10:56 26/11/2015

4 lĩnh vực Nga có thể trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ vụ Su-24 bị bắn

An Huy

Nga có khả năng đánh vào các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ một cách gián tiếp

Tổng thống Nga Vladimir Putin.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin.<br>
Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11, giờ là lúc Moscow đang cân nhắc các biện pháp trả đũa.

Dưới đây là một số lĩnh vực mà Nga có thể xem xét trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, theo nhận định của hãng tin Bloomberg:

Du lịch

Lời cảnh báo của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng người dân nước này không nên đi tới Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là một cảnh báo đi lại đơn thuần.

Thống kê chính thức của Ankara cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đón khoảng 3,3 triệu du khách Nga trong 9 tháng đầu năm nay và gần 4,5 triệu trong năm 2014. Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000 người Nga đang trong kỳ nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo bà Irina Turina, phát ngôn viên báo chí Liên đoàn Du lịch Nga, nhiều khả năng nước này sẽ sớm ngừng cho phép người dân sang Thổ Nhĩ Kỳ du lịch. Tổng cục Du lịch Liên bang Nga cũng đã yêu cầu các công ty lữ hành ngừng bán tour sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 9 vừa qua, hãng hàng không Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành hãng hàng không nước ngoài phục nhiều nhất tại thị trường Nga.

Theo số liệu của Bloomberg, sẽ có khoảng hơn 1 triệu lượt khách đi Turkish Airlines trên các tuyến bay tại Nga trong năm nay. Hãng này cũng đã tăng số chuyến bay đến Nga thêm 16% trong năm 2015.

Năng lượng

Hơn một nửa số khí đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu đến từ Nga, tương đương khoảng 27 tỷ mét khối trong năm 2014. Phần lớn lượng khi đốt này được vận chuyển qua một đường ống đi qua biển Đen, phần còn lại thông qua Ukraine và khu vực Balkan.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky nói nước này sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ theo hợp đồng đã ký. Tuy vậy, ông Yanovsky từ chối bình luận về Turkish Stream - một dự án dẫn khí đốt qua biển Đen nhằm đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một tuyến đường xuất khẩu khí đốt chính từ Nga sang châu Âu.

Ngoài ra, hiện Nga còn đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, với công suất dự kiến 4.800 MW. Dự án này nằm ở tỉnh Mersin bên bờ Địa Trung Hải.

Quân sự

Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra lời đe dọa trả đũa quân sự nào nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Nga có khả năng đánh vào các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ một cách gián tiếp.

Nga có quan hệ với các nhóm người Kurd ở Syria và Iraq và có thể cung cấp vũ khí cho các nhóm này chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng có thể quay lưng lại với Azerbaijan, một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, và đứng về phía Armenia trong tranh chấp Azerbaijan-Armenia đối với vùng Nagrono-Karabakh. Chưa kể, căng thẳng có thể bùng phát dọc biên giới đã bị đóng cửa giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia, nơi lính Nga đứng gác trên lãnh thổ Armenia.

Ngày 25/11, Nga đã tăng cường không kích ở khu vực nơi chiếc Su-24 của nước này rơi trước đó một ngày. Ngoài ra, sự hiện diện của Nga ở Syria cũng được tăng cường thông qua việc triển khai một hệ thống tên lửa S-400.

Tuy nhiên, ông Frants Klintsevich, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga, cho rằng một cuộc đối đầu trực tiếp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là “chuyện lạ và không thể chấp nhận được.

Với quan điểm tương tự, ông Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh ở Nga, nói nếu đối đấu trực tiếp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra, thì Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể vào cuộc để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của khối. Chắc chắn cả Moscow và Ankara đều không muốn đối đầu bị đẩy lên cao tới mức như vậy.

Thương mại - đầu tư

Năm ngoái, Nga là đối tác thương mại lớn thứ nhì của Thổ Nhĩ Kỳ sau Đức và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước này. Kim ngạch nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga trong năm 2014 là 25 tỷ USD.

Theo một số ước tính, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm đến nay là 755 triệu USD. Trong khi đó, vốn FDI của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 55 triệu USD.

Cả hai nước đều “có nhiều thứ để mất nếu đẩy căng thẳng gia tăng”, đặc biệt là thiệt hại về thương mại - ông Tim Ash, trưởng bộ phận chiến lược tín nhiệm thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại công ty Nomura International Plc, nhận xét.

“Tuy nhiên, cảm xúc đang dâng cao và các bên cần phải kiểm chế”, ông Ash nói.

Thương mại thịt gà có thể chính là nạn nhân đầu tiên của căng thẳng trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Nga tuyên bố nhập khẩu thịt gà từ một nhà cung cấp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cấm từ ngày 1/12 vì những quan ngại liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.