14:20 28/03/2023

Xuất khẩu suy giảm, chi phí sản xuất tăng cao: Doanh nghiệp thủy sản loay hoay "chống đỡ"

Chương Phượng

Quý đầu năm, tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản tiếp tục trầm lắng do lạm phát khiến nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường đều giảm, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất, đặc biệt giá thức ăn thủy sản tăng cao…

Xuất khẩu tôm đang gặp khó ở nhiều thị trường.
Xuất khẩu tôm đang gặp khó ở nhiều thị trường.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, ngày 27/3/2023, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp thủy sản tại TP.HCM.

CHI PHÍ SẢN XUẤT TĂNG CAO

Báo cáo với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông Trương Đình Hòe -Tổng Thư ký VASEP, cho biết trong 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản vẫn tập trung ở các thị trường chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...  Tuy nhiên, hầu hết các thị trường đều giảm sâu. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, nhờ mở cửa hậu Covid-19, đã bắt đầu phục hồi từ tháng 2 nhưng chưa thể kéo được sự sụt giảm chung.

"Đầu năm, khi Trung Quốc thông báo mở cửa, chúng tôi dự báo từ quý 2/2023 xuất khẩu sẽ phục hồi nhưng với tình hình hiện tại, khó khăn có thể kéo dài đến tháng 6. Hiện các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng gặp khó khăn về vốn và đang tập trung bán hàng tồn kho", ông Trương Đình Hòe nêu thực tế.

Theo VASEP, tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng trong quý đầu năm 2023 do lạm phát khiến nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường đều giảm, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tăng cao.

Chi phí cho thức ăn chăn nuôi là một chi phí đầu vào có tính chi phối đối với giá thành sản phẩm thủy sản nuôi, thế nhưng hiện nay giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao.

Ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh. Cụ thể như, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador.

Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như nghị định 101/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ.

Do vậy, ngày 15/3/2023, VASEP đã gửi công văn số 24/CV-VASEP tới Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%, giúp các doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

VASEP cũng đề cập đến thị trường Hàn Quốc – thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành hàng tôm. Là nguồn cung cấp tôm số 1 cho Hàn Quốc, mỗi năm Việt Nam cung cấp hơn 50% trong số 100.000 tấn tôm nhập khẩu của Hàn Quốc.

 

"Nhập khẩu tôm Việt Nam của Hàn Quốc chịu mức thuế 14-20% là chưa đúng tinh thần của của FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt thấy rõ sự phân biệt đối xử khi so với FTA Hàn Quốc-Peru, vì tôm nhập từ Peru không có quota và được hưởng mức thuế 0%".

Ông Trương Đình Hòe -Tổng Thư ký VASEP.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc thực thi từ năm 2015 đến nay, tưởng như tạo thuận lợi về thương mại và thuế quan nhập khẩu cho sản phẩm tôm Việt Nam, nhưng theo thông tin chi tiết từ các doanh nghiệp hội viên VASEP, sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị vướng quy định về hạn ngạch. Tình trạng Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua Quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu. Nếu ngoài quota thì mức thuế nhập khẩu là 20%. 

Vì vậy ngày 15/3/2023, VASEP đã gửi công văn số 25/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

 CẤP GIẤY XÁC NHẬN THỦY SẢN PHẢI ĐẢM BẢO MINH BẠCH

Ông Trương Đình Hòe cho biết trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành thủy sản cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất ở mức chấp nhận được để giữ việc làm cho người lao động, bảo toàn vốn, chuẩn bị đón nhận cơ hội khi thị trường khôi phục. Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp cũng không dám vay vốn để trữ hàng nên tình hình rất khó khăn.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy sản cho biết đã nhận được Công văn số 22/CV-VASEP ngày 15/3/2023 của VASEP và Công văn số 67/TTCL4-CL ngày 16/02/2023 của Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản Vùng IV kiến nghị liên quan đến một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (Giấy S/C).

Để đảm bảo việc cấp Giấy S/C đúng quy định, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp, Tổng cục Thủy sản vừa mới có công văn số 386/TCTS-KTTS chỉ đạo việc thực hiện cấp Giấy S/C đảm bảo theo đúng quy định, minh bạch và đồng bộ.

 

"Thực hiện việc cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác phải theo đúng trình tự, thủ tục. Không dùng các tiêu chí như: kích thước thủy sản cho phép khai thác, sản lượng tối đa cho phép khai thác, số ngày tối đa của chuyến biển để làm căn cứ thẩm định cấp Giấy SC".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Văn bản này đã được gửi đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển và Tổ chức quản lý cảng cá, các đơn vị liên quan. Công văn chỉ đạo các đơn vị trên phải tăng cường thực hiện việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng (đặc biệt đối với cá ngừ, cá cờ kiếm), đảm bảo chính xác về thành phần loài, khối lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng của tàu cá theo quy định.

Các cảng xác định thời gian khai thác của tàu cá ghi trên Giấy S/C: Trường hợp xác nhận nguyên liệu thủy sản cho tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản - không chuyển tải: Thời gian khai thác ghi trên Giấy S/C là thời gian tính từ ngày thả mẻ lưới đầu tiên đến ngày thu mẻ lưới cuối cùng trong chuyến biển của tàu đánh bắt nguồn lợi;

Trường hợp xác nhận nguyên liệu thủy sản cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (chuyển tải/thu mua thủy sản từ tàu đánh bắt về cảng), thời gian khai thác được tính theo tàu đánh bắt đã chuyển/bán số lượng thủy sản cho tàu hậu cần, tính từ ngày thả mẻ lưới đầu tiên đến ngày thu mẻ lưới cuối cùng trong chuyến biển của tàu đánh bắt nguồn lợi đã thực hiện và chuyển/bán cho tàu hậu cần.

Trường hợp tàu đánh bắt hoạt động dài ngày trên biển, thực hiện nhiều đợt chuyển/bán thủy sản sang tàu hậu cần thì mỗi lần chuyển/bán được tính riêng theo lượng thủy sản tương ứng với thời gian khai thác của tàu đánh bắt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các nghề khai thác thủy sản; nhận dạng thành phần loài thủy sản theo nghề; đặc trưng hoạt động khai thác của các nghề theo các vùng biển… cho các cán bộ, nhân viên giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, xác nhận nguyên liệu thủy sản bốc dỡ tại cảng cá, nâng cao năng lực chuyên môn để thực hiện việc thẩm định cấp Giấy S/C, đồng thời đẩy nhanh thực hiện việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản điện tử và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và đồng bộ trong việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.