11:24 28/05/2025

Xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ tăng vọt 76%, gấp ba lần Trung Quốc

Bạch Dương

Lượng iPhone xuất khẩu từ Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 4/2025 đã tăng tới 76% so với cùng kỳ năm 2024, theo ước tính từ công ty phân tích thị trường Canalys...

Ngay từ trong tháng 3/2025, Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt Trung Quốc về số lượng iPhone xuất khẩu sang Mỹ
Ngay từ trong tháng 3/2025, Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt Trung Quốc về số lượng iPhone xuất khẩu sang Mỹ

Dấu mốc tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh Apple tăng tốc chiến lược “sản xuất tại Ấn Độ”, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và ứng phó linh hoạt với chính sách thương mại ngày càng biến động từ Mỹ. 

XUẤT KHẨU IPHONE TỪ ẤN ĐỘ CAO HƠN 3 LẦN TỪ "CỨ ĐIỂM TRUYỀN THỐNG" TRUNG QUỐC 

Dữ liệu cho thấy khoảng 3 triệu chiếc iPhone xuất xứ từ Ấn Độ đã cập bến thị trường Mỹ trong tháng 4/2025, vượt xa con số 900.000 thiết bị từ Trung Quốc, nơi vốn là “cứ điểm” sản xuất truyền thống của Apple, ghi nhận mức tăng tới 76% so với cùng kỳ năm 2024.

Le Xuan Chiew, Giám đốc nghiên cứu tại Omdia, nhận định: “Số liệu tháng 4/2025 là minh chứng rõ rệt cho nỗ lực của Apple trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng để thích ứng với làn sóng thuế quan mới từ Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược dài hơi mà Apple đã khởi động từ đại dịch Covid-19”. 

Thực tế, ngay từ trong tháng 3/2025, Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt Trung Quốc về số lượng iPhone xuất khẩu sang Mỹ. 

Đáng chú ý, đợt tăng đột biến này diễn ra ngay trước thời điểm Tổng thống Donald Trump tái khởi động chính sách “thuế quan đối ứng” vào ngày 2/4/2025, mà theo Omdia, nhiều khả năng Apple đã chủ động đẩy mạnh dự trữ để đón đầu chính sách.

Dù đến ngày 11/4/2025, chính quyền ông Trump quyết định miễn trừ thuế quan đối với iPhone và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác, dòng chảy xuất khẩu từ Ấn Độ vẫn không hề chững lại. CEO Apple Tim Cook vào đầu tháng 5/2025 tiếp tục nhấn mạnh rằng phần lớn iPhone bán ra tại thị trường Mỹ trong tương lai sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.

iPhone nhập khẩu từ Trung Quốc hiện tại vẫn phải đối mặt với mức thuế bổ sung 30%, trong khi mức thuế cơ bản hiện là 10% đối với hầu hết các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đà tăng trưởng sản xuất tại Ấn Độ của Apple có thể sẽ sớm chững lại trong thời gian tới. 

APPLE ĐỐI MẶT VỚI THÁCH THỨC TỪ CẢ PHÍA MỸ VÀ TRUNG QUỐC 

“Năng lực sản xuất hiện tại của Ấn Độ chưa thể mở rộng đủ nhanh để đáp ứng toàn bộ nhu cầu từ thị trường Mỹ. Còn quá sớm để nói về một sự thay thế hoàn toàn”, ông Chiew cho biết. Ông cũng lưu ý rằng Apple chỉ mới bắt đầu xuất xưởng những mẫu iPhone 16 Pro, dòng sản phẩm cao cấp nhất, từ các nhà máy tại Ấn Độ.

Xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ tăng vọt 76%, gấp ba lần Trung Quốc  - Ảnh 1

Theo ước tính của Omdia, thị trường Mỹ tiêu thụ khoảng 20 triệu chiếc iPhone mỗi quý. Với tốc độ hiện nay, phải đến năm 2026, Ấn Độ mới có thể đạt được công suất đáp ứng con số đó.

Trong khi đó, ông Daniel Newman, CEO và nhà phân tích trưởng của Futurum Group, cho rằng các số liệu về lô hàng hiện nay chủ yếu phản ánh khâu lắp ráp cuối cùng, chứ chưa thể hiện đầy đủ toàn bộ chuỗi cung ứng.

“Việc chuyển dần dây chuyền lắp ráp từ Trung Quốc sang Ấn Độ là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn là bước khởi đầu. Phần lớn các linh kiện, đặc biệt là bo mạch chủ, vẫn đang được sản xuất tại Trung Quốc”, ông  Daniel Newman nhận định.

Theo các chuyên gia, nếu Apple thực sự muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, việc xây dựng một hệ sinh thái sản xuất đầy đủ, từ linh kiện đến lắp ráp, tại Ấn Độ sẽ là thử thách lớn trong nhiều năm tới.

Giới phân tích nhận định, nỗ lực mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ của Apple đang vấp phải những rào cản không nhỏ từ cả Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác lớn nhưng cũng là hai lực kéo trái chiều trong chiến lược toàn cầu của công ty. 

Theo ông Daniel Newman, Giám đốc điều hành và nhà phân tích chính tại Futurum Group,  dù việc dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ là lựa chọn hợp lý, nhưng Apple đang chưa đi đúng hướng mục tiêu "tăng nội địa hóa" mà chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump theo đuổi.

Mới đây, ông Trump tiếp tục gia tăng áp lực khi tuyên bố trên mạng xã hội rằng ông sẽ áp thuế 25% với tất cả lô hàng iPhone nhập khẩu, đồng thời nhấn mạnh mong muốn những chiếc iPhone bán tại Mỹ phải được “sản xuất ngay trong nước, không phải ở Ấn Độ hay bất cứ nơi nào khác”.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng không đứng yên. Ông Newman cho biết Bắc Kinh được cho là đang sử dụng Apple như một quân bài trong các đòn bẩy thương mại. Một số nguồn tin từ các kênh bán lẻ và truyền thông tại Ấn Độ cho biết Trung Quốc đang siết chặt việc tiếp cận của Ấn Độ với máy móc công nghệ cao và nhân lực kỹ thuật – những yếu tố then chốt cho các nhà cung cấp của Apple đang đặt chân tới quốc gia Nam Á này.

Ông Dan Ives, Trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ toàn cầu tại Wedbush Securities, nhận định rằng kế hoạch mở rộng của Apple tại Ấn Độ sẽ không tránh khỏi các thách thức về hậu cần, phân phối và điều phối chuỗi cung ứng nội địa vốn còn manh mún. Tuy nhiên, ông cho rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục là “phao cứu sinh” của Apple trong bối cảnh địa chính trị và chính sách thuế quan ngày càng khó lường.

“Việc sản xuất iPhone hoàn toàn tại Mỹ, theo chúng tôi, chỉ là một câu chuyện viễn tưởng. Apple sẽ vẫn kiên định với lộ trình tại Ấn Độ. Tim Cook có thể đàm phán với ông Trump, nhưng chiến lược trung tâm sẽ không thay đổi”, ông Ives khẳng định.