15:47 24/09/2017

10 kiến nghị cho “mặt tiền” đất nước khang trang hơn

Nguyên Vũ

“Là mặt tiền của Việt Nam nhìn ra biển Đông, nhiều tiềm năng nhưng bao nhiêu đời vùng duyên hải miền Trung vẫn cứ nghèo”

Toàn cảnh phiên họp của Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung - Ảnh: Việt Tuấn.
Toàn cảnh phiên họp của Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung - Ảnh: Việt Tuấn.
“Là mặt tiền của Việt Nam nhìn ra biển Đông, nhiều tiềm năng nhưng bao nhiêu đời vùng duyên hải miền Trung vẫn cứ nghèo, phát triển tương xứng với mặt tiền vẫn là khát vọng”, TS. Trần Du Lịch, trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Điều phối vùng, chiều 24/9.

Để “mặt tiền của đất nước” khang trang hơn, ông Lịch cho biết, Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung đã kiến nghị Thủ tướng 10 nội dung, đề nghị Thủ tướng chấp thuận về nguyên tắc để làm cơ sở cho các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn và phối hợp triển khai nghiên cứu thành những quy định hoặc đề án cụ thể để áp dụng.

Thứ nhất, về quan điểm phát triển, đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu và yêu cầu phát triển vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, vừa có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, vừa có ý nghĩa quan trọng về an ninh - quốc phòng.

Theo TS. Trần Du Lịch, đây là vấn đề mang tính chất quan điểm phát triển, nếu được xác định sẽ là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế và chính sách phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực và từng địa bàn, nhất là cho các khu kinh tế ven biển và cũng là cơ sở để điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn vùng, nhất là ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kinh tế biển trong việc phân bố vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ quyết định thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), trong đó quy hoạch phát triển 4 nhóm ngành nghề chính: công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; dịch vụ cảng biển; du lịch và  thương mại - tài chính. 

Hiện nay chính sách và cơ chế đặc thù cho 3 đặc khu kinh tế đang được nghiên cứu thảo luận để trình Quốc hội quyết định, nhưng quan điểm chung của Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung đề nghị Chính phủ quan tâm đến thể chế thực sự vượt trội khả dĩ có thể cạnh tranh với các đặc khu kinh tế khác ở khu vực châu Á, tạo động lực thu hút đầu tư, tạo sự phát triển lan tỏa cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đồng thời tạo ra cơ hội để liên kết phát triển cả vùng.

Thứ hai, xây dựng trục kinh tế biển thống nhất với 9 tỉnh, thành phố là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia.

Cụ thể, tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thời kỳ 2021 - 2030 đồng thời rà soát lại, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung phù hợp với không gian kinh tế Vùng. 

Trên cơ sở đó, mở rộng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thêm 4 tỉnh: Phú Yên; Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận để thống nhất liên kết vùng 9 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung và gắn Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung với Hội đồng đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (hiện nay gồm 5 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) phát triển thành trục kinh tế biển thống nhất, gắn kết chặt chẽ với Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ. 

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung và các địa phương trong vùng tiến hành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch không gian phát triển kinh tế cho cả vùng.

Thứ ba, điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế của vùng duyên hải miền Trung.

Hiện nay trên địa bàn của vùng có 5 khu kinh tế ven biển với diện tích quy hoạch 152.000 ha, nhưng chưa được khai thác đáng kể. Đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong vùng và các bộ, ngành Trung ương khác, rà soát quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tại vùng duyên hải miền Trung trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. 

Một số khu kinh tế đã điều chỉnh như Chu Lai (Quảng Nam) và đang nghiên cứu điều chỉnh như Nhơn Hội (Bình Định) nhưng vẫn chưa có sự phối hợp về chức năng giữa các khu kinh tế.

Trên cơ sở rà soát tổng thể các khu kinh tế, tiến hành điều chỉnh cơ bản về mục tiêu phát triển, quy mô diện tích và quy hoạch các phân khu chức năng của từng khu kinh tế cho phù hợp với khả năng thu hút đầu tư cũng như không trùng lắp với chức năng của các khu kinh tế khác, giúp cho việc tập trung nguồn lực vào các mục tiêu mũi nhọn của từng khu kinh tế và giảm bớt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các khu kinh tế trong vùng.

Thứ tư, đề nghị nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các ban quản lý, bảo đảm cơ chế hành chính “một cửa”.

Ông Lịch trình bày, để khắc phục các chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản dưới luật có liên quan đến khu kinh tế, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nên ưu tiên tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan. Nghiên cứu ban hành luật về khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Trước mắt đề nghị các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật chuyên ngành cần có các nội dung riêng điều chỉnh các hoạt động trong khu kinh tế. Trong đó cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ cho ban quản lý khu kinh tế (ban quản lý khu kinh tế phải thực sự là nơi cung cấp “dịch vụ hành chính một cửa”).

Thứ năm, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế trọng điểm về công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ trên cơ sở rà soát và quy hoạch lại khu kinh tế Dung Quất và Chu Lai. Xây dựng quy chế đặc thù phát triển vùng kinh tế Chu Lai - Dung Quất, làm trung tâm công nghiệp - cảng biển (logistics) - đô thị biển của vùng duyên hải miền Trung. Cần gắn kết hai khu kinh tế này trong tổng thể phát triển, không bị chia cắt bởi hành chính địa phương.

Thứ sáu, đề nghị Chính phủ, giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung phối hợp cùng các địa phương, các bộ ngành khác rà soát quy hoạch chiến lược hệ thống hạ tầng của vùng, làm rõ theo chức năng, không chồng chéo, không xung đột lợi ích, nhất là không dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực về: cảng biển, đường giao thông, sân bay của vùng. 

Xây dựng cơ chế điều phối vùng trong việc đầu tư sân bay, cảng biển và giao thông kết nối vùng nhằm tránh phân tán nguồn lực (kể cả kêu gọi đầu tư tư nhân) và gắn kết giữa cảng biển với hệ thống tổ chức logistics, các khu công nghiệp trong vùng.

Thứ bảy, đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng. Đây là tuyến đường chiến lược về kinh tế và quốc phòng, gắn với con đường này sẽ quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển, hình thành “mặt tiền” của đất nước. 

Để thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian nhanh nhất, đề nghị Chính phủ xem xét phân bố tỷ lệ “vốn mồi”, còn chủ yếu huy động bằng “cơ chế”, trong đó có chính sách khai thác quỹ đất đô thị. Cần nghiên cứu chính sách đất đai và thuế đặc biệt ưu đãi để phát triển các đô thị trong các khu kinh tế ven biển, có thể nghiên cứu một số chính sách phù hợp sẽ áp dụng trong các đặc khu hành chính - kinh tế.

Trong tương lai đường ven biển quan trọng hơn đường quốc lộ, ông Lịch nhấn mạnh.

Thứ tám, để du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết của Bộ Chính trị và theo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch miền Trung trở thành ngành mũi nhọn”. 

Đây là địa bàn có lợi thế và có điều kiện để liên kết phát triển từ các “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”, xây dựng “thương hiệu điểm đến” chung cho cả vùng. 

Thứ chín, đề nghị ưu tiên xây dựng trung tâm logistics - hậu cần biển cho vùng duyên hải miền Trung.

Ưu tiên xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá của vùng (quy hoạch ở Khánh Hòa) và tạo điều kiện để xây dựng một số cảng cá địa phương thành trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh, gắn với công nghiệp chế biến và tổ chức lại đời sống của ngư dân ở các “làng chài”.

Việc đầu tư các khu neo đậu tránh bão của tàu thuyền với nguồn vốn nhỏ giọt thiếu tập trung đang rất bức xúc. Các khu hậu cần nghề cá ở quy mô địa phương phần lớn vẫn nằm trên quy hoạch, chưa có nguồn vốn đầu tư hoặc cơ chế huy động vốn đầu tư.

Thứ mười, đối với mô hình tổ chức Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung, đề nghị Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ ra quyết định công nhận Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung là một tổ chức hoạt động theo quy chế hội (theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010). 

Đây là phương án nâng cấp Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung hiện nay thành tổ chức có tư cách pháp nhân, hoạt động theo khung pháp lý của hội, đoàn hiện nay nhằm triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối liên kết vùng duyên hải miền Trung (nội dung này có đề án riêng đã trình Thủ tướng và Bộ Nội vụ cuối năm 2016).