20:12 06/03/2022

Xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội mới

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Vào lúc 15h ngày 7/3/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Tọa đàm với chủ đề Đánh giá tác động từ xung đột vũ trang Nga – Ukraine đến nền kinh tế Việt Nam. Tọa đàm sẽ được phát trực tuyến trên VnEconomy.vn và FanPage VnEconomy...

Hiện nay, xung đột Nga-Ukraine đang đe dọa không ít đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu - vốn đang rất chật vật sau khủng hoảng kéo dài của đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, những tác động tiêu cực được đánh giá không hề nhỏ trong cả trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ, năng lượng, vận tải và chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam.

Cụ thể, cuộc xung đột là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường, một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như khí đốt – dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô, do thị phần sản xuất và xuất khẩu của hai nước, đặc biệt là Nga là rất lớn.

Vì vậy, nếu căng thẳng giữa hai quốc gia này tiếp tục kéo dài có thể khiến nhiều nước (bao gồm cả Việt Nam) gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu trên trong thời gian tới.

Đồng thời, với việc Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng - tài chính của Nga, khiến giá trị đồng Ruble của Nga liên tục lao dốc. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho việc thanh toán các hợp đồng thương mại.

Về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá. Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Về thương mại hai chiều với Nga và Ukraine, hai nước đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6. Mặc dù năm 2021, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ khoảng 7,8 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 1,2 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tuy nhiên, từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga và Ukraine đã có bước tiến mạnh mẽ với mức trung bình khoảng 30%. Trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước này.

Xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội mới - Ảnh 1

Trước những diễn biến khó lường của cuộc xung đột cũng như những nhận định và đánh giá ban đầu về tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam, Tọa đàm: “Xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội mới" sẽ phân tích, đánh giá tình hình, tác động của những diễn biến mới trong nước và quốc tế, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu, trong đó có giá xăng dầu tăng cao…

Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:

- Thế giới đang phải gánh chịu những tác động và hệ lụy gì về kinh tế từ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Những tác động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ cuộc xung đột này đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

- Các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng ra sao đến vấn đề lạm phát, thị trường tài chính tiền tệ, phục hồi tăng trưởng kinh tế và chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu?

- Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì về hoạt động đầu tư, giao thương, xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine khi các lệnh trừng phạt gây “gián đoạn” và “ngưng trệ” hoạt động vận tải, thanh toán. Các phát sinh trong tranh chấp thương mại có thể xẩy ra?

- Kịch bản nào cho Việt Namđể ứng phó trước các tác động và tình huống phát sinh có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế?

- Nhận định và đánh giá về khả năng cơ hội mà Việt Nam có thể nắm bắt và tận dụng được về đầu tư và phát triển thương mại từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, trên cơ sở thúc đẩy các Hiệp định FTA song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực;

- Các khuyến nghị chung về chính sách, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế, tài chính và khách mời của Tọa đàm bao gồm:

- TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đồng thời điều hành tọa đàm;

- TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam;

- TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội;

- Ths. Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội.

Nội dung tọa đàm sẽ được phát trực tuyến vào 15h00, thứ 2, ngày 7/3/2022 trên nền tảng VnEconomy.vnFanpage VnEconomy.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!