Yêu cầu xem lại đề xuất áp giá sàn các dự án PPP
Đề xuất áp giá sàn các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) từ 1.200 tỷ đồng trở lên được nhận định sẽ làm mất cơ hội của cả địa phương và doanh nghiệp
Trước thông tin phản ánh liên quan đến đề xuất áp giá sàn các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) từ 1.200 tỷ đồng trở lên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua báo chí có phản ánh đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc áp giá sàn các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) từ 1.200 tỷ đồng trở lên được nhận định sẽ làm mất cơ hội của cả địa phương và doanh nghiệp.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cơ quan này đang lấy ý kiến góp ý về 10 vấn đề trong xây dựng Luật PPP (Luật về hợp tác công tư).
Theo đó, phương thức đầu tư PPP được thực hiện theo 3 nhóm hợp đồng: thu phí từ người sử dụng - BOT (xây dựng, kinh doanh chuyển giao), BTO (xây dựng, chuyển giao, kinh doanh), BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh), O&M (kinh doanh và quản lý); nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình - BT.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 2 loại hợp đồng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam trong thời gian qua là BOT và BT.
Một trong những vấn đề cần quan tâm là quy mô dự án áp dụng PPP. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định quy mô tối thiểu của dự án để thực hiện dự án theo hình thức PPP ở Canada là 100 triệu USD, Úc và Singapore là 50 triệu USD, Anh là 25 triệu USD, Nam Phi 1 triệu USD... Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia không quy định hạn mức làm PPP như Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Philippines.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ. Do vậy, quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án xứng đáng để đầu tư theo hình thức này, tránh đầu tư dàn trải mang lại hiệu quả không cao.
Cùng với đó, chi phí giao dịch của các dự án PPP khá cao, do đó nếu thực hiện PPP cho dự án nhỏ thì dẫn đến không hiệu quả. Dự án với quy mô đủ lớn mới có tính hấp dẫn nhà đầu tư.
Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến 2 phương án. Phương án 1, áp dụng quy mô dự án thiểu để đầu tư theo phương thức PPP. Theo đó, chỉ thực hiện với dự án từ 1.200 tỷ đồng trở lên.
Lý do, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hạn mức 1.200 tỷ đồng là căn cứ hạn mức thấp nhất của các dự án nhóm A theo phân loại tại dự thảo Luật Đầu tư công hiện tại. Ngoài ra, đa số các dự án BOT giao thông, BOT điện, dự án bệnh viện trong thời gian qua có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng trở lên. Ngoài con số 1.200 tỷ đồng, một con số khác liên quan đến quy mô dự án tối thiểu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là 300 tỷ đồng.
Phương án 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để áp dụng dự án PPP.