20 năm Internet vào Việt Nam: “Phát triển là vĩnh hằng, quản lý chỉ là từng giai đoạn”
Hồi ức và suy nghĩ của ông Mai Liêm Trực, một trong những người có vai trò lớn mở đường cho Internet vào Việt Nam
"Khi tiễn tôi ra đến cổng, Thủ tướng quàng tay lên vai tôi, vỗ vỗ, rồi bảo: Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt, chứ nếu mở ra mà phải đóng lại, thì không biết phải ăn nói với thế giới thế nào".
Những ngày này, hồi ức của ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) về thời điểm Internet chính thức vào Việt Nam cách đây tròn 20 năm, vẫn ăm ắp những chi tiết sinh động như vậy.
Được xem là một trong những người có vai trò lớn mở đường cho Internet vào Việt Nam, trong câu chuyện với VnEconomy, ông Trực kể:
- Tôi tiếp xúc với Internet khá sớm. Năm 1991, khi đi dự một hội nghị quốc tế về thông tin vệ tinh tại Mỹ và ký kết thuê các bộ phát đáp vệ tinh để kết nối giữa Việt Nam và các nước, tôi được các bạn nước ngoài giới thiệu về Internet, rồi xem văn phòng của các đoàn thấy họ gõ trên máy tính, rồi gởi thư đi, gởi được trên máy tính, chuyển được dữ liệu.
Lúc đó Internet mới có e-mail và chuyển tệp, mình đã thấy rất hay rồi, vì ở nhà gửi một lá thư lên vùng xa rất khó khăn, gửi đi nước ngoài mất cả tháng.
Khi đó mình chỉ có một đam mê là thấy nó hay, và nghĩ rằng phải cố đưa nó vào, nhưng nghĩ lại thấy không đơn giản.
Ba điều kiện
Không đơn giản là như thế nào, thưa ông?
Muốn đưa Internet vào Việt Nam phải có ba điều kiện.
Thứ nhất, phải có một mạng điện thoại tự động kết nối trong nước và quốc tế. Việt Nam lúc đấy là điện thoại nhân công, tức gọi thì phải qua điện thoại viên, gọi đường dài, gọi quốc tế cũng phải qua điện thoại viên, chưa có điện thoại tự động. Gọi các tỉnh chỉ có điện thoại nội hạt.
Điện thoại đường dài cũng mới chỉ có bán tự động tại Hà Nội và Tp.HCM. Mãi đến năm 1995, ngành bưu điện mới hoàn thành số hóa và tự động hóa mạng điện thoại trong nước và kết nối thuận lợi qua các hệ thống vệ tinh của cáp biển Việt Nam đi các nước. Lúc đấy, Internet phải có máy tính, kết nối với đường dây điện thoại, gọi là dial-up.
Điều kiện thứ hai là phải có những doanh nghiệp, đơn vị, cán bộ hiểu được công nghệ Internet và tổ chức khai thác kinh doanh cung cấp dịch vụ cho xã hội.
Năm 1991 chưa có, đến những năm sau thì Viện Kỹ thuật thông tin của anh Trần Bá Thái, hay chỗ Nguyễn Anh Tuấn ở Bưu điện Khánh Hòa, hay chỗ anh Trương Đình Anh ở FPT, hay Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC)... bắt đầu nghiên cứu. Đến 1996 thì các đơn vị đã tương đối sẵn sàng.
Tôi nhớ năm 1996, Thái Lan vừa khai trương Internet, thì tôi có dự một hội nghị quốc tế ở quốc gia này, khi chia tay tạm biệt tôi, họ nói là "See you on Internet" chứ không nói là "See you again". Mình nghĩ cũng sốt ruột, vì họ đã có, và mình cũng mong mình có.
Nhưng mong muốn thì phải có điều kiện thứ ba, tức là phải được lãnh đạo cấp Đảng và Nhà nước cho phép.
Bị "quần" cả buổi
Ngày ấy, dường như ông và các đồng nghiệp phải mất rất nhiều công sức, kiên trì thuyết phục các lãnh đạo cấp cao cho việc đưa Internet vào Việt Nam?
Giai đoạn vận động để Đảng và Nhà nước yên tâm và đi đến cho phép là cả một quá trình, và rất nhiều người tham gia vào cuộc vận động này.
Các cuộc tranh luận cũng rất nhiều. Từ mời các vị lãnh đạo đi xem thử thư điện tử đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1994 gửi cho Thủ tướng Thụy Điển chỗ Viện Công nghệ thông tin để thấy nó hay thật, tiện lợi thật, cho đến gặp gỡ thuyết phục.
Khó khăn lúc đấy là rất lo ngại về lộ bí mật Nhà nước, về chuyện ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia, rồi lo ngại về những thông tin bịa đặt hay vu khống.
Khi chúng tôi, gồm tôi, anh Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và anh Chu Hảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - những người trong ban điều phối Internet mà Thủ tướng thành lập - lên báo cáo Thường trực Bộ Chính trị với cụ Lê Khả Phiêu thì bị cụ "quần" cho cả buổi, rằng Intetnet có khiến lộ bí mật Nhà nước không, có "tường lửa" nào chặn được hết không?
Chúng tôi cũng nói một cách rất thật là không thể nào ngăn được hết. Trước đó, chúng tôi chuyển thư ra nước ngoài, rồi fax thậm chí cũng bị lãnh đạo phê bình, vì bị e ngại lộ "bí mật quốc gia". Lúc đó bí mật Nhà nước rất quan trọng. Nó thành phản xạ tự nhiên.
Chúng tôi thuyết phục về cái lợi của Internet, đồng thời cũng nói về những giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực của Internet.
Chúng tôi cũng giải trình ba biện pháp. Thứ nhất về mặt kỹ thuật thì có "tường lửa" và sau này chúng ta biết có những phần mềm để ngăn chặn.
Tiếp đến là giải pháp về hành chính và pháp lý. Trước khi đưa Intetnet vào, trên cơ sở nghị định của Chính phủ về tạm thời quản lý và sử dụng Intetnet tại Việt Nam, chúng tôi ban hành những thông tư liên ngành giữa Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và Bộ Văn hóa và Thông tin. Ngay Tổng cục Bưu điện cũng ra hàng loạt quyết định về thể lệ khai thác, về trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác dịch vụ, về giá cước, rồi mới cân nhắc cấp phép cho những ai để làm Internet.
Và giải pháp cuối cùng, rất quan trọng, là tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục để nâng cao dân trí lên, để người ta chọn cái hay, cái đẹp.
Sau khi "quần" mấy anh em xong, cụ Lê Khả Phiêu bảo, phải qua báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khi đó là Thủ tướng Phan Văn Khải. Chúng tôi báo cáo Thủ tướng tại nhà riêng, nhưng Thủ tướng cũng thể hiện sự lo lắng, vì đó là trách nhiệm chung của lãnh đạo đất nước.
Khi tiễn tôi ra đến cổng, Thủ tướng quàng tay lên vai tôi, vỗ vỗ, bảo: Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt, chứ nếu mở ra mà phải đóng lại, thì không biết phải ăn nói với thế giới thế nào.
Phát triển đến đâu, quản đến đó
Sau lời nhắn nhủ của Thủ tướng Phan Văn Khải, chính sách quản lý phát triển Internet những ngày tháng sau đó có thực sự là áp lực lớn không?
Lời dặn dò của Thủ tướng nhẹ nhàng, nhưng còn nặng hơn cả các chỉ thị, nghị quyết, khiến cho mình luôn luôn cầu thị, đầy trách nhiệm.
Thấy cái hay, cái lợi của Internet, thì mình dấn thân để Internet phát triển tốt. Nhưng cũng phải lưu ý về những phản biện về cái này cái kia có thể gây tác động xấu.
Nhưng tôi nghĩ, các vị lãnh đạo khi ấy là dũng cảm, chứ nếu họ e ngại thì đã không cho chúng tôi làm. Về sau, các cụ còn "tiến bộ" đến mức, từ quá lo ngại lúc đầu nên phương châm quản lý của Chính phủ giao là quản được đến đâu thì mở đến đấy, nghĩa là nếu không quản được thì chưa mở, nhưng sau này, tư duy lại là quản lý phải theo kịp phát triển, tức là phát triển đến đâu thì quản lý đến đấy.
Đó là quá trình phát triển rất đáng nhớ, và phần nào cũng là bài học để sau nay chúng tôi mạnh dạn mở cửa thị trường viễn thông trong nước cũng như quốc tế.
Và đúng là chúng tôi may mắn với quan điểm phát triển đến đâu quản đến đó, và quan điểm đấy là đúng, bởi phát triển là vĩnh hằng, còn quản lý chỉ là từng giai đoạn của quá trình phát triển.
Đấy chính là cuộc sống
Trong hơn một thập kỷ qua, khi không còn tham gia quản lý nữa, đứng ngoài quan sát thì ông thấy sự phát triển của Internet tại Việt Nam diễn ra theo xu thế như thế nào?
Internet 10 năm vừa qua phát triển rất tốt. Một phần là tư duy quản lý, quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển, theo tinh thần đấy, cơ quan quản lý nhà nước cũng phát triển theo hướng như vậy.
Thứ hai là công nghệ trong những năm qua phát triển rất nhanh. Với sự phát triển của smartphone, 3G và 4G, và thị trường đã đi vào cạnh tranh mạnh, giá cước giảm mạnh, nên chúng ta đã đạt được trình độ phải nói là tương đương với các nước. Giá cước cũng vào loại thấp của thế giới; các hình loại dịch vụ ta đưa vào thì hầu như thế giới có gì chúng ta cũng có cái ấy.
Cùng với nhu cầu của xã hội trong thời đại thông tin và nỗ lực của các doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh, tất cả các yếu tố đó đã làm làm cho Intetnet phát triển khá tốt.
Tất nhiên, vẫn có những lúc ta có thể làm tốt hơn, thí dụ như 4G đưa vào hơi chậm so với các nước, đấy là một thiệt thòi. Hay trong tư duy quản lý, đáng lý có thể bỏ một số giấy phép con thì chúng ta vẫn còn, kể cả giấy phép về mặt công nghệ, cả về dịch vụ.
Tôi cho đó là một số rào cản cũng khiến chúng ta chưa phát huy được hết khả năng của Internet.
10 năm qua, cũng có những tư duy lo ngại về mặt này mặt kia, tuy không nặng nề. Tất nhiên cũng phải có những lo ngại về mặt an toàn an ninh thông tin, về vấn đề lừa đảo trên mạng, rồi khủng bố trên mạng, chiến tranh mạng, nhưng đó chính là những thách thức, nguy hại do con người, chứ không phải do Internet.
Với Internet, tôi cho là công trình vĩ đại nhất của nhân loại. Có Internet, chúng ta có thêm một không gian sống mới, một môi trường sống mới. Đó là cuộc sống online, cuộc sống trong không gian số.
Ai cũng mong cuộc sống tốt đẹp đó được bổ sung. Nhưng cũng chính con người đôi khi lại mang rác rưởi, mang cả tội phạm trên cuộc sống vật lý, cuộc sống offline lên không gian mạng.
Đường càng rộng, người đi càng thoải mái, thì trộm cướp cũng nhiều hơn. Nhưng, đấy chính là cuộc sống.
Tôi cảm thấy một số người quá nhấn mạnh đến lo ngại đấy, mà có những tư duy có thể hạn chế sự phát triển. Mình phải thấy đấy là cuộc sống, phải tiếp tục có những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, luật pháp, hành chính, rồi về tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí...
Tôi cho rằng nhờ có Internet, có mạng xã hội, dân trí của Việt Nam đã lặng lẽ nâng lên được rất nhiều.
Thông tin phải được giải tỏa bằng thông tin
Cái được gọi là "mặt trái của Internet", đặc biệt là trên mạng xã hội, cũng được các đại biểu Quốc hội những ngày qua tranh luận, chất vấn rất nhiều, thưa ông...
Tôi ủng hộ cần có những giải pháp để đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an toàn của hệ thống, nhưng đồng thời chúng ta không phải vì thế mà hạn chế sự phát triển.
Vấn đề giải pháp mà ta đưa ra là như thế nào. Cái nào đáng sử dụng giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, cái nào sử dụng biện pháp về hành chính; cái nào sử dụng biện pháp về tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục.
Còn vấn đề nội dung thông tin, như nói xấu, vu khống nhau trên mạng, thì chỉ có thông tin mới giải tỏa được thông tin. Bởi tư tưởng giải quyết bằng tư tưởng, thông tin giải quyết bằng thông tin.
Thông tin bịa đặt thì anh phải nói lại. Nếu bôi nhọ, vu khống cá nhân thì để cá nhân thưa kiện, đó là quan hệ dân sự giữa người với con người.
Tư tưởng mà dùng áp đặt, cưỡng bức thì không tài nào giải quyết được tư tưởng. Ngăn chặn không đúng với quy luật, nhiều khi còn lợi bất cập hại.
Mình phải thấy là bình thường, phải quen dần với cuộc sống đấy.