13:06 16/02/2024

Yêu cầu báo cáo việc nâng hạng thị trường chứng khoán trước 30/6

Tiến Dũng

Đây là một trong những nhiệm vụ cụ thể được nêu trong Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Thủ tướng Chính phủ...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ thị nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; gây áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những tháng đầu năm 2024. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết.

XỬ LÝ NHANH CÁC VƯỚNG MẮC ĐỂ NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi tiến độ, đôn đốc, thúc đẩy việc thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp toàn diện, kịp thời để điều hành linh hoạt, hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương, rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2024 việc kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án đã được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm theo đúng quy định.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024; quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2024, bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Đồng thời chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các chủ đầu tư, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước; công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, bảo đảm giao dịch thông suốt, liên tục, không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không rõ lý do và phát sinh chi phí cho chủ đầu tư.

TẠO ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN VỐN TÍN DỤNG NGÂN HÀNG

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2021 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024.

Điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạ lãi suất cho vay, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Tiếp tục thực hiện các giải pháp để triển khai các chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ; 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đôn đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các nhà thầu dầu khí triển khai hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí năm 2024 theo kế hoạch được phê duyệt; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tăng sản lượng khai thác nội địa đáp ứng yêu cầu sản xuất điện.

Bộ Công thương cũng tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh thủ tục, di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án ngành giao thông vận tải; tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành các công trình lưới điện trong năm 2024, nhất là đường dây 500Kv mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên); chỉ đạo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời cảnh báo, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án sản xuất kinh doanh nông sản phù hợp, bảo đảm nước tưới, vật tư, nguyên liệu đầu vào; hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân.

Thường xuyên, chủ động chỉ đạo công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tích cực hỗ trợ các địa phương kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

ĐÔN ĐỐC THI CÔNG CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo bảo đảm bố trí đủ phương tiện phục vụ cho nhu cầu đi lại sau Tết của Nhân dân; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến trong vận tải hàng không; tuyệt đối không để hành khách không có phương tiện trở lại nơi làm việc, học tập.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, chủ động tổ chức giao thông, phân luồng từ xa, xả trạm thu phí (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài nhất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Chỉ đạo Chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục giao mỏ bảo đảm trữ lượng và công suất để có thể khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đáp ứng tiến độ yêu cầu. Triển khai kế hoạch bảo trì, sửa chữa, cải tạo an toàn giao thông của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát, xử lý các điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông; rà soát lắp đặt bổ sung, nâng cấp rào chống chói mắt trên Quốc lộ 1A, các quốc lộ trọng điểm và các tuyến cao tốc

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" bảo đảm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu đúng kế hoạch đề ra.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền, các địa phương để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên vùng như đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

Yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2024 kết quả đánh giá thử nghiệm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, kết luận rõ việc sử dụng cát biển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với đường ô tô cao tốc để đề xuất nhân rộng cho các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội trong tháng 2/2024; tập trung nguồn lực hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đối với các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ được khai thác theo cơ chế đặc thù để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất; hướng dẫn và chỉ đạo kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các lễ hội, địa điểm du lịch. Chỉ đạo các địa phương, các chủ hồ thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm khai thác tối ưu, hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chủ động dự trữ nước cho các tháng cao điểm mùa khô...