Giá xăng dầu leo thang, doanh nghiệp vận tải chật vật xoay xở
Giá xăng dầu liên tục leo thang, phá kỷ lục trong vòng 8 năm qua và có thể tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới khiến các doanh nghiệp vận tải bị khó khăn bủa vây do chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại lao đao tìm cách xoay xở duy trì hoạt động...
Số liệu mới nhất về tình hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, hoạt động vận tải hành khách 2 tháng đầu năm vẫn trầm lắng khi chỉ đạt 538,5 triệu lượt khách vận chuyển, tiếp đà sụt giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do số ca mắc Covid-19 ở các địa phương đang gia tăng nhanh khiến người dân “e dè” trong di chuyển. Không chỉ nguồn thu từ hành khách sụt giảm, một số doanh nghiệp vận tải lâm vào thế khó phải “ngậm ngùi” tạm đóng cửa hoạt động để không bị thua lỗ.
DOANH NGHIỆP VẬN TẢI CẦM CỰ CHƯA TĂNG GIÁ CƯỚC
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, vận tải hành khách tháng 2 ước đạt 285,7 triệu lượt khách vận chuyển, nhích tăng 13,1% so với tháng trước và luân chuyển 11,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10% do nhu cầu đi lại của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, vận tải hành khách vẫn nhuốm màu “ảm đạm” khi chỉ đạt 538,5 triệu lượt khách vận chuyển, tiếp đà sụt giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, cùng kỳ năm 2021, vận tải khách cũng giảm đến 21,1%. Luân chuyển hành khách đạt 21,3 tỷ lượt khách.km, giảm 27,2%. Vận tải ngoài nước đạt 11,6 nghìn lượt khách, vẫn tụt dốc 81,2% và 21,6 triệu lượt khách.km, giảm thẳng đứng 91,9%.
Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa tháng 2 ước đạt 166,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm nhẹ 4,4% so với tháng trước do vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết diễn ra trong tháng 1 và luân chuyển 31 tỷ tấn.km, giảm 4,9%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa vẫn giữ đà tăng ổn định, đạt 341,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; trước đó, cùng kỳ năm 2021 tăng 8,7% và luân chuyển 63,6 tỷ tấn.km, tăng 9,9%; cùng kỳ năm trước tăng 4,2%.
Trong đó, vận tải trong nước đạt 335,8 triệu tấn vận chuyển, tăng 7% và 39,7 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 12%; vận tải ngoài nước đạt 5,3 triệu tấn vận chuyển, tăng 1,5% và 23,9 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 6,5%.
Vận tải khách nối lại nhịp hoạt động bình thường chưa được bao lâu thì giá nhiên liệu biến động mạnh, liên tiếp leo thang trong những đợt điều chỉnh gần đây khiến doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao, phải gồng gánh nhiều chi phí để cầm cự hoạt động.
Ông Dương Chí Thành, đại diện G7 Taxi cho biết, giá xăng dầu tăng chóng mặt, ngoài ra còn các chi phí phòng chống dịch bệnh, kéo theo chi phí của công ty tăng lên gấp bội. Doanh nghiệp cố gắng giữ ổn định giá thành dịch vụ với hành khách. Tuy nhiên, “nếu giá cước vận tải không được điều chỉnh, chắc chắn doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng”, ông Thành nhấn mạnh.
Với doanh nghiệp vận tải hàng hoá, gánh nặng về chi phí nhiên liệu thậm chí còn lớn hơn rất nhiều. Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Logivan Việt Nam cho biết, xe tải càng lớn thì mức tiêu hao nhiên liệu tính trên 100km càng nhiều. Thậm chí, đối với các nhà vận tải khai thác tuyến dài, nhiên liệu chiếm tỷ trọng chi phí lên tới 38%, lớn hơn so với tuyến ngắn khoảng 26%.
Mặt khác, các nhà xe tại Việt Nam thường mua xe tải cũ qua sử dụng, do đó, gây tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn xe mới. Trong hầu hết các hợp đồng, giá vận tải sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm khoảng một vài phần trăm khi giá dầu diesel biến động hơn 10%.
CƯỚC VẬN CHUYỂN, GIÁ CẢ HÀNG HOÁ RỤC RỊCH TĂNG
Bên cạnh nhiều đơn vị cố gắng xoay xở vẫn chưa tăng giá cước vận tải, trước áp lực tăng giá xăng dầu tăng lần thứ 6 liên tiếp, sát mốc 27.000 đồng/lít và nhiều chi phí khác bủa vây, hàng loạt doanh nghiệp vận tải quyết định tăng giá cước vận chuyển 5-10%.
Do tình hình giá xăng tăng mạnh, Công ty Taxi Phượng Hoàng có trụ sở chính tại Chương Mỹ, Hà Nội vừa thông báo điều chỉnh về giá cước. Theo đó, với xe taxi 5 chỗ, taxi Phượng Hoàng tăng 1.000 đồng/km sau 1,3km đầu tiên. Cụ thể, dưới 25km, giá tăng từ 10.500 đồng/km lên 11.500 đồng/km; từ 26km trở lên, tăng từ mức 9.000 đồng/km lên 10.000 đồng/km.
Cước xe 7 chỗ tăng mạnh nhất 1.500 đồng/km áp dụng với hành khách di chuyển dưới 25km, từ 13.500 đồng/km lên 15.000 đồng/km. Với hành khách di chuyển đường dài từ 26km trở lên, giá cưới mới tăng 1.000 đồng/km so với trước đây. Tuy nhiên, phí chờ, lưu đêm, lưu ngày vẫn giữa nguyên như trước.
Do giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian dài và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tình hình quốc tế nhiều biến động hiện nay, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Việt Cường cũng điều chỉnh giá cước, áp dụng từ ngày 1/3, để đảm bảo hài hoà về quyền lợi trong kinh doanh vận tải dịch vụ vận tải hành khách.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 1% của CPI tháng 2 so với tháng trước, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 21/01, 11/02 và 21/02 làm chỉ số giá xăng dầu tăng 5,8%. Giá xăng dầu lập đỉnh đẩy khiến CPI chung tăng tới 0,21 điểm phần trăm.
Dưới áp lực giá xăng dầu leo thang, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lo ngại, giá cước taxi, vận chuyển hàng hóa rục rịch tăng, sau đó, tạo sức ép tăng giá hàng hóa.
Trước đây, một chuyến xe tải vận chuyển hàng hoá từ Nam ra Bắc chỉ khoảng 5 triệu đồng nhưng hiện lên tới 7 triệu đồng/chuyến. Hai tháng gần đây, hàng hoá nhích tăng từ 5-30%.
TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Chia sẻ với những khó khăn chồng chất doanh nghiệp vận tải đang phải gánh chịu hiện nay, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội bày tỏ, doanh nghiệp vận tải càng chạy càng lỗ, nếu tăng giá vé để bù đắp chi phí do nhiên liệu tăng cao thì e ngại không có khách, nghỉ thì không có tiền trả lãi vay ngân hàng, mất nguồn khách quen.
Nhiều doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh cũng không thể điều chỉnh ngay bởi thủ tục xét duyệt phức tạp, in lại vé, đổi vé cũ cũng gây tốn kém, mà cũng khó lòng đuổi kịp mức tăng của xăng dầu.
"Khi chiến sự Ukraina – Nga còn diễn biến phức tạp, trong khi nguồn xăng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu thị trường dưới sức ép của giá đầu vào tăng, doanh nghiệp sớm sẽ phải điều chỉnh giá cước vận chuyển hành khách và vận tải hàng hoá đầu ra để theo kịp giá cả thị trường", ông Liên lo ngại.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn nên sớm muộn doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính tới việc tăng giá cước.
Tuy nhiên, điều này sẽ khiến giá cả hàng hoá, dịch vụ nhích tăng, ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu đi lại người dân, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
Trong khi thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu được áp mức kịch trần trong giá xăng, lên đến 3.800-4.000 đồng/lít, ông Quyền cho rằng, Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm loại thuế này để giảm được giá nhiên liệu, từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trước tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và trong nước có biến động tăng, đã và đang có những tác động nhất định đến giá thành các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của ngành và giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Viện Chiến lược và Phát triển giao thông chủ trì theo dõi sát tình hình biến động của giá cả nhiên liệu và đánh giá tác động.
“Khẩn trương có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình hình, xu hướng biến động giá nhiên liệu, tác động của biến động giá đối với lĩnh vực vận tải và đề xuất giải pháp kiểm soát giá dịch vụ vận tải để Thường trực Chính phủ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh”, đại diện Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Nhìn dài hạn hơn, ông Bùi Danh Liên cho rằng, Nhà nước cần tìm giải pháp lâu dài để hạn chế sử dụng xăng dầu, giảm thiểu việc khai thác nhiên liệu hóa thạch, vừa bảo vệ môi trường. Khi 10 năm tới đây, nhiều quốc gia chuyển sang xe chạy điện, những chính sách khuyến khích, tuyên truyền người dân sử dụng xe điện, tính toán các trạm sạc điện, cần phải đi trước một bước.