09:00 15/02/2022

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tự tin với mục tiêu 50 tỷ USD

Chu Khôi

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt và có khả năng vượt 50 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xuất khẩu của ngành có nhiều cơ hội giữ được đà tăng trưởng cao, kim ngạch có thể tăng thêm 2,5 – 3 tỷ USD (tăng trưởng 5-6%) so với năm 2021.

Xuất khẩu nông sản sáng sủa ngay từ tháng đầu năm.
Xuất khẩu nông sản sáng sủa ngay từ tháng đầu năm.

Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, ngay trong tháng 1/2022 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm xuất khẩu nông sản chính ước đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 0,1%; sản phẩm chăn nuôi đạt 32 triệu USD, tăng 11,1%; thuỷ sản đạt trên 765 triệu USD, tăng 25,7%, lâm sản chính đạt trên 1,4 tỷ USD, giảm 1,4%; xuất khẩu phân bón và thức ăn gia súc đạt khoảng 372 triệu USD, cao gấp 2,3 lần so với tháng 1/2021.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tự tin với mục tiêu 50 tỷ USD  - Ảnh 1

KHÔNG ĐÁNH CƯỢC VÀO SỰ MAY RỦI CỦA THỊ TRƯỜNG

Tại cuộc họp khai xuân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra vào ngày 8/2/2022, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, năm nay thời tiết và nguồn nước rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, lúa sinh trưởng, phát triển rất tốt. Với những tín hiệu mực nước như năm nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo không gay gắt như những năm trước.

Đến thời điểm này, vụ lúa đông xuân sớm đã thu hoạch được xấp xỉ 400.000 ha, đạt năng suất cao, đảm bảo nguồn cung gạo cho xuất khẩu ngay từ những tháng đầu năm.

Với lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu. Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt xấp xỉ 16 tỷ USD và năm nay sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Dự báo xuất khẩu lâm sản có thể vượt qua mốc 18 tỷ USD trong năm 2022, trong đó xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sẽ đạt 16 - 16,8 tỷ USD.

 

"Tôi tự tin hơn rằng trong năm 2022, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta sẽ đạt và vượt 50 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh cược trên sự may rủi thị trường mà phải phấn đấu để làm chủ được thị trường ở chừng mực nào đó".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Chúng ta có thị trường mênh mông, các doanh nghiệp ngành gỗ đang rất hứng khởi. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức hội nghị về quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Bởi nếu không có vùng nguyên liệu, sẽ rất khó tăng dư địa xuất khẩu, vì thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu minh bạch nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cảnh báo.

Chia sẻ tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết vừa qua, tôi gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và thấy rằng xung lực hay khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 rất nhanh.

“Khi đã mở cửa được thị trường thì phải thực hiện hành động kép là xây dựng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu”, Tư lệnh ngành nông nghiệp lưu ý, đồng thời cho biết ngày 28/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó kết tinh nhiều giá trị, với những quan điểm tiếp cận mới nhằm giải quyết những vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo phát triển bền vững trong từng giai đoạn.

NGÀNH THỦY SẢN SẼ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG CAO

Năm 2021 vừa qua, ngành thủy sản phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến trầm trọng tại khu vực nuôi trồng và chế biến thủy sản chủ lực là Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn cán đích với 8,9 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020 và tăng 4,6% so kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD; cá tra đạt 1,55 tỷ USD.

Dự báo năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội đạt tăng trưởng cao. Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030.

Dự kiến sản lượng thủy hải sản tiêu thụ sẽ mở rộng trên tất cả các châu lục do được thúc đẩy bởi thu nhập ngày càng cao, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối, đổi mới sản phẩm, cùng với việc người tiêu dùng ngày càng công nhận thủy hải sản là thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng. 

Về đơn giá sản xuất thủy sản nuôi trồng trên danh nghĩa, OECD và FAO cũng đưa ra dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 15% từ năm 2021 đến năm 2030. Năm 2022, giá một đơn vị thủy sản nuôi trồng sẽ tăng 6,3%, lên khoảng 3.200 USD/tấn.

 

Không chỉ thuận lợi với xuất khẩu tôm, VASEP ước tính xuất khẩu cá tra năm 2022 cũng sẽ đạt mục tiêu khoảng 1,65 tỷ USD, tương ứng mức tăng 7% so với năm 2021. Toàn ngành thủy sản phấn đấu sẽ đem về kim ngạch trên 9,5 tỷ USD trong năm 2022.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021 lên 4,3 tỷ USD vào năm 2022. Các doanh nghiệp Việt Nam đã điều chỉnh sản xuất linh hoạt để phù hợp với đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng tại thị trường Mỹ.

Một trong những lợi thế cho tôm là Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021, đã nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các nước đối thủ khác; trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) hỗ trợ Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại EU vào năm 2022. Trong năm 2021, Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam là 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang EU. So với Ấn Độ, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ thuế xuất khẩu.

Theo EVFTA, đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, thuế suất đối với tôm sú là 0%, trong khi thuế đối với tôm thẻ chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% cho đến năm 2025. Trong khi Ecuador tập trung vào sản phẩm tôm có vỏ và không đầu, thì Việt Nam nổi tiếng là nhà cung cấp đối với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương và sản phẩm giá trị gia tăng. Điều này tạo dư địa cho Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường EU.