Xuất khẩu cà phê hướng mốc kỷ lục 4 tỷ USD
Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu cà phê đã đem về 2,8 tỷ USD, tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) dự báo nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam sẽ thiết lập được mốc xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022 Việt Nam xuất khẩu 112.531 tấn cà phê với kim ngạch 266 triệu USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng 13% về kim ngạch so với tháng 8/2021.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2022 ước đạt 2.336 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 7/2022 và tăng 16,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
ĐỨC LÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ CÀ PHÊ LỚN NHẤT
Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới đều tăng lên mức kỷ lục. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), trong tháng 8/2022, chỉ số giá cà phê toàn cầu tăng 4,9% so với tháng trước, lên mức trung bình 200,1 UScent/pound.
Trong đó, giá cà phê Robusta tăng mạnh nhất 9,2%, giá cà phê Arabica Colombia và Arabica khác cũng tăng lần lượt là 3,4% và 4,9%. Giá cà phê tăng cao trở lại trong bối cảnh tồn kho cà phê toàn cầu sụt giảm mạnh. Bloomberg cho biết tồn kho cà phê của Việt Nam đang giảm dần và đây là dấu hiệu cho thấy giá mặt hàng này trên toàn cầu có thể còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
"Lũy kế 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê, đem về kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD, tương ứng tăng lần lượt 11% về khối lượng và 40% về giá trị so với cùng kỳ năm trước".
Theo Tổng cục Hải Quan.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022, Đức là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 341 triệu USD, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021; tương ứng chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Tiếp đến là thị trường Bỉ, đạt 213 triệu USD, tăng trưởng tới 220%; thị trường Italia đạt 209 triệu USD, tăng 32%... Xuất khẩu sang Mexico trong 8 tháng năm 2022 cũng ghi nhận tăng trưởng tới hơn 59 lần so với cùng kỳ năm 2021, từ 0,7 triệu USD lên 41,4 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang một số thị trường giảm về lượng, như: Nhật Bản, Angieri, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Về chủng loại, Robusta là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm 78% kim ngạch và 91% về lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam; tăng trưởng 20,1% về khối lượng xuất khẩu và tăng 48,7% về giá trị kim ngạch.
Dự báo thị trường cà phê 4 tháng cuối năm, các chuyên gia nhận định giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá cà phê tăng.
Theo khảo sát của Bloomberg, dự trữ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ giảm một nửa vào cuối tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cà phê của Việt Nam cũng dự kiến sẽ giảm 6% xuống còn 1,72 triệu tấn trong giai đoạn 2022/2023. Trong khi đó, nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados cho rằng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ không đạt mức dự báo 61,1 triệu bao do hệ quả của những đợt sương giá và khô hạn năm ngoái.
Ước tính của một số doanh nghiệp cho thấy, tồn kho tính đến cuối tháng 9/2022 có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ giảm khoảng 6% trong niên vụ 2022 - 2023 xuống 1,72 triệu tấn. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.
Là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), châu Âu hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Trong top 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam có 6 nước châu Âu. Riêng với thị trường Anh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực mang lại nhiều triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường này.
DỰ BÁO GIÁ CÀ PHÊ XUẤT KHẨU SẼ TIẾP TỤC TĂNG
Cục Xuất nhập khẩu cũng đưa ra gợi ý về quy mô thị trường cà phê Hoa Kỳ đang tăng trưởng trong vài năm gần đây và dự kiến sẽ tăng trưởng tốt, bình quân 6,74% trong giai đoạn 2020-2027. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường chiếm lĩnh thêm thị phần tại Hoa Kỳ.
Còn tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm vì nhu cầu thưởng thức cà phê của người dân tăng. Chính vì vậy, tiềm năng nhập khẩu cà phê Việt Nam của Trung Quốc còn rất lớn.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) nhận định: xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 4 tháng cuối năm vẫn rất xán lạn.
"Ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30-40% về kim ngạch xuất khẩu, vì cả thế giới đang thích ứng với Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400-2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023".
Theo Dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Vicofa, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ đối mặt với khó khăn do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến trạng lạm phát tăng cao, cũng có thể sẽ gây tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ cà phê trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021.
“Trong quý 3/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500.000 tấn cà phê để xuất khẩu. Vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu từ tháng 10 tới sẽ tăng thêm nguồn cung cà phê phục vụ xuất khẩu. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức cao như thời điểm này thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam sẽ thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD”, Vicofa dự báo.
Ông Tôn Chính, Phó chủ tịch Hiệp hội ngành nghề cà phê Trùng Khánh, Trung Quốc:
Nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm. Chính vì vậy, tiềm năng nhập khẩu cà phê Việt Nam của Trung Quốc còn rất lớn. Tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc không ngại khám phá những lối sống mới cũng là một đặc điểm thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến sâu tại thị trường này.
Trong tổng số 21.450 tấn cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2022, lượng cà phê nhân là 13.098 tấn (24 triệu USD), cà phê rang xay, hòa tan, 3 trong 1 là khoảng 8.352 tấn (41 triệu USD), chiếm 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Trung Quốc.
Hiện nay, ngoài nhập khẩu cà phê của Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu cà phê từ nhiều thị trường khác như Brazil, Indonesia, và nhập cà phê chế biến sẵn từ Mỹ, các nước châu Âu. Trong khi cà phê từ các nước trên thế giới mà các thương nhân Trung Quốc nhập khẩu về bình quân 3.600 USD/tấn, thì nhập khâu từ Việt Nam chỉ với giá bình quân 2.250 USD/tấn.
Nguyên nhân do cà phê của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn chủ yếu là cà phê Robusta dưới dạng thô (cà phê nhân), thường có giá thấp trên thị trường cà phê thế giới. Xuất khẩu thô nhiều cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng Trung Quốc chưa hiểu rõ tầm ảnh hưởng của cà phê Việt Nam. Trong khi Trung Quốc được đánh giá là thị trường trị giá hàng trăm tỷ USD. Ưu thế của Việt Nam lại là nước láng giềng, lân cận nên vận chuyển thuận lợi hơn, cung đường ngắn hơn.
Các doanh nghiệp ở Trùng Khánh hiện chủ yếu nhập cà phê Robusta của Việt Nam về để chế biến, pha trộn vì có lợi thế về giá, vận chuyển. Hiện, quy mô cà phê của Trùng Khánh đạt khoảng 3-5 tỷ Nhân dân tệ/năm nên nhu cầu nhập khẩu lớn. Để tận dụng được thị trường Trung Quốc thì ngoài bán thô, Việt Nam cần nâng cao năng lực chế biến, bởi vì người dân Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng cà phê chế biến sâu, cà phê pha chế sẵn chất lượng cao.