Ông Paul Krugman, nhà kinh tế học từng giành giải thưởng Nobel và cũng là một cây viết cho tờ New York Times, có quan điểm bài xích tiền ảo. Ông cho rằng ngành công nghiệp tiền số tạo điều kiện cho tội phạm, có quy trình giao dịch phức tạp, thường nhắm tới và gây tổn hại cho những người dễ bị tổn thương và hoạt động như một mô hình kim kim tự tháp.
Những năm qua, nhà kinh tế học nổi tiếng này đã nhiều lần chỉ trích Bitcoin và các loại tiền ảo khác, cho rằng đây là những đồng tiền vô dụng, lãng phí, không phổ cập và chỉ được gán giá trị do hoạt động đầu cơ và thổi giá.
Dưới đây là những phát ngôn nổi bật về tiền ảo của ông Krugman trong 10 năm qua:
Ngày 12/4/2013: "Nhiều người cho rằng thật thông minh và tân tiến khi tạo ra một loại tiền ảo trong khi việc tạo ra chúng gây ra sự lãng phí tài nguyên thực theo cách mà Adam Smith sẽ gọi là ngu ngốc và lỗi thời vào năm 1776” . (Adam Smith là nhà kinh tế người Scotland nổi tiếng với thuyết bàn tay vô hình).
Ngày 28/12/2013: “Để thành công, một đồng tiền phải vừa là một phương tiện trao đổi, vừa là một công cụ lưu trữ giá trị ổn định và hợp lý. Hiện vẫn chưa rõ lý do để Bitcoin có thể được xem là một công cụ lưu trữ giá trị ổn định”.
Ngày 31/7/2018: "Tiền ảo không có ‘dây cương’ và cũng không có sự ràng buộc với thực tế. Giá trị của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào những kỳ vọng, đồng nghĩa rằng nó hoàn toàn có khả năng sụp đổ. Bitcoin sẽ trở nên vô giá trị”.
Ngày 19/5/2021: "Bitcoin không phải là một sự đổi mới mới. Nó đã xuất hiện từ năm 2009 và trong khoảng thời gian đó dường như không ai tìm thấy bất kỳ mục đích sử dụng hợp pháp nào cho nó. Nhưng tôi đã từ bỏ việc dự đoán về 'cái chết sắp xảy ra' của Bitcoin. Dường như luôn có một 'vụ thu hoạch' mới đối với các tín đồ Bitcoin. Có lẽ chỉ cần nghĩ về tiền ảo này như một giáo phái có thể tồn tại vô thời hạn".
Ngày 27/1/2022: "Tiền ảo đã được tiếp thị một cách hiệu quả: Nó đã thành công trong việc trông có vẻ mang tính tương lai và thu hút những mối lo sợ truyền thống rằng chính phủ sẽ làm giảm giá trị khoản tiết kiệm của bạn bằng lạm phát. Và những khoản lợi nhuận khổng lồ trong quá khứ đã khiến các nhà đầu tư lo lắng bị bỏ lỡ cơ hội. Vì vậy, tiền ảo đã trở thành một loại tài sản lớn, dù chẳng ai có thể giải thích rõ ràng về mục đích sử dụng hợp pháp của chúng” .
Ngày 27/1/2022: "Tôi đang thấy sự tương đồng một cách khó chịu với cuộc khủng hoảng dưới chuẩn những năm 2000. Tiền ảo không đe dọa hệ thống tài chính - những con số về tiền ảo không đủ lớn để làm điều đó. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rủi ro của tiền ảo đang tập trung một cách thiếu cân xứng vào những người không biết họ đang làm gì và ở thế yếu khi ứng phó với rủi ro đó” .
Ngày 31/1/2022: "Bitcoin đã trở thành sự ảo tưởng chủ nghĩa cá nhân tự cung tự cấp, bảo vệ gia đình bạn bằng súng trường AR-15 cá nhân, điều trị Covid bằng thuốc chống ký sinh trùng hoặc nước tiểu và quản lý các vấn đề tài chính của bạn bằng tiền tự tạo ra mà không bị tác động bởi các tổ chức như chính phủ hoặc ngân hàng” .
Ngày 17/5/2022: “Tiền ảo hầu như không giữ vai trò gì trong các giao dịch kinh tế ngoài việc đầu cơ trên thị trường tiền ảo. Và nếu câu trả lời của bạn là ‘hãy cho tiền ảo thêm thời gian', bạn nên nhớ rằng Bitcoin đã xuất hiện từ năm 2009, điều này khiến nó trở nên ‘già đời’ theo các tiêu chuẩn công nghệ. Nên nhớ là Apple ra mắt iPad vào năm 2010” .
Ngày 11/7/2022: “Theo như tôi thấy, tiền ảo đã phát triển thành một loại mô hình kim tự tháp hậu hiện đại. Ngành công nghiệp tiền ảo thu hút các nhà đầu tư bằng sự kết hợp giữa công nghệ và chủ nghĩa tự do. Nó đã sử dụng một phần dòng tiền đó để mua lấy ảo tưởng về sự tôn trọng – điều giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn. Và sau một thời gian, kể cả khi rủi ro đã tăng lên gấp bội, thì trên thực tế, tiền ảo đã trở nên quá lớn để có thể điều tiết” .
Ảnh: Getty Images/AP/Reuters/Shutterstock