09:08 07/03/2022

Xung đột Nga – Ukraina: Ngành nông nghiệp Việt “vạ lây”

Chu Khôi

Xung đột Nga – Ukraina sẽ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp Việt Nam ở nhiều góc cạnh. Việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT, cùng với nguy cơ mất giá của đồng tiền Rúp Nga sẽ khiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, đúng vào thời điểm giá xăng dầu tăng vọt khiến chi phí vận chuyển đội lên...

Ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022.
Ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 14,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 6,2 tỷ USD. Kết quả này đã giúp ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xung đột Nga – Ukraina: Ngành nông nghiệp Việt “vạ lây” - Ảnh 1

GIÁ CÁ TRA TĂNG CAO, XUẤT KHẨU GẠO ẤN TƯỢNG

Trong tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 3,3 tỷ USD; tăng 21,8% so với tháng 2/2021 nhưng giảm 31,4% so với tháng 1/2022. Lũy kế 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, giảm 3,5%; thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%; lâm sản chính đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 17,0%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 367 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong 2 tháng đầu năm ước trên 6,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 470,2 triệu USD, giảm 14,3%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 332,8 triệu USD, tăng 11,1%; nhóm lâm sản chính khoảng 466,4 triệu USD, giảm 3,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 982,6 triệu USD, tăng 2,8%.

Điểm nhấn trong bức tranh xuất khẩu ngành nông nghiệp 2 tháng đầu năm nay là cá tra được giá bán rất cao, xuất khẩu gạo và đồ gỗ cùng tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm mạnh do ảnh hưởng từ việc phía Trung Quốc đóng, mở cửa khẩu rất thất thường.

Xuất khẩu cá tra đạt thành tích ấn tượng với kim ngạch 220 triệu USD, tăng tới 83,3% so với 2 tháng đầu năm ngoái. Tăng trưởng xuất khẩu cá tra không chỉ ở sản lượng mà còn nhờ giá xuất khẩu tăng cao.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh sau thời gian dài ở mức thấp do nhu cầu xuất khẩu tăng, trong khi khan hiếm nguồn cung cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, loại 0,8 - 1,1 kg/con giá dao động từ 27.500 - 29.000 đồng/kg, tăng 7.500 - 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 4.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.

 

Sự sôi động trong xuất khẩu gạo đầu năm nay thể hiện rõ qua con số kim ngạch 2 tháng đầu năm 2022 đạt 441 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Một tín hiệu tích cực đối với ngành lúa gạo, mới đây Hàn Quốc cũng đã thông báo, trong năm 2022, nước này phân bổ hạn ngạch thuế quan 55.112 tấn gạo được nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc với mức ưu đãi 5%.

Với ngành lúa gạo, xuất khẩu sôi động ngay từ những ngày đầu năm, nhất là ở những doanh nghiệp lớn. Công ty cổ phần nông sản Lộc Trời thuộc Tập đoàn Lộc Trời, đã hoàn thành giao hàng đầu năm hơn 4.500 tấn gạo, trị giá hơn 3 triệu USD, gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp. Lượng gạo này được giao lần lượt từ đầu năm đến giữa tháng 2/2022 cho các đối tác đã làm ăn lâu dài như: Ý, Pháp, Canada, Hongkong, Singapore, Philippines, Kuwait…

Tương tự, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) cũng đã xuất hơn 11.000 tấn sang Hàn Quốc và nhiều lô hàng gạo thơm tới các thị trường khác.

Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân là do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên.

Bên cạnh đó, những bất ổn trên toàn cầu, mà mới đây là cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraina, cũng khiến cho người dân nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu trong năm nay dự kiến vẫn chỉ ở mức trên 6 triệu tấn và có thể đạt 6,3 triệu tấn, tức là tương đương hoặc tăng không đáng kể so với năm 2021. Trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác những lợi thế từ Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU, với khối lượng sẽ không dưới 60.000 tấn, bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong con mắt các nhà nhập khẩu.

LO NGẠI THỊ TRƯỜNG NGA VÀ UKRAINA

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sang Nga đạt khoảng 550 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản khoảng 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, rau quả 16,6 triệu USD, hạt điều 60 triệu USD, cao su 32 triệu USD; chè, hạt tiêu mỗi loại hơn 19 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ 7,7 triệu USD, gạo 1,5 triệu USD…

Nhận định Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam, cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thừa nhận rằng, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả việc Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Nga, cho hay, ngay khi xảy ra giao tranh, các đơn hàng của thị trường này đã phải ngừng do không có chuyến bay để vận chuyển. Ngoài ra, việc dừng đơn hàng, không có chuyến bay cũng khiến doanh nghiệp không xây dựng được cước cho đơn hàng của các đối tác.

 

“Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Nga phải tính toán lại. Do đó, trước mắt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương”.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

“Hiện nay, chúng tôi đang xuất khẩu xoài và một số rau củ, trái cây cấp đông sang thị trường Nga. Khi xảy ra giao tranh, các chuyến bay bị ảnh hưởng nên chúng tôi không thể làm cước cũng như vận chuyển hàng hóa đến thị trường này”, bà Ngô Thị Thu Hồng lo lắng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong 2 tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 32 triệu USD, còn xuất khẩu thủy sản sang Ukraina đạt gần 7 triệu USD.

"Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Mặt khác, có những công ty ở một số nước khác, trước nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu sang Nga cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới ngừng mua thủy sản Việt Nam”, ông Trương Đình Hòe lo ngại.

Nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraina là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga đồng thời giữ vai trò quan trọng trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC).

Việc giá dầu liên tục tăng cao gần đây đã khiến ngư dân lao đao, nhiều tàu thuyền ngừng ra khơi đánh bắt vì lo lợi nhuận không đủ bù chi phí xăng dầu. Giá xăng dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hiện, các cước phí vận chuyển thủy sản xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ… đã rục rịch tăng.

CHỦ ĐỘNG NGUỒN CUNG PHÂN BÓN ĐỂ GIẢM LỆ THUỘC

Nỗi “kinh hoàng” lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp nước ta trong năm 2021 chính là giá phân bón và giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng phi mã đã khiến cả trồng trọt và chăn nuôi bị ảnh hưởng. Ngành phân bón và ngành xăng dầu có liên quan hữu cơ với nhau, bởi một số loại phân bón là sản phẩm gia tăng của ngành chế biến xăng dầu. Phân bón cũng là loại vật tư nông nghiệp mà Việt Nam đang lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu.

Xung đột Nga – Ukraina: Ngành nông nghiệp Việt “vạ lây” - Ảnh 2

Hiện Nga và Trung Quốc là hai nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Trong xung đột Nga – Ukraina, để trả đũa sự trừng phạt kinh tế, Nga đang không chỉ hạn chế xuất khẩu xăng dầu, mà còn đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường phân bón trong nước.

Theo các chuyên gia phân tích, sản lượng phân bón hàng năm của Nga đạt hơn 50 triệu tấn, tương đương 13% tổng nguồn cung toàn cầu. Trong đó, Phosagro, Uralchem, Uralkali, Acron và Eurochem là những nhà sản xuất lớn nhất và chủ yếu xuất khẩu hàng sang châu Á và Brazil. Ngay sau khi cuộc chiến Nga - Ukraina bùng nổ, giá phân đạm urê trên thị trường hàng hóa New Orleans đã tăng 25%, đạt mức 700 USD/tấn so với 560 USD/tấn hồi đầu tuần.

 

Hiện tại, giá phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu tăng khoảng 80-130% so với năm ngoái. Trong đó, urê là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng khoảng 130%, lên mức 15,5-16 triệu đồng/tấn tại TP. HCM. Giá nhập khẩu tháng 1/2022 rơi vào khoảng 461,6 USD/tấn, so với 262,4 USD/tấn cùng kỳ năm trước, tăng 76%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 322.731 tấn phân bón, tương đương 153,6 triệu USD. Trong đó, Việt Nam mua 53.773 tấn từ Nga, tương đương gần 29,6 triệu USD, chiếm 16,7% trong tổng lượng và chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch so với tháng 12/2021. Trong năm 2021, Việt Nam chi 143,5 triệu USD để nhập khẩu 386.193 tấn phân bón từ Nga.

Sự tăng giá của phân bón đang “đè nặng” lên vai nông dân. Để ứng phó với vấn đề này, trong bối cảnh nông dân đang gieo trồng vụ Đông Xuân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, lên nhiều kịch bản ứng phó với biến động của thị trường thế giới.

 
 
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Hai tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 32 triệu USD, còn xuất khẩu thủy sản sang Ukraina đạt gần 7 triệu USD. Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Mặt khác, có những công ty ở một số nước khác, trước nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu sang Nga cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới ngừng mua thủy sản Việt Nam.

 
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong những tháng tới, chúng tôi sẽ thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng và tình hình sản xuất. Đồng thời, sẽ tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Lệnh 248, 249.

Những nhiệm vụ tiếp theo là, tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc… Tổ chức Tuần lễ Nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương với Ấn Độ, Argentina, UAE; Hội đàm với đoàn Phó Chủ tịch điều hành EU nhằm thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khuôn khổ triển khai kết quả Hội nghị COP26 và chống khai thác IUU, đề xuất các giải pháp và kiến nghị EU gỡ bỏ thẻ vàng cho ngành thuỷ sản Việt Nam. Tổ chức "Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp".