19:10 03/10/2022

Xuất khẩu sang Tây Ban Nha: Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc

Vũ Khuê

Việt Nam đã vươn lên là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau Trung Quốc, đứng ngang hàng với HongKong và xếp trên cả Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ - vốn được Tây Ban Nha xác định là các thị trường chiến lược...

Cà phê là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Tây Ban Nha.
Cà phê là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Tây Ban Nha.

Đó là thông tin được Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đưa ra tại “Hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2022”.

Theo thống kê mới nhất của Hải quan Tây Ban Nha, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Tây Ban Nha trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,19 tỷ Euro.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt 1,95 tỷ Euro với mức tăng trưởng cao 56,41%; kim ngạch nhập khẩu là 0,24 tỷ Euro, giảm 7,24%. Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu rất cao với giá trị xấp xỉ 1,71 tỷ Euro (tăng 12,21%).

Các mặt hàng chính Việt Nam xuất sang Tây Ban Nha là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt, may; giày dép các loại; cà phê; hàng thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm mây, tre, cói và thảm…

Để tăng cường xuất khẩu bền vững sang Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng các địa phương và Hiệp hội ngành hàng cần đề xuất và phối hợp với Thương vụ tổ chức các sự kiện tọa đàm trực tiếp và trực tuyến giới thiệu về cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng cho các doanh nghiệp địa phương và các hiệp hội ngành hàng của hai nước từ việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đặc biệt đối với các mặt hàng Thương vụ đã đăng ký mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu cho năm 2022 như: thủy sản, rau quả và thủ công mỹ nghệ…

Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức các đoàn doanh nghiệp với thành phần là các nhà nhập khẩu, phân phối và siêu thị lớn của Việt Nam sang làm việc kết nối, trao đổi hàng hóa trực tiếp song phương với các đối tác tại địa bàn sở tại.

Tây Ban Nha có thế mạnh về chất lượng, giá thành và muốn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường Việt Nam như: thịt và sản phẩm thịt - Jamon; đồ uống có cồn và rượu vang; thực phẩm hữu cơ chế biến - sản phẩm Olive; mỹ phẩm hữu cơ; sữa và các sản phẩm sữa; và máy móc thiết bị cơ khí - phụ tùng ô tô.

Đây cũng là các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu trên nguyên tắc “có đi có lại cùng có lợi” để trong thời gian tới thiết lập thành “kênh” thúc đẩy xuất nhập khẩu bền vững.

Các địa phương, hiệp hội cung cấp cho Thương vụ danh sách các doanh nghiệp cũng như bản giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh tương ứng để Thương vụ có cơ sở dữ liệu hỗ trợ việc kết nối giao thương một cách thường xuyên tại các sự kiện xúc tiến thương mại – đầu tư thời gian tới.

Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, cần tăng cường duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha.

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha lưu ý, thực tế trong đầu năm 2022 đến nay, Thương vụ đã nhận được văn bản thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha về phát hiện ít nhất 8 trường hợp lô hàng nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam có chất gây bệnh, chất cấm vượt quá mức cho phép hiện hành của EU, bao gồm: cà phê, nước sốt tiêu, khô xoài, dừa quả, vải thiều, hạt điều, gạo, bột cà ri và mỳ ăn liền. Do đó phía bạn đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát với các lô hàng tiếp theo ngay tại cảng đến sở tại.

Các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam cần chỉ đạo và phối hợp với Thương vụ thúc đẩy việc tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban liên Chính phủ về kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm rà soát, đánh giá và cùng tìm ra các giải pháp chung khai thông rào cản thương mại và đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác như công nghiệp và năng lượng…