16:23 18/09/2022

350.000 hộ kinh doanh cá thể tại TP Hồ Chí Minh chưa vay được tiền để hồi phục sau đại dịch

Song Hoàng

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, đóng góp về việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày nhiều ý kiến tâm huyết...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành nhiều, nhưng khi thực thi còn gặp nhiều khó khăn...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành nhiều, nhưng khi thực thi còn gặp nhiều khó khăn...

Ngay sau lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, sáng nay 18/9, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì Chuyên đề: "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững".

DOANH NGHIỆP KHÓ VƯỢT "CỬA ẢI" THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Hiện các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; (ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; (iii) Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; (iv) Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp.

 

"Chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song, 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể...".

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn doanh nghiệp nhỏ lại tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, các văn bản hưởng dẫn chưa kịp thời. Đơn cử, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song, 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ.

TRÙNG TRÙNG ĐIỆP ĐIỆP THÔNG TƯ, QUY ĐỊNH...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh diễn biến của kinh tế tài chính toàn cầu rất phức tạp, lãi suất và tỷ giá trong nước tương đối ổn định.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh rằng một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay là thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho người vay vốn tại ngân hàng thương mại.

Về nội dung này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp. Trước hết, về hoàn thiện hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 31, cùng ngày ban hành Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai đến các đối tượng vay vốn.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để cùng với các Bộ tiến hành đề xuất phân bổ ngân sách 40.000 tỷ trong 2 năm, năm nay dự kiến phân bổ 16.000 tỷ, năm 2023 dự kiến phân bổ 24.000 tỷ.

 

"Quyết sách của Quốc hội, Chính phủ rất đúng, rất kịp thời nhưng khi vận hành “đụng” trùng trùng điệp điệp từ thông tư đến các quy định. Quyết sách Quốc hội đưa ra phải cấp cứu” đáng lẽ xe phải có đèn chạy ưu tiên nhưng tài xế cứ chạy từ từ, do đó, từ quyết sách vào thực tiễn còn chậm”.

TS.Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Sau khi có phân bổ ngân sách, Nhà nước đã tiến hành triển khai, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và đã xác định rõ hơn 20 vấn đề cần phải giải đáp cho các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai, chủ yếu là liên quan đến đối tượng, về phương thức, về cách đăng ký, về cách lập dự toán rồi cũng như là rút vốn, hỗ trợ quyết toán. Ngoài ra, các ngân hàng cũng được yêu cầu phải tập trung mọi nguồn lực cao, triển khai nhanh và hỗ trợ kịp thời đến người vay vốn.

TS.Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã thể hiện tinh thần “ứng vạn biến” rất nhanh, sớm; tiếp theo là Nghị quyết 11 của Chính phủ mang tính chiến lược quan trọng cho giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, quyết sách của Quốc hội, Chính phủ rất đúng, rất kịp thời nhưng khi vận hành “đụng” trùng trùng điệp điệp từ thông tư đến các quy định. Quyết sách Quốc hội đưa ra phải cấp cứu” đáng lẽ xe phải có đèn chạy ưu tiên nhưng tài xế cứ chạy từ từ, do đó, từ quyết sách vào thực tiễn còn chậm”.

TS.Trần Du Lịch cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau đại dịch có 3 loại: thứ nhất là mở cửa trở lại là hoạt động liền; thứ 2 là khó khăn về vốn, được hỗ trợ tín dụng hoạt động lại được; thứ 3 là các doanh nghiệp mất thị trường, thiếu lao động và nợ chồng chất.

Ngoài ra, một thành phần bị ảnh hưởng rất nặng nề là 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại tại Tp. Hồ Chí Minh, họ đóng góp rất lớn cho GDP nhưng không thể vay được tiền và khả năng phục hồi rất chậm. Bên cạnh đó, do tắc nghẽn thủ tục nên một số lĩnh vực như ngành xây dựng phục hồi không được. Vì vậy, cần nhanh chóng rà lại hệ thống chính sách này triển khai thế nào.

Theo đó, thứ nhất, nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng hấp thụ vốn rất khó khăn, không hấp thụ được. Do đó, phải gỡ khó khăn trong hấp thụ vốn mới phục hồi phát triển được.

Thứ hai, phải ổn định được lạm phát, giá cả, dự trữ ngoại hối dòng tiền. Từ nay cuối năm, dư địa tín dụng còn 4% phải đưa vào được những nơi cần đưa như Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu.

Thứ ba, phối hợp tài chính tiền tệ, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tránh phát hành trái phiếu trong kho bạc. Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam, tiền tệ và vốn trung dài hạn qua chứng khoán. Từ trước đến nay chủ yếu nguồn vốn dựa vào các ngân hàng thương mại cả vốn trung dài hạn. Gần đây có sự cố thị trường, làm sao trái phiếu doanh nghiệp phát triển gánh cho các ngân hàng thương mại.