10 sự kiện kinh tế - xã hội 2020
Bình chọn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times
10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2020 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/Vietnam Economic Times bình chọn.
01- CÔNG BỐ DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN, CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Việc lấy ý kiến của nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
02- TĂNG TRƯỞNG GDP THUỘC NHÓM CAO NHẤT THẾ GIỚI
2,91% là mức tăng trưởng GDP Việt Nam đạt được trong năm 2020. Mặc dù đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây song tỷ lệ này vẫn thuộc nhóm cao nhất thế giới. Theo đánh giá của IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới với mức tăng 2,4% trong khi toàn cầu sụt giảm 4,4%.
ADB và WB cùng nhận định Việt Nam là điểm sáng của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng được dự báo 2,3-2,8% - cao nhất khu vực. Trong khi các nền kinh tế trên thế giới gần như đóng băng thì Việt Nam vẫn tận dụng tốt cơ hội khi là một trong số ít quốc gia vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2020 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 544 tỷ USD và đạt mức xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD giữa bão Covid-19.
03- ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NỖ LỰC ỨNG PHÓ THÀNH CÔNG CỦA VIỆT NAM
Năm 2020, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, đại dịch đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập...
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa tập trung phục hồi và phát triển Kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Việt Nam trở thành điểm sáng nổi bật toàn cầu, vừa về chống dịch, vừa về phát triển kinh tế. Năm 2020 được xem là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách.
04- VỊ THẾ CỦA VIỆT NAM NÂNG CAO TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ
Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPO/AIPA 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã vững vàng chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua khó khăn theo cách chủ động nhất, trách nhiệm nhất, sáng tạo nhất, bản lĩnh nhất và hiệu quả nhất, trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy trong ASEAN.
Trải qua một năm đầy thách thức, với chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng" Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế, nâng cao uy tín quốc tế thông qua việc tổ chức thành công nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng, cao điểm là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, 37 và Đại hội đồng liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41).
Trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại, duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch Covid-19 và củng cố hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Thành tựu nổi bật nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là việc Việt Nam đã thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán cam go, gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên.
Với cương vị nước chủ nhà ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong khối, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, nơi khác biệt và tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là trong tháng Việt Nam là Chủ tịch, Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy, ghi nhận dấu ấn vươn tầm của ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.
05- ĐẠI LỘ THƯƠNG MẠI 2020: EVFTA - RCEP
Kể từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội của hai bên phê chuẩn. Ngay sau đó, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành và đưa vào thực thi Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA với 5 nhiệm vụ trọng tâm giao cho các bộ, ngành cụ thể để chủ trì triển khai. Với dân số 500 triệu người và GDP 16 nghìn tỷ USD, EU là thị trường rộng lớn và tiềm năng trong trao đổi thương mại với nước ta. Đến nay, sau 4 tháng (tính đến hết tháng 11) hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 4%, nhập khẩu tăng trên 11% sau những tháng đầu năm có xu hướng suy giảm.
Sau 5 tháng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước ký kết vào ngày 15/11/2020. Đây được coi là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, còn các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90,7- 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9% - 100% số dòng thuế. RCEP không chỉ có lợi thế về một thị trường có 2,2 tỷ người tiêu dùng, hiệp định này bao phủ gần như toàn bộ chuỗi sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của Hiệp định RCEP so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết.
06- CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Chương trình hướng tới mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Chương trình đặt mục tiêu lớn tới năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 30% GDP.
Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và bước vào thế giới của các quốc gia tiên tiến. Công nghệ số - chuyển đổi số - kinh tế số là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường. Kinh tế số được coi là động lực phát triển quan trọng đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển.
Chỉ trong một năm qua, đã có thêm 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt đã tạo ra những nền tảng, giải pháp sản phẩm Make in Vietnam có giá trị thiết thực hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
07- MỘT NĂM GIÁ DẦU NGƯỢC CHIỀU GIÁ VÀNG
Ngày 20/4/2020, lịch sử ngành dầu mỏ thế giới lần đầu tiên chứng kiến giá dầu thô WTI (WTI và Brent là hai giá dầu được chọn làm thước đo của dầu thế giới) giao tháng 5 rơi xuống mức âm (-) 37,63 USD/thùng. Như vậy, các công ty khai thác dầu càng khai thác càng thua lỗ. Sau đó 2 ngày, ngày 22/4/2020, lần đầu tiên sau 21 năm giá dầu thô Brent cũng ghi nhận mức giảm kỷ lục là 15,98 USD/thùng.
Trước sự hỗn loạn lịch sử của thị trường, các thành viên trong và ngoài OPEC đã tham gia hiệp ước đã giảm khoảng 9,5 triệu thùng nguồn cung dư thừa mỗi ngày ra khỏi thị trường, trong đó riêng các đối tác ngoài OPEC giảm 2,6 triệu thùng/ngày, Mỹ và Canada giảm 3,6 triệu thùng/ngày. Động thái này đã đẩy giá dầu thô thế giới tăng trở lại, khiến giá dầu WTI giao động quanh mức 48,12 USD/thùng và dầu Brent 51,2 USD/thùng vào những ngày cuối năm 2020.
Cộng hưởng từ giá dầu thế giới, tháng 4/2020 giá xăng dầu trong nước cũng sụt giảm mạnh và ghi nhận mức giá thấp nhất trong 10 năm gần đây, thời điểm đó giá xăng RON 95 – III ghi nhận trên thị trường trong nước là 11.631 đồng/lít. Nhìn lại năm 2020 giá xăng dầu trong nước biến động liên tục với 24 lần điều chỉnh giá, trong đó có 9 lần tăng, 11 lần giảm và 4 lần giữ nguyên giá.
Ngược lại với giá dầu, giá vàng thế giới lại ghi nhận những đợt tăng, đỉnh điểm là vào đầu tháng 8/2020 khi có điểm giao dịch lên đến 2.078 USD/ounce tại thị trường Mỹ, còn tại phiên châu Á tăng lên gần 2.080 USD/ounce. Cộng hưởng từ giá vàng thế giới, đầu tháng 8/2020 giá vàng miếng SJC đạt mức 62,45 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao nhất từ năm 2011 đến nay. Đến những ngày cuối năm 2020, giá vàng trong nước vẫn neo cao quanh mức 55,30 triệu đồng/lượng mua vào và 55,80 triệu đồng/lượng bán ra.
08- CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG TIẾP TỤC ĐƯỢC ĐẨY MẠNH
Năm 2020, cuộc chiến chống tham nhũng phải đối diện trước câu hỏi lớn rằng, Đại hội 13 của Đảng đến nơi rồi, liệu Đảng, Nhà nước có dám làm không, có tiếp tục duy trì được không? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nhấn mạnh yêu cầu "mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều việc khó, nhưng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không được chững lại trong bất cứ hoàn cảnh nào và sắp tới phải làm mạnh hơn nữa".
Đúng như khẳng định của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, "lò" đốt giặc tham nhũng rực lửa liên tục từ đầu năm đến cuối năm. Trong tháng cuối cùng của năm 2020, một hội nghị toàn quốc chống tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay đã được triệu tập dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo báo cáo tại cuộc họp này, trong giai đoạn từ 2013 đến 2020, đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật (27 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
09- THIÊN TAI GÂY THIỆT HẠI GẦN 40 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Năm 2020 được nhận định là năm thời tiết diễn biến dị thường, thiên tai khốc liệt nhất từ trước tới nay. Tổng cộng cả năm, ở nước ta đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới; 264 trận dông, lốc, mưa đá bất thường; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất. Cùng với đó là hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt trong gần 2 tháng (tháng 10 và 11/2020), khu vực Duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua. Do lượng mưa kỷ lục tập trung nhiều ngày đã gây ra nhiều vụ sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp nhiều người, điển hình như ở thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế); Trà Leng (Quảng Nam); Trà Tân (Quảng Nam. Thống kê cả năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích (291 người chết, 66 người mất tích), ước thiệt hại về kinh tế 39.945 tỷ đồng.
10- 300 DOANH NGHIỆP QUỐC TẾ CÓ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ MỚI, MỞ RỘNG ĐẦU TƯ
28,53 tỷ USD là tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2020. Mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 25% so với năm 2019, song việc có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam chứng tỏ Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch Covid, các doanh nghiệp FDI vẫn giữ được mức giải ngân tương đương năm 2019 với 19,98 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ khoảng 2% so với năm trước. Nguồn vốn này đã góp phần đóng góp vào mức tăng trưởng 2,91% mà Việt Nam đạt được trong năm 2020 và trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực ASEAN.