17:09 30/11/2022

11 tháng, vận tải khách hàng không phục hồi thần kỳ, tăng hơn 200%

Anh Tú

Hoạt động vận tải 11 tháng phục hồi mạnh mẽ, trong đó, vận tải khách hàng không dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng hơn 218% còn đường biển đứng đầu lĩnh vực vận tải hàng hoá, với mức tăng 29,2%. Tuy nhiên, cần lưu ý công tác kiểm soát an toàn giao thông của các doanh nghiệp vận tải...

Dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng vận tải hàng hóa là lĩnh vực đường biển tăng 29,2%.
Dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng vận tải hàng hóa là lĩnh vực đường biển tăng 29,2%.

Ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì buổi giao ban định kỳ, rà soát nhiệm vụ tháng 11 và 11 tháng của năm 2022.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy lũy kế trong 11 tháng năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 3.350 triệu lượt khách, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách ước đạt hơn 155 tỷ hành khách.km, tăng 71,4% so với cùng kỳ.

 

Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng sản lượng vận chuyển hành khách là lĩnh vực hành không với mức tăng hơn 218%, kế tiếp là đường sắt tăng hơn 198%, lĩnh vực đường biển tăng gần 58%, đường bộ tăng gần 48% và lĩnh vực đường thủy tăng 43,5%.

Riêng tháng 11, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 283,6 triệu lượt khách, tăng 132,3% so với cùng kỳ. Luân chuyển hành khách ước đạt 12,5 triệu hành khách.km, tăng hơn 206% so với cùng kỳ.

Về vận tải hàng hóa, tính trong 11 tháng, sản lượng vận tải ước đạt 1.832 triệu tấn, tăng 24,6%; luân chuyển hàng hóa ước đạt 402 tỷ tấn.km, tăng 32,8% so với cùng kỳ. 

"Dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng vận tải hàng hóa là lĩnh vực đường biển tăng 29,2%, tiếp đến là đường thủy gần 29%, đường bộ tăng hơn 23%, đường sắt tăng 3,6% và đường hàng không ghi nhận mức tăng 2,9%”, đại diện Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Đánh giá về các hoạt động vận tải, theo Bộ trưởng, các con số của lãnh đạo Vụ Vận tải đưa ra đã thể hiện sự nỗ lực cố gắng phối hợp của cả hệ thống các cơ quan quản lý và địa phương cũng như các doanh nghiệp vận tải.

“Chỉ số này thể hiện sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ phục hồi mạnh mẽ sau chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chuyển trạng thái từ zero Covid sang thích ứng linh hoạt”, Bộ trưởng nhấn mạnh; đồng thời chỉ đạo các cơ quan của ngành giao thông vận tải tập trung cho vận tải Tết, đảm bảo năng lực đủ vận chuyển hành khách và hàng hoá thuận tiện nhất, an toàn nhất trong dịp cao điểm là Tết Nguyên đán sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì buổi giao ban.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì buổi giao ban.

Nhắc lại hai vụ việc tai nạn thương tâm vừa xảy ra trong một ngày tại Thừa Thiên Huế và Phú Yên, Bộ trưởng chỉ rõ, mặc dù tai nạn giao thông có giảm nhưng chưa bền vững. Vì vậy, cần nâng cao công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

“Sau mỗi vụ việc như vậy cần tập trung làm rõ xem nguyên nhân từ đâu, nếu không phải do người đi đường thì công tác quản lý có vấn đề gì không, phải thay đổi các biện pháp như thế nào cho đồng bộ từ cơ quan quản lý tới địa phương thì mới có thể đưa ra các giải pháp căn cơ, giải pháp ngắn hạn và dài hạn, có vậy mới bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng cũng yêu cầu tập trung hơn nữa vào công tác đào tạo sát hạch lái xe, công tác đăng kiểm phương tiện…

Tham dự và phát biểu tại cuộc họp giao ban, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, khẳng định so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát), tai nạn giao thông đã giảm rất sâu, đặc biệt là số người chết (giảm gần 12%).

Tuy nhiên, dịp cao điểm Tết tới đây, tình hình giao thông sẽ diễn biến phức tạp, vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023.

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với tất cả các Sở Giao thông vận tải tăng cường hơn nữa công tác quản lý dữ liệu, kiểm soát an toàn giao thông của các doanh nghiệp vận tải.

Đồng quan điểm trên, khẳng định theo thông lệ vào tháng 12, hoạt động vận tải sẽ rất “nóng”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải xây dựng giải pháp tăng cường quản lý, đặc biệt hai lĩnh vực đường bộ và hàng không, phải tăng cường kiểm soát, tuyệt đối không để hiện tượng tiêu cực xảy ra, gây bức xúc đối với người dân.

 

Từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra 10.323 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.800 người, bị thương 6.973 người. So với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 5.562 vụ (giảm 35%), giảm 1.175 người chết (giảm 16,8%), giảm 5.171 người bị thương (giảm 42,6%).

Riêng tháng 11, toàn quốc xảy ra 1.111 vụ, làm chết 579 người và làm bị thương 833 người. So với tháng 11 năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 523 vụ (giảm 32%), giảm 78 người chết (giảm 11,9%), giảm 438 người bị thương (giảm 34,5%). Còn so với tháng cùng kỳ năm 2021 giảm 70 vụ (giảm 5,93%), tăng 15 người chết (2,66%), giảm 7 người bị thương (giảm 0,83%).