Xuất khẩu cà phê sẽ gặp khó khăn trong những tháng cuối năm
Trong 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng tới 48,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, đồng Euro của EU và đồng Real của Brazil suy yếu đã khiến “sắc đỏ” bao trùm nhiều thị trường hàng hóa trên thế giới. Giá cà phê giảm mạnh từ đầu tháng 7/2022 đến nay, báo hiệu xuất khẩu cà phê 6 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn…
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 137,4 nghìn tấn, đem về 315,34 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với tháng 5/2022. So với tháng 6/2021, xuất khẩu cà phê trong tháng 6 năm 2022 vẫn tăng 7,3% về lượng và tăng 26,9% về giá trị.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG GẦN GẤP RƯỠI
Lũy kế 6 tháng năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 1,02 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD; tăng 20,7% về lượng và tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 6/2022 sang nhiều thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như: Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường giảm như: Italia, Nhật Bản, Anh, Philippines và Trung Quốc.
Trong 6 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh tăng trưởng ba con số; sang Đức, Italia, Tây Ban Nha và Nga tăng trưởng hai con số.
Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.295 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 5/2022 và tăng 18,2% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.257 USD/ tấn, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Về chủng loại, xuất khẩu chủng loại cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê Excelsa.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 5/2022 đạt 125,1 nghìn tấn, trị giá 243,97 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với tháng 5/2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 792,4 nghìn tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường chính tăng, gồm: Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang Nhật Bản, Angieria, Trung Quốc, Malaysia, Pháp giảm.
Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp, vỏ quả đẹp nhưng không có nhân bên trong hoặc nhân rất bé do người dân không có vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây. Sản lượng cà phê niên vụ 2020 - 2021 đạt 1,62 triệu tấn, trong khi sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2021-2022 chỉ đạt hơn 1,5 triệu tấn với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta.
Trong quý 3/2022, tuy không có cà phê để thu hoạch, nhưng giới thương nhân Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Đến tháng 11 sẽ có cà phê vụ mới được thu hoạch.
"Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD", Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo.
GIÁ ĐANG GIẢM DO ÁP LỰC LẠM PHÁT TẠI EU
Mặc dù giá cà phê trong nước và giá cà phê xuất khẩu đang đứng ở mức cao, nhưng đã bất ngờ sụt giảm nhanh trong những ngày qua. Tại thời điểm này, giá cà phê trong nước đã giảm tới 700 đồng/kg so với cách đây 10 ngày, hiện phổ biến ở mức 41.000 - 41.500 đồng/kg.
Trên các sàn giao dịch cà phê thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm so với tuần trước trước sức ép của USD liên tục tăng. Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 9/2022 ở mức 1.923 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 9/2022 ở mức 199,8 cent/lb, giao tháng 11/2022 ở mức 196,6 cent/lb.
"Tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm 2023 dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Brazil. Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn".
Theo Báo cáo Triển vọng cung - cầu cà phê thế giới của USDA.
Theo các nhà phân tích, giá cà phê thế giới kỳ hạn đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh do đồng Real của Brazil mất giá. Tỷ giá đồng Real tiếp tục suy yếu so với USD đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch với sản lượng Arabica vào năm được mùa theo chu kỳ “hai năm một”, do họ đang có lợi khi thu về được nhiều nội tệ hơn.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD kỳ hạn (USDX) tiếp nối đà tăng trong rổ tiền tệ mạnh đã khiến giá cả các loại hàng hóa nói chung được thanh toán bằng đồng USD trở nên quá đắt đỏ cũng làm giảm sức mua.
Xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa kết thúc, lạm phát toàn cầu chưa được cải thiện, nền kinh tế Hoa Kỳ ngày càng suy thoái nặng nề, thị trường tăng cường “đặt cược” vào việc Fed sẽ không “cứng rắn” trong phiên họp chính sách tiền tệ trong tháng 7/2022, đã khiến sắc đỏ bao trùm các thị trường hàng hóa nói chung.
Trên các sàn cà phê thế giới, kể cả sàn London, giao dịch cà phê vẫn tính bằng đồng USD. Các thương nhân ở Châu Âu khi mua cà phê bằng USD, nhưng họ bán hàng tiêu dùng phải quy ra Euro, do đó khiến giá cà phê khi quy đổi ra Euro sẽ đắt hơn so với trước đây.
Trong khi đó, do lạm phát, người dân châu Âu đang có xu thế ưu tiên cho các hàng hóa thiết yếu, cắt giảm tiêu dùng đối với những sản phẩm không thiết yếu. Vì vậy, dự báo như cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới sẽ giảm trong ngắn hạn vài tháng tới.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng cung - cầu cà phê thế giới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) (mỗi bao 60 kg) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ "hai năm một". Tại Brazil, sản lượng cà phê arabica được dự báo sẽ tăng 5,1 triệu bao lên 41,5 triệu bao
Với những diễn biến trên thị trường thế giới, các nhà phân tích cho rằng thương mại cà phê trong nửa cuối năm 2022 sẽ khó khăn, giá cà phê sẽ suy giảm trong quý 3 và có thể kéo dài sang cả quý 4 nếu xung đột Nga – Ukraine chưa sớm chấm dứt.