FTSE có thể nâng hạng chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2024?
VnDirect kỳ vọng hệ thống KRX sẽ chính thức được vận hành trong 2 quý đầu năm 2024 và Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ xem xét vào tháng 9/2024 của tổ chức này...
VnDirect vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành chứng khoán trong đó nhấn mạnh kết quả kinh doanh tích cực sẽ là động lực tăng trưởng cho cổ phiếu trong ngành chứng khoán.
Trong bối cảnh nền kinh tế thực đang chậm lại, lãi suất gửi tiết kiệm thấp từ ngân hàng và thị trường bất động sản đóng băng, dòng vốn đang chảy vào thị trường chứng khoán. Hầu hết các cổ phiếu trong ngành chứng khoán đều có tỷ suất đầu tư vượt trội so với thị trường, với đa số có mức tăng trên 50% về giá.
Đáng chú ý, sự tăng giá sớm và mạnh đến từ các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ trong ngành như VIX, BSI, FTS, tăng lần lượt lên đến 178%, 170%, và 166% từ đầu năm (tính đến 29/12/2023). Điều này phản ánh chính xác tâm lý giao dịch ngắn hạn của nhà đầu tư trong giai đoạn tích lũy của thị trường.
Do đó, dự kiến rằng cổ phiếu có vốn hóa vừa và lớn, với kết quả kinh doanh nổi bật, sẽ có cơ hội tốt hơn trong năm 2024 khi các nhà đầu tư trở nên chọn lọc hơn và đánh giá lại các yếu tố thúc đẩy giá của từng cổ phiếu.
Hệ thống KRX vận hành không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới, cải thiện thanh khoản mà còn giúp thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch và hệ thống thanh toán bù trừ hiện nay, đây cũng là điều kiện cần để các tổ chức xếp hạng xem xét nâng hạng thị trường VN lên thị trường mới nổi.
VnDirect kỳ vọng hệ thống KRX sẽ chính thức được vận hành trong 6T24 và Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ xem xét vào T9/24 của tổ chức này.
Trong năm 2024, kỳ vọng giá trị giao dịch bình quân phiên sẽ tăng 25-30% svck, nhờ 1) sự ra mắt hệ thống giao dịch KRX và 2) khả năng VN-INDEX đạt 1.280 – 1.430 điểm trên bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Về mặt định giá, định giá dài hạn của ngành chứng khoán không còn rẻ, nhưng vẫn hợp lý trong ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Chính phủ quyết tâm đưa thị trường chứng khoán thành một kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, giảm tải áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại Trong bối cảnh thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, cổ phiếu được coi là một kênh đầu tư tài sản cùng với thị trường bất động sản truyền thống. Những tiến bộ về công nghệ đóng góp vào việc nâng cao sự thâm nhập của ngành này.
Thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do hiệu suất đầu tư cao hơn so với các ngành khác, với tỷ lệ sở hữu nước ngoài không bị hạn chế.
Một số động lực cho tầm nhìn ngắn và trung hạn bao gồm: Nới lỏng chính sách tiền tệ được duy trì, và có khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm thêm lãi suất điều hành; Triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo chỉ số FTSE. Là tiền đề để thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Thanh khoản thị trường được cải thiện nhờ hệ thống KRX đi vào hoạt động. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện, với kỳ vọng rằng dòng vốn sẽ chảy vào thị trường tài sản khi nền kinh tế thực vẫn chưa thực sự hấp thụ hoàn toàn. Sự trở lại của vốn nước ngoài sau chu kỳ bán ròng trong năm 2023.
Về chiến lược, nhà đầu tư nên duy trì quan điểm tích cực trong ngắn và trung hạn đối với cổ phiếu trong ngành này, cân nhắc rằng triển vọng dài hạn đã được phản ánh trong sự tăng giá chung của các cổ phiếu trong ngành. Do đó, sẽ có sự phân hóa giữa các cổ phiếu, và những cổ phiếu tiềm năng là những cổ phiếu có định giá hợp lý, kỳ vọng về hiệu suất kinh doanh tích cực và thường xuyên được nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng.