11:51 04/09/2010

Xuất khẩu lao động: Chỉ 30% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Vũ Quỳnh

Lừa đảo trong xuất khẩu lao động liên tục gia tăng, hầu hết doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả

Mỗi năm có hàng triệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh: Việt Tuấn.
Mỗi năm có hàng triệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh: Việt Tuấn.
Lừa đảo trong xuất khẩu lao động liên tục gia tăng, hầu hết doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động chỉ thu mà không chi...

Hàng loạt hạn chế liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động đã được các thành viên Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nêu ra tại buổi làm việc do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì sáng qua 3/9.

Chỉ có 30% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa năm 2010, Bộ đã cấp giấy phép cho 171 doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận, mặc dù số lượng doanh nghiệp khá lớn nhưng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp trong số đó hoạt động có hiệu quả, 50% hoạt động hiệu quả trung bình và số còn lại là những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

Tuy nhiên, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, báo cáo trên xem ra rất mấu thuẫn với thực tế. Bởi, trong khi có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhưng từ khi thực hiện Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới chỉ thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động (1 doanh nghiệp không đáp ứng qui định của pháp luật, 1 doanh nghiệp có nhiều vi phạm và 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do kém hiệu quả).

Nhiều ý kiến cũng đã đặt câu hỏi về chất lượng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty…. Thông thường khi xin cấp phép thì người đại diện là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nghe rất “có uy tín” nhưng sau khi có được giấy phép thì người điều hành lại “chẳng liên quan” gì đến các tổng công ty. Thậm chí, từ 1 giấy phép, doanh nghiệp “đẻ” thêm nhiều chi nhánh để tuyển lao động.

Một trong những vấn đề “nóng” của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được dư luận quan tâm là hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện tượng lừa đảo vẫn liên tục gia tăng. Trong những năm qua đã có 137 vụ liên quan đến lừa đảo xuất khẩu lao động được điều tra, xử lý, khởi tố 186 bị can, xử lý hành chính 118  vụ với 133 đối tượng liên quan đủ để thấy các đối tượng lừa đảo vẫn tìm thấy kẽ hở trong quản lý nhà nước về hoạt động này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra một số lý do để “giải thích” cho hiện tượng nói trên là nhiều doanh nghiệp mới được cấp phép, đang trong giai đoạn đầu tư thăm dò thị trường, có những doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi xin cấp phép hoạt động ....Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát, những bất cập trong lĩnh vực xuất khẩu lao động  phần lớn vẫn là do hạn chế về năng lực quản lý.

Cũng chính vì nhiều “kẽ hở” trong quản lý mà 3 năm qua, đã có gần 2.000 đơn thư khiếu nại của người lao động gửi lên Bộ. Bộ cũng đã tiếp hành thanh tra, kiểm tra 191 lượt doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính đối với 119 lượt doanh nghiệp.

Dân bị lừa là trách nhiệm của cơ quan quản lý

Thực tế, trong các hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động, thì doanh nghiệp đều có sự tư vấn trực tiếp của luật sư. Cho nên các điều khoản quy định luôn luôn có lợi cho doanh nghiệp, một thành viên Đoàn giám sát nhận xét.

Trong khi đó, người lao động thường hiểu biết pháp luật kém, lại chỉ biết đến bản hợp đồng này và đặt bút ký trước thời điểm xuất cảnh có vài ngày. Thế mới xảy ra nhiều chuyện “khóc dở, mếu dở” khi thực tế điều kiện làm việc, thu nhập tại nước tiếp nhận không giống như bản hợp đồng mà người lao động và doanh nghiệp dịch vụ đã ký kết.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã rất bức xúc trước cách làm của một doanh nghiệp thuộc Liên minh Hợp tác xã mới đây, đã đẩy hàng chục lao động ở Thái Nguyên vào cảnh cơ cực ở Nga khi những viễn cảnh tươi đẹp mà doanh nghiệp này vẽ ra trong hợp đồng khác hẳn với điều kiện làm việc và thu nhập thực tế.

Ông Hùng cho biết, đã nắm chính xác một doanh nghiệp thu của lao động cả 100 triệu đồng nhưng chỉ ghi trên hoá đơn 19,5 triệu. Việc nhập nhèm trong các khoản thu của doanh nghiệp đã đẩy người lao động vào tình thế “chạy” để được đi xuất khẩu lao động.

Ngày 18/8 vừa qua, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã gửi công văn yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết khẩn cấp cho các lao động. “ Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên sẽ theo đến cùng sự việc này”, ông Hùng khẳng định.

Trước sự việc này, nhiều thành viên của đoàn giám sát đã nêu ra quan điểm doanh nghiệp sử dụng tiền thu của dân phải được giám sát và khi cần thiết phải được kiểm toán.

Tại buổi làm việc, người đứng đầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, để người dân bị lừa đảo là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động chỉ thu mà không chi cũng là một thực tế được phát hiện qua giám sát. Theo đó, nguồn thu của quỹ được thu từ các doanh nghiệp và người lao động cùng các khoản khác chuyển sang hiện đã lên tới trên 114 tỷ đồng nhưng mới chỉ chi được với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Số tiền 5 tỷ đồng trên bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho trên 600 trường hợp lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài phải về nước và trên 120 thân nhân của lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, 2009 không nhận được sự viện trợ nào.

Các thành viên của Đoàn giám sát yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  làm rõ trách nhiệm về việc vận hành quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động. Tại sao quỹ chỉ có thu mà không có chi, cơ quan quản lý không có cơ chế vận hành hay vận hành không được?