Xuất khẩu lao động 9 tháng vượt mục tiêu cả năm 2023
9 tháng qua, Việt Nam đã đưa được hơn 111.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt mục tiêu đưa 110.000 lao động đi xuất khẩu của cả năm 2023. Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu về việc tiếp nhận lao động Việt Nam...
Ngày 5/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng qua đã vượt kế hoạch của cả năm 2023.
LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI KHÔNG NGỪNG TĂNG
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (38.816 lao động nữ), đạt 101,37% kế hoạch năm 2023, (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động).
Số lao động đưa đi làm việc qua 9 tháng năm nay bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động).
Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 55.690 lao động (23.758 lao động nữ), riêng trong tháng 9 là 8.475 lao động (3.831 lao động nữ). Trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam cũng là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này.
Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản). Dự kiến hết năm 2023, số thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 75.000- 80.000 lao động (vượt con số 68.000 lao động của năm 2022).
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, mặc dù số lượng không ngừng tăng, nhưng người lao động Việt Nam đang có tâm lý e ngại do đồng Yên Nhật thời gian qua bị mất giá đáng kể khiến cho thu nhập thực tế của lao động tại Nhật Bản giảm nhiều. Từ đó, dẫn đến người lao động băn khoăn khi lựa chọn làm việc tại thị trường Nhật Bản hay thị trường lao động khác.
Bên cạnh Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, với số lao động tiếp nhận luôn đứng thứ hai. 9 tháng qua, đã có 46.166 lao động Việt Nam (13.733 lao động nữ) đi làm việc tại thị trường này, chỉ tính riêng trong tháng 9, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận 4.512 lao động (1.391 lao động nữ).
Ngoài ra là các thị trường khác như Hàn Quốc 2.449 lao động (100 lao động nữ), Trung Quốc 1.361 lao động nam (2 lao động nữ), Hungary 1.148 lao động (551 lao động nữ), Singapore 1015 lao động nam, Romani 705 lao động (84 lao động nữ), Ba Lan 651 lao động (124 lao động nữ), Ả rập xê út 205 lao động (145 lao động nữ) và các thị trường khác.
ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG MỚI
Trong năm 2023, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục xúc tiến mở rộng thêm các thị trường mới, có thu nhập tốt, việc làm ổn định, đặc biệt tại các nước châu Âu, để tăng cơ hội cho nhiều người đi làm việc ở nước ngoài.
Với thị trường Đức, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những đối tác truyền thống và chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Trong những năm gần đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Cơ quan Lao động Liên bang Đức đã triển khai hợp tác tuyển chọn, đào tạo đưa người lao động Việt Nam đi học tập và làm việc trong ngành y tá, điều dưỡng tại nước này.
Tính đến nay, đã có khoảng trên dưới 1.000 y tá, điều dưỡng sang làm việc tại Đức thông qua các khóa đào tạo hợp tác giữa hai bên, hầu hết những y tá, điều dưỡng đều đang làm việc trong môi trường, điều kiện rất tốt và hưởng mức thu nhập cao.
Thời gian qua, Bộ cũng đã làm việc với một số Bang của Đức bàn bạc về nội dung thúc đẩy hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này ngoài các ngành y tá, điều dưỡng thì có thể mở rộng ra một số ngành nghề mới, qua đó có thể nâng mức số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức.
Đối với thị trường Hy Lạp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Christos Giannakakis, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp cho biết, hiện Hy Lạp thiếu hụt nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực (60.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến; 50.000 lao động trong lĩnh vực xây dựng và 50.000 lao động trong lĩnh vực du lịch). Do đó, phía Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp đang mở rộng tìm kiếm những thị trường lao động mới như Việt Nam với nguồn lao động chất lượng cao, an toàn và người lao động chăm chỉ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, với thị trường Hy Lạp, hiện cơ quan chức năng hai bên đang tích cực thúc đẩy trao đổi, đàm phán để ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động. Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để đưa sang làm việc tại quốc gia này trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch nông sản và chế biến nông sản).
Một thị trường mới khác hiện cũng có số lao động Việt Nam đi làm việc tăng trưởng tốt là Hungary. Năm 2022, thị trường này mới đưa được 775 người thì trong 9 tháng năm nay đã đưa dược hơn 1.000 lao động.
Song song với việc thúc đẩy mở rộng thị trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng tăng cường các biện pháp ổn định thị trường lao động truyền thống; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn, đào tạo của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lựcc.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được tăng cường, nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.