Xuất khẩu hạt điều lượng tăng, kim ngạch giảm
Sau 30 năm tham gia xuất khẩu, ngành điều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đe dọa tới sự phát triển bền vững của ngành này
Năm 2018, xuất khẩu điều kết thúc không khả quan, ước lượng xuất khẩu đạt 371.266 tấn, kim ngạch đạt 3,35 tỷ USD, tăng 6,07% về lượng nhưng giảm 4,3% về kim ngạch, do giá xuất khẩu giảm.
Nửa đầu tháng 12/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 8.109 USD/tấn, tăng 2% so với 15 ngày đầu tháng 11, nhưng vẫn giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt 9.061 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2017.
Sụt giảm 2 trong 3 thị trường chính
Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, nhưng chỉ có thị trường Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng cả về lượng và giá trị, 2 thị trường còn lại Hà Lan và Trung Quốc lại trên đà sụt giảm.
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm nay hạt điều Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều nhất, chiếm gần 37,5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, với 123.565 tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 1,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017.
Kế đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 44.810 tấn, kim ngạch 392,65 triệu USD, tăng 5,3% về lượng nhưng giảm 5,3% về kim ngạch. Thị trường lớn thứ 3 là Hà Lan chiếm 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 39.586 tấn, kim ngạch 377,48 triệu USD, giảm 19,3% về lượng và giảm 24,5% về kim ngạch.
Ngoài 3 thị trường trên, Anh là thị trường đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng, với lượng xuất khẩu chiếm 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 13.584 tấn, tương đương 119,29 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 15,7% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Giá điều xuất khẩu sụt giảm đã ảnh hưởng đến thị trường điều thô trong nước. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hoạt động mua điều thô trong nước cũng trầm lắng do giá điều nhân sụt giảm khiến các nhà máy không còn động lực mua nguyên liệu đầu vào sản xuất, trừ một số nhà máy thiếu nguyên liệu và có nhu cầu, do đã ký được hợp đồng xuất khẩu nhân lúc giá nhân lên cao vào tháng 11 (với giá chào bán ở mức 1.400 - 1.500 USD/tấn).
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là gần như 100% nhà máy sẽ vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Và thực tế hiện nay nhiều lò tách vỏ điều thô đã nghỉ sản xuất, nhu cầu nguyên liệu không còn cao nên khó có biến động đột phá đi lên của giá điều thô trong nước từ nay cho đến sau Tết Âm lịch, cũng như thời gian tiếp theo của vụ thu hoạch 2019 tại Việt Nam, Campuchia.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Mỹ và các nước châu Âu đang nghỉ Noel và Tết Dương lịch nên giao dịch diễn ra chậm hơn. Các hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019 đã được thực hiện ở khâu sản xuất, do đó, nhu cầu điều dự kiến sẽ yếu trong thời gian tới.
Dự báo, giá điều nhân sẽ tiếp tục trầm lắng cho đến tháng 3 - 4/2019 khi các nhà rang chiên bắt đầu hợp đồng mua hàng cho năm 2019.
Ba thách thức lớn của ngành điều
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, nhưng do sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 20 đến 25% nguồn nguyên liệu chế biến, nên ngành điều Việt Nam chủ yếu "sống" dựa vào nguồn điều thô nhập khẩu từ các nước, ngày càng phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia Tây Phi và Campuchia.
Sự lệ thuộc này đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến mỗi khi nguồn cung điều thô thế giới biến động giảm và là một thách thức lớn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều của cả nước.
Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu đến 1,275 triệu tấn điều thô để phục vụ chế biến, trị giá 2,533 tỷ USD. Năm 2018, lượng điều thô nhập khẩu ước đạt 1,181 triệu tấn, trị giá 2,31 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 7,36% về lượng và giảm 8,56% về giá trị.
Bên cạnh thiếu nguyên liệu ngành điều còn thiếu cả công nghệ chế biến, cho dù cả nước có hơn 300 doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu điều nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có kim ngạch dưới 5 triệu USD/năm.
Thiếu vốn nên phần lớn doanh nghiệp chưa đầu tư được dây chuyền công nghệ chế biến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, phải dừng ở mức sơ chế, gia công thô, dẫn đến hàng hóa không có thương hiệu, thiếu sức cạnh tranh. Trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điều vào các nước phát triển, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngành điều Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển vì nhu cầu của người tiêu dùng đối với hạt điều ngày càng tăng.
Tuy nhiên, ngành điều đang đối mặt với ba thách thức lớn, đó là nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường. Để ngành điều phát triển bền vững trước hết phải dồn toàn lực cho sản xuất nguyên liệu. Đây là nút thắt lớn nhất của ngành điều và muốn làm được phải có sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương cho đến địa phương.