08:41 21/10/2015

14 nghìn tỷ vốn dư qua lý giải của Bộ trưởng Thăng

Nguyên Vũ

Trực tiếp 3 phó thủ tướng chỉ đạo hai dự án mà sau khi hoàn thành còn dư hơn 14 nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.
Chiều 20/10, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, sau khi hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, còn dư 14.259/61.680 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ.

Số vốn này, Chính phủ tập trung ưu tiên bố trí đầu tư cho các công trình liên quan trực tiếp đến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh trước đây dự kiến bố trí nguồn vốn khác, nhưng hiện đang gặp khó khăn.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính -  Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, dự án mở rộng quốc lộ 1A và dự án đường Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng vượt tiến độ.

Trong quá trình thực hiện các dự án đã tập trung rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nên chi phí thực tế thấp hơn so với mức vốn đã bố trí là kết quả tích cực trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại việc cắt giảm quy mô đầu tư một số dự án có thể ảnh hưởng tới chất lượng công trình, không bảo đảm thực hiện đúng quy mô ban đầu của công trình. Mặt khác, chất lượng thi công một số đoạn, tuyến chưa thật sự bảo đảm chất lượng cần được khẩn trương sửa chữa.

Thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư, song cơ quan thẩm tra nhấn mạnh các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư này cần phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội quyết định, hoặc là các dự án trên tuyến quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cắt giảm được chi phí là do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thi công nhanh, đảm bảo chất lượng là yếu tố quyết định, khiến chi phí dự phòng trượt giá giảm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trao đổi thêm với báo chí về số tiền tiết kiệm hơn 14 nghìn tỷ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để thi công nhanh thì yếu tố giải phóng mặt bằng là quan trọng số một, mà điều này, nếu chỉ mình Bộ không làm được. Kết quả đạt được là do có sự vào cuộc rất tích cực của lãnh đạo Chính phủ và nhiều địa phương.

Trực tiếp 3 phó thủ tướng chỉ đạo hai dự án đó là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng, Phó thủ tướng Nguyễn Văn Ninh - phụ trách công tác tài chính, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải - phụ trách việc thi công, triển khai dự án nên tổng thể công trình mới đạt được kết quả tốt, Bộ trưởng Thăng thông tin cụ thể hơn.

Từ kinh nghiệm từ việc mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên lần này, Bộ trưởng Thăng cho rằng, các dự án phải có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của Chính phủ, các cấp, các địa phương, thì sẽ hoàn thành sớm, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí.

Theo phân tích của Bộ trưởng, việc hai dự án được sớm đưa vào sử dụng không chỉ tiết kiệm trên 14.000 tỷ đồng mà góp phần vào giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, tốc độ xe được nhanh hơn góp phần lưu thông hàng hoá, đi lại của người dân thuận tiện hơn.

Hiệu quả thấy rõ không chỉ ở những địa phương có tuyến đường đi qua là Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định… mà điều này còn có ý nghĩa với cả nước, ông Thăng nói.