Lao động Việt Nam sang Nhật Bản vẫn phải chịu mức phí cao?
Là quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 nước tham gia phái cử lao động tại Nhật Bản, song lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này vẫn phải chịu mức phí khá cao. Với chế độ thực tập kỹ năng, thực tập sinh chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp, đời sống chưa đảm bảo...
Những thông tin trên đã được chia sẻ tại Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, sáng 25/8.
NHIỀU CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, cho biết hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức được bắt đầu kể từ năm 1992, thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. “Kết quả hợp tác về lao động ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp của cả hai nước”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Tính đến tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là khoảng 345.000 người. Việt Nam hiện là quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động tại Nhật Bản.
Thông tin cụ thể hơn về tình hình phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết thời gian qua, nhiều chương trình, dự án như Chương trình Thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA).., đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả.
“Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một kết quả rất tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây”, ông Hương thông tin.
Ngoài các chương trình hợp tác giữa Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ với chính quyền một số địa phương của Nhật Bản như: tỉnh Kanagawa, Ibaraki, Gunma, Chiba, Miyagi, Wakayama..., để thúc đẩy việc đưa thực tập sinh, lao động Việt Nam đến các tỉnh đó trong các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể mà địa phương có thế mạnh, nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động và người lao động Việt Nam mong muốn đến làm việc.
ĐẢM BẢO CHẾ ĐỘ AN SINH, PHÚC LỢI TỐT HƠN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Mặc dù vậy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, việc phái cử, tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế.
Trước hết là chế độ thực tập kỹ năng bắt đầu từ năm 1992 đến nay đã bộc lộ một số bất cập, như thực tập sinh chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động Nhật Bản. Nhiều trường hợp điều kiện lao động không được đảm bảo, thu nhập chưa cao, thực tập sinh không được chuyển nơi làm việc dù công việc không phù hợp, chủ sử dụng đối xử không tốt...
“Hiện nay, các cơ quan liên quan của Nhật Bản đang xem xét sửa đổi Chương trình thực tập kỹ năng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến để phía Nhật Bản tham khảo trong quá trình sửa đổi chính sách”, ông Hương nói.
Bên cạnh đó, cùng với việc số lượng thực tập sinh, lao động Việt Nam tại Nhật Bản tăng mạnh, tình trạng thực tập sinh, lao động bỏ trốn khỏi nơi thực tập, cư trú làm việc bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Nhật Bản mặc dù có xu hướng giảm, nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số doanh nghiệp phái cử chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, phái cử và quản lý lao động; một số nghiệp đoàn Nhật Bản không thực hiện đúng quy định pháp luật hai nước, như yêu cầu doanh nghiệp phái cử thết đãi quá mức, trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận lao động..., từ đó tạo ra gánh nặng chi phí cho lao động.
Cạnh đó, một số xí nghiệp tiếp nhận thực tập sinh có điều kiện, môi trường làm việc chưa tốt (như công việc nặng nhọc nhưng thu nhập không cao, bố trí thực tập không đúng với ngành nghề, địa điểm đã đăng ký).
“Một số lao động phải trả chi phí cao hơn nhiều so với quy định. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, một số lao động Việt Nam bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà. Chưa kể đồng Yên Nhật thời gian qua bị mất giá đáng kể khiến cho thu nhập thực tế của lao động tại Nhật Bản giảm nhiều”, ông Hương chia sẻ.
Trước những hạn chế trong chính sách đối với thực tập sinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Lao động Phúc lợi Nhật Bản Hanyuda Takashi cho biết hiện nay Chính phủ nước này đang xem xét lại hệ thống thực tập kỹ năng và kỹ năng đặc định.
“Việc rà soát, điều chỉnh lần này không phải là bãi bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng, mà định hướng sẽ vẫn tiếp tục duy trì chức năng đào tạo nhân lực, sử dụng hỗ trợ và bảo vệ thông qua các nghiệp đoàn quản lý của hệ thống hiện nay. Đồng thời xem xét để có thể tiếp nhận phù hợp hơn. Mong muốn là người lao động Việt Nam sau khi sang Nhật có thể an tâm sinh sống và làm việc lâu dài”, ông Hanyuda Takashi nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Nhật Bản cũng đã thảo luận với Việt Nam để có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác. “Kỳ vọng của giới doanh nghiệp đối với việc ký kết Hiệp định Bảo hiểm xã hội với Việt Nam rất cao, chúng tôi hy vọng hai bên có thể tiếp tục thảo luận để nhanh chóng ký kết Hiệp định này”, ông nói thêm.
Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam Lê Văn Thanh cũng khẳng định nhằm bảo vệ quyền lợi toàn diện cho người lao động hai nước làm việc trên lãnh thổ của nhau, trong bối cảnh số lượng người lao động Việt Nam tại Nhật Bản và người lao động Nhật Bản tại Việt Nam ngày càng tăng, hai bên đang trao đổi về việc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định bảo hiểm xã hội song phương. “Đây là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân hai nước”, Thứ trưởng nói.