến 2005 giảm xuống còn 6%-7% và con số tuyệt đối cũng giảm, vì vậy nên đời sống nông dân còn khó và phương thức canh tác của họ không theo kịp những thay đổi nhu cầu trong nước. Do vậy sản phẩm của họ khó bán, nếu có khả năng về ngân sách, Chính phủ nên giúp ổn định cho nông dân trong chừng mực khó khăn hiện nay, tuy nhiên về lâu về dài đây không phải là giải pháp tốt.

Theo cam kết khi gia nhập WTO, đến năm 2011 Việt Nam sẽ mở cửa thị trường lúa gạo, trước sự kiện này các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước nên chuẩn bị gì, thưa ông?

Về vĩ mô, Chính phủ sẽ có một số biện pháp để ngăn chặn, vì bất cứ quốc gia nào cũng có rào chắn để giảm bớt những tổn thương của nền kinh tế trong nước.

Còn về phía doanh nghiệp thì theo nhận định của tôi, các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các công ty quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu  lúa gạo có tính bảo thủ cực kỳ cao.

Đối với kinh tế lúa gạo, khi có công ty nước ngoài vào với liều lượng vừa phải sẽ giúp ích cho nông dân, họ sẽ mang đến những kỹ thuật mới trong quản lý và như vậy họ sẽ mua lúa với giá vừa phải và bán tốt hơn. Chính sách lúa gạo của các quốc gia luôn gắn với nền tảng chính trị, kể cả quốc gia có nền kinh tế thị trường cũng không tự do hóa kinh tế lúa gạo. Do vậy, lộ trình tự do đối với lương thực cũng không cao và khi các công ty nước ngoài vào với mức độ vừa phải sẽ làm cho kênh thu mua lúa gạo linh hoạt hơn hiện nay.

Việc giải quyết sự khủng hoảng lương thực vừa qua, nhiều người cho rằng nhờ có hệ thống công ty lương thực quốc gia mới giàn xếp ổn thỏa, tôi lại nghĩ nguyên nhân nằm ở hệ thống đó. Do vậy, khi thị trường lương thực được cạnh tranh “hơn chút nữa”, không có các “ông độc quyền” thì có khi nông dân lại dễ thở hơn.