08:38 10/07/2008

Xuất khẩu nông sản: Số 1… vẫn yếu!

Mạnh Chung

Sản lượng xuất khẩu cà phê, hạt điều, hồ tiêu của Việt Nam hiện đứng nhất nhì thế giới, nhưng sức cạnh tranh vẫn yếu

Chỉ có 10% hàng nông sản của Việt Nam có thương hiệu, còn lại 90% là “mượn” thương hiệu nước ngoài, khi thông qua trung gian để bán.
Chỉ có 10% hàng nông sản của Việt Nam có thương hiệu, còn lại 90% là “mượn” thương hiệu nước ngoài, khi thông qua trung gian để bán.
Sản lượng xuất khẩu cà phê, hạt điều, hồ tiêu của Việt Nam hiện đứng nhất nhì thế giới, nhưng sức cạnh tranh vẫn yếu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện các hiệp hội đã nhận định như vậy tại hội thảo đánh giá tác động hai năm gia nhập WTO đối với ngành cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều, tại Hà Nội ngày 9/7.

To mà yếu!

Hiện sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 sau Brazil, với giá trị xuất khẩu năm 2007 đạt 1,643 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng cà phê xuất khẩu đã đạt trên 1 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu là Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Italia.

Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu và điều của Việt Nam đang chiếm số 1 thế giới, với thị phần 35% đối với hạt điều và 40% với hồ tiêu. Ngành hồ tiêu năm 2007 cũng đạt giá trị xuất khẩu cao nhất so với các năm trước đó, đạt 286 triệu USD.

Còn theo đại diện ngành điều, năm 2008, lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 150 -160 ngàn tấn, tương đương 850 triệu USD, gấp gần 1,4 lần năm trước.

Tuy nhiên, mặc dù giá trị các loại nông sản trên đều tăng nhanh và sản lượng xuất khẩu vẫn đứng nhất nhì thế giới, nhưng đại diện nhiều hiệp hội cũng cho rằng, giá trị cà phê, điều, tiêu thời gian qua tăng chủ yếu là do giá cả trên thế giới tăng, còn sản lượng thì tăng không đáng kể.

“Các sản phẩm nông sản này vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm như: chất lượng chưa ổn định, công nghệ thu hoạch và bảo quản còn lạc hậu, đầu tư chế biến để tăng giá trị thặng dư chưa nhiều, đặc biệt chưa xây dựng được thương hiệu gắn liền với sản phẩm trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh nói.

Trong đó, một hạn chế lớn nhất hiện nay là chỉ có 10% hàng nông sản của Việt Nam có thương hiệu, còn lại 90% là “mượn” thương hiệu nước ngoài, khi thông qua trung gian để bán.

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, ngoài chất lượng xuất khẩu không đồng đều, chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô giá trị thấp, một cái yếu nữa của hàng nông sản Việt Nam là chưa có khả năng tham gia quyết định vào giá cả mặt hàng trên thị trường thế giới, vẫn phải phụ thuộc vào sự lên xuống giá cả sản phẩm của các nước khác vì sản phẩm của họ có chất lượng, uy tín và thương hiệu cao hơn.

Làm ăn kiểu mùa vụ

Hầu hết, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều có mức giá thấp hơn từ vài chục đến cả trăm USD/tấn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), trong tổng số lượng cà phê khi xuất khẩu bị thải loại có tới 88% là của Việt Nam.

Đồng thời, theo báo cáo tại hội thảo, mặc dù có sản lượng xuất khẩu cao nhưng giá cà phê Việt Nam luôn thấp hơn giá cà phê các nước khác, do chất lượng sản phẩm thấp hơn; do kỹ thuật bán hàng và sự phối hợp chưa có hiệu quả giữa các nhà xuất khẩu cà phê.

Đầu tháng 4/2008, một công ty luật của Anh đã gửi báo cáo tới Chính phủ Việt Nam về việc 28 doanh nghiệp xuất khẩu điều của Việt Nam không giao hàng đúng hạn hợp đồng. Khi giá điều thế giới cao, các doanh nghiệp này đã bán sản phẩm ra nước ngoài để thu lời và “hy vọng” giá điều thế giới sẽ giảm rồi mua để giao hàng cho những hợp đồng đã ký. Nhưng cuối cùng giá điều thế giới vẫn đứng ở mức cao, và các doanh nghiệp không có hàng để xuất.

“Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được uy tín, thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế, hiểu biết về pháp luật còn yếu”, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chế biến Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai nhận định thẳng thắn.

Phải gia nhập hiệp hội quốc tế

Một trong những việc, theo ông Lương Văn Tự phải làm “gấp” hiện nay là, nếu hiệp hội ngành nông sản nào chưa tham gia vào hiệp hội ngành quốc tế thì nhanh chóng kiến nghị Chính phủ, bộ chủ quản vận động để xin gia nhập.

“Việc gia nhập các tổ chức, hiệp hội quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ lợi ích, vai trò ngành hàng của mình”, ông Tự nói. Điều này cũng giúp doanh nghiệp nhạy bén với những biến động thị trường, tăng cường giao lưu, chuyển giao công nghệ, kỹ năng và đặc biệt là có thể tham gia vào nâng giá, giữ giá ổn định sản phẩm.

Ông Nguyễn Thái Học cho biết, Hiệp hội Điều đã được Thủ tướng phê duyệt việc gia nhập Hiệp hội Điều Thế giới và hy vọng vào năm 2009, sẽ trở thành thành viên của hiệp hội này.