12:56 14/02/2023

Y án 2 năm tù vụ Đặng Như Quỳnh tung tin đồn thất thiệt

Đỗ Mến

Đại diện ủy quyền của bị hại đã yêu cầu Quỳnh phải đăng báo công khai xin lỗi nhưng yêu cầu này không được chấp thuận.

Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm sáng 14/2.
Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm sáng 14/2.

Sáng 14/2, TAND TP Hà Nội xét đơn kháng cáo của bị cáo Đặng Như Quỳnh (SN 1980, ở Hà Nội) về tội Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, tòa sơ thẩm xử phạt Quỳnh mức án 2 năm tù, tuyên tịch thu chiếc điện thoại Samsung Note 20 Ultra.

Về phần dân sự, bị hại không có yêu cầu bồi thường thiệt hại nên tòa không xem xét. Tuy nhiên, đại diện bị hại yêu cầu Quỳnh phải đăng báo công khai xin lỗi.

Tòa sơ thẩm cho rằng, bị cáo bị tạm giam và xét xử về hành vi vi phạm hình sự nên không thể thực hiện ngay được yêu cầu của bị hại. Yêu cầu của bị hại liên quan đến quyền nhân thân được quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự. Vì vậy, không giải quyết trong vụ án này, các bị hại có quyền làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Quỳnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mong muốn nhận lại chiếc điện thoại.

Tại tòa, Quỳnh khai nhận, chiếc Samsung Note 20 Ultra màu hồng thuộc sở hữu của hai con gái và dùng để học tập. Đây không phải công cụ được Quỳnh dùng để đăng tải bài viết “câu like” sai sự thật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử truy vấn, trong điện thoại có nhiều tin nhắn liên quan đến vụ án thì Quỳnh khai nhận, do tài khoản các điện thoại được đồng bộ nên vẫn hiển thị được.

Sau 30 phút nghị án, tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Quỳnh, do chiếc điện thoại Samsung Note 20 Ultra có liên quan hành vi phạm tội, thể hiện trong các biên bản niêm phong vật chứng, chứa nhiều tin nhắn, bài viết chứa nội dung vi phạm.

Việc tòa sơ thẩm tuyên mức án 2 năm tù đã xét đủ các yếu tố giảm nhẹ, phù hợp nên tòa phúc thẩm cũng không có căn cứ giảm nhẹ.

Bản án sơ thẩm thể hiện, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, Quỳnh sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook có tên là “Đặng Như Quỳnh” để đăng tải các bài viết do mình soạn thảo hoặc chia sẻ lại bài viết của người khác. Đến tháng 4/2022, tài khoản này có hơn 300.000 người sử dụng Facebook theo dõi. Các bài viết cũng có nhiều lượt tương tác like, share (chia sẻ) và comment (bình luận).

Ngày 2/4/2022, Quỳnh biết thông tin một số cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản bị các cơ quan chức năng xử lý sai phạm. Mặc dù không có thông tin ông Đỗ Anh Dũng (HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bị xử lý hình sự nhưng Quỳnh tự suy diễn, đăng tải công khai trên Facebook bài viết có nội dung ám chỉ về việc cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với trường hợp này.

Sau khi Quỳnh đăng tải, bài viết được hàng nghìn cá nhân tương tác. Đến ngày 5/4/2022, khi cơ quan tố tụng công bố thông tin về việc xử lý hình sự với ông Đỗ Anh Dũng, Quỳnh chỉnh sửa bài viết, bổ sung thêm nội dung để định hướng người đọc.

Do biết các thông tin do mình đăng tải được nhiều người tiếp cận, Quỳnh tiếp tục tự suy diễn về việc cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra đối với ông Nguyễn Văn T. (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX), ông T. cũng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Viglacera – CTC0 (mã VGC).

Từ 00h – 10 giờ 26 phút ngày 6/4/2022, Quỳnh đăng tải 2 bài viết kèm hình ảnh cá nhân ông T. về việc ông T. bị điều tra, bắt tạm giam và ông T. sở hữu phức tạp nhiều công ty đại chúng có hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cả hai bài viết này được lan truyền rộng rãi trên mạng internet. Theo đó, trong các phiên giao dịch ngày 6,7,8, 11 và 12/4, xuất hiện hiện tượng các nhà đầu tư đặt lệnh bán với số lượng lớn mã cổ phiếu của doanh nghiệp. Kèm theo đó, thị giá và vốn hoá trên thị trường của các mã chứng khoán này giảm mạnh.

Chỉ riêng vốn hoá hai mã chứng khoán giảm gần 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra chỉ số VN Index giảm 64,78 điểm, chỉ số HNX Index giảm 35,09 điểm, chỉ số UPCOM giảm 4,57 điểm.

Ngày 12/4/2022, ông T. và một số nhà đầu tư chứng khoán có đơn tố giác Quỳnh do làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, hình ảnh và hoạt động các công ty, giá cổ phiếu, làm thiệt hại đến tài sản nhà đầu tư.

Ngày 29/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định hành vi của Quỳnh đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân ông T. Ngày 23/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định 2 bài viết của Quỳnh là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với các mã chứng khoán liên quan đến ông T. và thị trường chứng khoán nói chung.

Tòa sơ thẩm nhận định, hai bài viết của Quỳnh đã xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân ông T. (vi phạm điểm b khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng) và là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với mã chứng khoán của doanh nghiệp này.

Hành vi này còn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, gây tâm lý hoang mang trong dư luận của các nhà đầu tư chứng khoán, ảnh hưởng xấu đến an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội.