09:22 23/07/2009

Tăng liên kết trong xuất khẩu gạo

Hưng Văn

Cần hình thành các hiệp hội nông dân sản xuất lương thực hoặc hiệp hội các nhà sản xuất lúa gạo ở mỗi vùng, địa bàn

Dung tích kho bảo quản tập trung thóc trong cả nước mới đạt 1,9 triệu tấn.
Dung tích kho bảo quản tập trung thóc trong cả nước mới đạt 1,9 triệu tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận rằng trong năm 2009 có thể xuất khẩu ít nhất là 5,5 triệu tấn gạo, nhưng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho rằng cần xuất khoảng 6 triệu tấn để có thể tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào trong điều hành xuất khẩu gạo để cả doanh nghiệp doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi.

Mặc dù tính đến hết tháng 6, các doanh nghiệp xuất khẩu được 3,65 triệu tấn gạo (bình quân hơn 600.000 tấn/tháng), nhưng theo VFA, qua 17 ngày đầu tháng 7, mặc dù lúa hè thu đang thu hoạch rộ, nguồn cung dồi dào, hợp đồng đã ký đạt hơn 5 triệu tấn nhưng các doanh nghiệp chỉ giao thêm được 210.035 tấn, thu về 83,290 triệu USD.

Lượng gạo kinh doanh trong kho còn khoảng 1 triệu tấn, nếu phải tiêu thụ thêm 2 triệu tấn gạo hàng hóa của vụ hè thu giúp người trồng lúa có lãi hơn 30-40% như chủ trương của Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh thì ngay từ lúc này rất nhiều việc từ cơ chế xuất khẩu, thị trường, vốn đến kho bãi, cơ cấu mùa vụ, giống lúa... cần được tính toán để cả nông dân và doanh nghiệp đều có lãi.

Doanh nghiệp nỗ lực tiêu thụ

Sau khi có chỉ thị của Chính phủ, các doanh nghiệp đều tăng sức mua nguồn gạo của dân thông qua các nhà máy xay xát nhỏ và đẩy mạnh giao hàng theo hợp đồng đã ký. Giá gạo từ nguồn cung ứng tăng lên khiến hầu hết các doanh nghiệp có nguy cơ lỗ.

Ngày 13/7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khi giao hàng, loại 5% tấm là 7.050 đồng/kg (tương đương 0,40 USD), loại 25% tấm là 5.900 đồng, tăng hơn tuần trước đó là 100 và 150 đồng/kg. Nhưng giá thị trường gạo nguyên liệu bên ngoài đã lập tức tăng hơn 200 đồng/kg. Như vậy nhà xuất khẩu có thể bị lỗ. Do lượng lúa IR 50404 vẫn chiếm tỷ lệ 18,2%, cao hơn mức chỉ đạo 3,2% nên vượt trội khoảng 245.760 tấn.

Nhiều doanh nghiệp cung ứng và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục kiến nghị VFA không nên chỉ xuất khẩu loại gạo cao cấp và 5% tấm mà phải đa dạng chủng loại để tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa của vụ hè thu. Được thời cơ, lúa IR 50404 mới thu hoạch của vụ hè thu cũng đã lên tới 4.200-4.300 đồng/kg, cao hơn 500 đồng so với cách nay một tháng.

Trong khi đó, có thực tế là nông dân vẫn thích gieo trồng loại giống IR 50404? ( ở Đồng Tháp, tỷ lệ gieo sạ giống này trong vụ hè thu 2009 là 30%). Câu trả lời có lẽ trước hết là do năng suất cao, lúa 50404 hiện đạt năng suất đến 5,5 tấn/ha (trong vụ đông xuân đạt hơn 7 tấn/ha) trong khi bình quân cả vụ hè thu chỉ khoảng 4,2 tấn, cao nhất 4,8 tấn.

Vì lẽ đó, có không ít công ty xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị nên đa dạng hóa chủng loại gạo, không nên chỉ chú trọng đến loại cao cấp, 5% tấm. Có thể pha trộn gạo từ giống IR 50404 để làm ra loại 25%, 15% tấm.

Về chiến lược an ninh lương thực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phác thảo diện tích canh tác lúa cả nước duy trì đến 2010 là 4 triệu ha, năm 2015 là 3,8 triệu ha, từ năm 2020 giữ ổn định lâu dài 3,6 triệu ha, trong đó đất chuyên lúa nước 3,1 triệu ha. Diện tích gieo trồng các mùa vụ tương ứng các mốc là 7,1 triệu ha, 6,9 triệu ha, 6,8 triệu ha và 6,6 triệu ha.

Để bảo đảm được an ninh lương thực và lợi ích từ xuất khẩu gạo thì năng suất lúa từng năm phải tăng lên, từ 2010 bình quân đạt 51,4 tạ/ha, năm 2020 là 58,5 tạ/ha/năm... Như vậy phải làm ra cả lúa chất lượng cao để xuất khẩu và loại lúa thường nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Liên kết với nhà xuất khẩu

Sở dĩ nguồn, giá cả lúa gạo cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu luôn bị biến động là do dung tích kho bảo quản tập trung thóc trong cả nước mới đạt 1,9 triệu tấn, riêng 5 hệ thống xilô của doanh nghiệp Nhà nước mới chỉ có 95.000 tấn. Phần lớn các kho lương thực hiện tại đều trong tình trạng xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu lưu giữ lâu dài. Nhiều nhà kho lại ở vị trí bất lợi, không gần nơi sản xuất, không gần cảng sông, cảng biển để thuận tiện cho vận chuyển xuất khẩu...

Đầu năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị tăng diện tích kho tạm trữ lúa gạo thêm 2,5 triệu tấn. Có kho bãi thì nguồn vốn và quản lý vận chuyển, hệ thống xay xát phải đồng bộ. Nếu chỉ giao hai tổng công ty lương thực thực hiện thì việc triển khai sẽ rất chậm. Nên chăng có chính sách đầu tư vốn ưu đãi và công nghệ để các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ sản xuất có năng lực xây dựng thêm nhiều kho chứa, bảo quản ngay tại vùng sản xuất. Hệ thống này sẽ kéo theo sự đầu tư đồng bộ cho dây chuyền cơ giới hóa thu hoạch và sau thu hoạch.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề xuất cho các địa phương thuộc vùng quy hoạch chuyên sản xuất lúa gạo phải được tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, đời sống. Luật Ngân sách Nhà nước nên được sửa đổi theo hướng không thực hiện khoán thu, khoán chi với các địa phương này. Người nông dân ở đó sẽ được hỗ trợ theo diện tích gieo trồng hàng vụ để mua giống, phân bón...

Để phát triển các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm mục tiêu vừa cung ứng cho xuất khẩu vừa bảo đảm an ninh lương thực, nhiều ý kiến cho rằng cần hình thành các hiệp hội nông dân sản xuất lương thực hoặc hiệp hội các nhà sản xuất lúa gạo ở mỗi vùng, địa bàn. Chính hiệp hội này sẽ cùng VFA xây dựng giá sàn và bảo đảm tiêu thụ hết lượng thóc hàng hóa sản xuất ra.