14:26 04/08/2022

Trừng phạt nhằm vào Nga đang hiệu quả nhưng theo cách bất ngờ

Hoài Thu

Theo nhà kinh tế học hàng đầu thế giới từng đoạt giải Nobel Paul Krugman, các biện pháp trừng phạt đối với Nga dường như đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc, chỉ là theo cách nằm ngoài kỳ vọng ban đầu...

Nhà kinh tế Paul Krugman - Ảnh: Getty Images
Nhà kinh tế Paul Krugman - Ảnh: Getty Images

Nga đang có dấu hiệu được hưởng lợi từ tình trạng thương mại năng lượng hỗn loạn và biến động từ sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào quốc gia này có đang mang lại hiệu quả hay không, theo Business Insider.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman, các biện pháp trừng phạt đang hoạt động theo cách các nằm ngoài mong đợi: Đó là hạn chế hoạt động nhập khẩu của Nga, thay vì xuất khẩu.

“Nga hiện không gặp vấn đề gì trong việc bán hàng hóa của mình, nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn khi mua hàng”, ông Krugman viết trong một bài xã luận đăng tải trên tờ New York Times hôm 2/8.

Theo ông, dù các quốc gia phương Tây chủ yếu trừng phạt nhằm ngăn Nga xuất khẩu hàng hóa, những hạn chế liên quan tới nhập khẩu đã và đang tàn phá nền kinh tế nước này.

 

Các lệnh cấm bán hàng hóa cho Nga đã làm giảm khoảng 60% kim ngạch thương mại của nước này với các quốc gia áp đặt trừng phạt và khoảng 40% với các quốc gia không trừng phạt.

Hiệu quả trừng phạt này khác biệt so với kế hoạch ban đầu - trong đó nhằm siết nguồn doanh thu dùng cho chiến tranh của Nga thông qua các lệnh cấm về năng lượng và hướng tới đề xuất áp trần giá năng lượng Nga vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn biến theo kế hoạch này, khi mà dữ liệu cho thấy chỉ riêng trong 3 tháng đầu diễn ra chiến tranh, Nga thu về 24 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng. Trong khi đó, việc này lại khiến nguồn cung năng lượng cho các phương gia phương Tây bị siết lại, làm giá cả tăng vọt và đẩy nhiều nền kinh tế ỏ châu Âu tiến sát ngưỡng suy thoái.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 7% lên 100,54 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 2/8, còn giá khí đốt tăng 70%.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhập khẩu lại là câu chuyện khác. Các lệnh cấm bán hàng hóa cho Nga đã làm giảm khoảng 60% kim ngạch thương mại của nước này với các quốc gia áp đặt trừng phạt và khoảng 40% với các quốc gia không trừng phạt – ông Krugman chỉ ra.

Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Nga và ảnh hưởng tới GDP của nước này. Dữ liệu từ Viện Kinh tế Peterson cho thấy sản lượng sản xuất của Nga đã giảm 50% với các mặt hàng từ nhựa, than đá cho tới thiết bị gia dụng.

"Vì vậy, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga dường như đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc, chỉ là theo cách nằm ngoài kỳ vọng ban đầu”, vị chuyên gia kinh tế nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng trước đây, các nỗ lực chiến tranh kinh tế đều không thành công, trừ khi có liên quan đến một nỗ lực quân sự, như việc Mỹ đánh chìm các chuyến hàng của thương gia Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, khiến nền kinh tế Nhật suy yếu. Với trường hợp hiện tại, khi Nga tiếp tục giảm nguồn cung năng lượng cho Eu, nước này sẽ càng khó giành thắng thế trong “cuộc chiến” kinh tế với phương Tây.

Tuy nhiên, ông Krugman lưu ý rằng “cuộc chiến” này sẽ bị ảnh hưởng với các yếu tố như lạm phát, rủi ro suy thoái cao – những điều đang đẩy phương Tây vào thế khó.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm để chống lạm phát đang ở mức cao kỷ lục 41 năm. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng mạnh tay nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nhằm kiểm soát giá cả đang leo thang trong khu vực và tâm lý kinh tế suy yếu. Riêng châu Âu vẫn đang phải đối mặt với một thách thức lớn phía trước khi châu lục này chuẩn bị bước vào mùa đông mà không có dòng chảy khí đốt như bình thường từ Nga.