17:34 09/01/2013

2012, ngành dầu lửa châu Á đua nhau mua sắm

An Huy

Các công ty Trung Quốc dẫn đầu xu hướng trên, chi tổng cộng 31 tỷ USD để mua tài sản dầu khí ở nước ngoài trong năm 2012

Một cơ sở khai thác dầu ở Canada - Ảnh: CBA.<br>
Một cơ sở khai thác dầu ở Canada - Ảnh: CBA.<br>
Các công ty dầu lửa quốc doanh từ Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và nhiều nước châu Á khác đã chi tiền để thâu tóm tài sản với tốc độ kỷ lục ở nước ngoài trong năm 2012. Tổng trị giá các thương vụ thâu tóm mà các đại gia dầu lửa quốc doanh châu Á thực hiện trong năm qua lên tới gần 50 tỷ USD.

Theo trang CNNMoney, các công ty Trung Quốc dẫn đầu xu hướng trên, chi tổng cộng 31 tỷ USD để mua tài sản dầu khí ở nước ngoài trong năm 2012. Đây là số liệu do PLS, một công tư nghiên cứu về ngành dầu lửa có trụ sở ở Houston, Mỹ, công bố mới đây.

Trong đó, phải kể tới vụ Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mua công ty Nexen của Canada với giá 18 tỷ USD. Thỏa thuận này cũng chính là thương vụ thâu tóm lớn nhất mà ngành dầu khí châu Á thực hiện trong năm nay. Những thương vụ lớn khác bao gồm Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc mua 2,5 tỷ USD tài sản tại Nigeria của tập đoàn Pháp Total; hay PetroChina thành lập liên doanh 2,2 tỷ USD với đối tác Encana của Canada.

Tập đoàn Petronas của Malaysia cũng rất tích cực hoạt động ở Canada, thể hiện qua việc chi 5,8 tỷ USD để mua Progress Energy một công ty dầu khí có nhiều tài sản ở vùng British Columbia của Canada.

Công ty ONGC của Ấn Độ thì khiến giới truyền thông phải chú ý trong tháng 11 vừa qua khi bỏ ra 5 tỷ USD để thâu tóm cổ phần của hãng ConocoPhillip trong mỏ dầu Kashagan ở Kazakhstan. Mỏ dầu này hiện là dự án năng lượng đắt giá nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng là một thị trường mà các công ty dầu lửa châu Á để mắt. Trong năm 2012, tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đã chi 2,2 tỷ USD còn tập đoàn Sumimoto của Nhật đã chi 1,4 tỷ USD để khai thác các mỏ khí đá phiến cùng với đối tác Mỹ Devon Energy.

“Nhu cầu năng lượng ở châu Á được dự báo sẽ tăng mạnh. Các công ty này đang tìm kiếm khắp thế giới để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu đó”, ông Brian Lidsky, Giám đốc nghiên cứu của PLS, cho biết.

Trước đây, việc các công ty quốc doanh nước ngoài thâu tóm các tài sản chiến lược như năng lượng đã làm gia tăng mối quan ngại về an ninh ở một số quốc gia có tài sản bị thâu tóm.

Điển hình là vào năm 2005, CNOOC đã chào mua công ty dầu khí Unocal của Mỹ, nhưng bị Quốc hội Mỹ phản đối. Một số nhà phân tích cho rằng, sau những thương vụ “khủng” của năm 2012, Canada sắp tới sẽ không còn cởi mở với thương vụ thâu tóm tài sản dầu khí mà các công ty nước ngoài muốn thực hiện ở nước này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng, dầu lửa là một lĩnh vực mang tính chất toàn cầu, thị trường càng có nhiều dầu thì giá dầu càng rẻ cho người tiêu dùng ở mọi quốc gia. Bởi vậy, sau nhiều năm gia tăng lượng dầu tiêu thụ, giờ là lúc châu Á phải chi tiền để giúp khai thác nhiều dầu hơn.

Theo số liệu của PLS, trên phạm vi toàn cầu, có 679 thương vụ thâu tóm tài sản dầu khí trong năm 2012, với tổng trị giá 254 tỷ USD, cũng là một con số kỷ lục.